Luật pháp quốc gia và quốc tế thời Covid-19: Tương quan vẫn thế hay khác?
Biến động trong quan hệ giữa quốc gia với thế giới, giữa chính quyền với người dân thời Covid-19 sẽ như trước hay khác xưa sau dịch bênh? PHÂN TÍCH.
Luật pháp quốc tế trong quan hệ giữa các quốc gia và các quyền cơ bản của người dân trong quốc gia phải được tiếp cận theo một cách khác.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra nguy hại trực tiếp và nhanh chóng đối với sinh mệnh và sức khoẻ của con người đến mức buộc chính phủ các quốc gia và chính quyền các vùng lãnh thổ phải thực thi những biện pháp chính sách quyết liệt về luật pháp và hành chính để ứng phó. Trong đó có những biện pháp chính sách mà cả về bản chất lẫn mức độ chưa từng được áp dụng bao giờ và cũng không mấy ai có thể ngờ là rồi có lần phải được áp dụng.
Trật tự dựa trên luật lệ thay đổi ra sao?
Trong thời đại dịch, vai trò của chính quyền nhà nước ở trong nước và vai trò của nhà nước quốc gia trên thế giới trở nên nổi trội và quyết định. Mối quan hệ giữa nhà nước quốc gia và thế giới bên ngoài, giữa chính quyền nhà nước và người dân ở bên trong quốc gia vì thế bị biến động rất mạnh. Câu hỏi được đặt ra ở đây là sự biến động này sẽ còn đến mức độ nào nữa ở thời còn phải đối phó với dịch bệnh và rồi sẽ chấm dứt hay tiếp tục ở thời sau dịch bệnh. Tương quan ấy ở thời sau dịch bệnh sẽ lại như trước hay sẽ khác xưa?
Trong lịch sử phát triển của nhân loại cho đến nay đã có những thời kỳ dài nhà nước quốc gia riêng rẽ, với luật lệ riêng rẽ, chế ngự diện mạo thế giới và thao túng sự vận động của thế giới trên mọi phương diện.
Theo dòng chảy của thời gian, các quốc gia tự dàn xếp với nhau để xây dựng nên trật tự thế giới và tự đặt mình vào trong thế giới ấy trên nền tảng những nguyên tắc và tục lệ chung, được thống nhất rồi dần bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện thành luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế được sử dụng làm tiêu chí và trọng tài để phân định đúng sai của luật pháp quốc gia và tính tương thích của luật pháp quốc gia với những đặc thù của thế giới hiện đại.
Nhiều quyền công dân được nhà nước và luật pháp quốc tế ngày nay coi như đương nhiên ở tình cảnh bình thường thì trong bối cảnh dịch dã bị hạn chế mà cả luật pháp quốc tế lẫn người dân đều phải coi là hợp pháp, chính đáng và cần thiết, bởi chỉ như vậy, nhà nước mới hoàn thành được trách nhiệm của nhà nước là đảm bảo sự sống cho người dân, giảm thiểu tối đa tổn hại cho cả xã hội và bảo tồn tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung ở thời sau dịch bệnh.
Toàn cầu hoá càng tiến triển, hội nhập quốc tế càng phát triển và liên minh, liên kết giữa các quốc gia càng thêm nhiều thì luật pháp quốc tế cũng như luật pháp chung của các liên minh, liên kết kia càng thêm quan trọng.
Nói theo cách đơn giản, trong thế giới hiện đại, chẳng có quốc gia nào hay vùng lãnh thổ nào có thể tồn tại và phát triển thịnh vượng được trong sự biệt lập với phần còn lại của thế giới nên khi đưa ra bất cứ quyết sách gì cũng đều phải lưu ý đến sự tương thích hay tác động của nó tới luật pháp quốc tế.
Trong khuôn khổ phạm vi quốc gia, chiều hướng chuyển biến là người dân có nhiều quyền sâu rộng hơn và nhà nước quốc gia chuyển từ ‘cai trị dân’ sang quản lý xã hội và phục vụ dân, tạo nên tương quan cân bằng tương đối giữa quyền hạn của nhà nước và quyền lợi của người dân.
Dịch bệnh hiện tại đã làm thay đổi tương quan ấy. Sự cần thiết phải thực thi những quyết sách quyết liệt và ngay lập tức đã đặt nhà nước quốc gia vào tình thế không thể không thay đổi tương quan ấy, nghiêng hẳn về phía luật pháp quốc gia và quyền hạn của nhà nước mà luật pháp quốc tế không thể phản bác và người dân không thể không chấp nhận.
Thay đổi và buộc phải chấp nhận
Nhiều quyền công dân được nhà nước và luật pháp quốc tế ngày nay coi như đương nhiên ở tình cảnh bình thường thì trong bối cảnh dịch dã bị hạn chế mà cả luật pháp quốc tế lẫn người dân đều phải coi là hợp pháp, chính đáng và cần thiết, bởi chỉ như vậy, nhà nước mới hoàn thành được trách nhiệm của nhà nước là đảm bảo sự sống cho người dân, giảm thiểu tối đa tổn hại cho cả xã hội và bảo tồn tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung ở thời sau dịch bệnh.
Chừng nào dịch bệnh còn dai dẳng và nhà nước vẫn còn phải tiếp tục duy trì mức độ đối phó dịch bệnh quyết liệt thì mối tương quan nói trên vẫn còn tiếp tục thay đổi, cụ thể là về mức độ chứ không về chiều hướng. Nhưng một khi dịch bệnh đã đi qua thì tình thế đặc biệt không còn tồn tại nữa và mối tương quan kia cũng thoát khỏi tình trạng bị chi phối bởi dịch bệnh. Nó không thể lại hoàn toàn như ở thời trước dịch bệnh, nhưng nó cũng lại không thể khác biệt cơ bản và hoàn toàn so với ở thời trước dịch bệnh.Nhiều biện pháp chính sách có liên quan đến đối tác và thế giới bên ngoài phải được nhà nước quốc gia thực thi theo tiêu chí quyết định hàng đầu là đảm bảo an toàn cho quốc gia và người dân mà luật pháp, các đối tác và thế giới bên ngoài phải chấp nhận. Dịch bệnh này cho thấy nhà nước phải hành động như thế và mỗi tương quan nói trên có thể thay đổi như thế.
Luật pháp quốc tế trong quan hệ giữa các quốc gia và đối tác không phải bị vô hiệu hoá hay thay đổi cơ bản bởi dịch bệnh. Các quyền cơ bản của người dân trong quốc gia không phải bị tiêu huỷ bởi dịch bệnh. Luật pháp quốc tế trong quan hệ giữa các quốc gia và các quyền cơ bản của người dân trong quốc gia chỉ phải được tiếp cận theo cách khác, phải hàm chứa tính tương đối của chúng và phải được bổ sung khả năng thích ứng với đặc thù của tình huống khẩn cấp xảy ra trong quốc gia ấy hay bùng phát trên thế giới.
Trạng thái ‘bình thường mới’
Tất cả đều phải rút ra cho chính mình những bài học cần thiết từ những tháng ngày chiến đấu chống dịch bệnh để tạo dựng thời sau dịch bệnh.
Từ đó có thể thấy ở thời kỳ sau dịch bệnh, mối quan hệ giữa nhà nước và người dân không thay đổi về bản chất nhưng sẽ trở nên linh hoạt và thực tiễn hơn trên phương diện tương quan giữa quyền hạn của nhà nước và quyền lợi của người dân, giữa đòi hỏi chính đáng của người dân về sứ mệnh và trách nhiệm của nhà nước với đòi hỏi chính đáng của nhà nước là người dân có trách nhiệm tuân thủ những quyết sách của nhà nước vì lợi ích chung của cả xã hội.
Từ đó cũng còn có thể thấy, luật pháp quốc tế về cơ bản vẫn giữ nguyên và phát huy được hiệu lực của nó ở thời sau dịch bệnh nên tất cả những cấu trúc và cơ chế dựa trên nền tảng là luật pháp quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại và hoạt động ở thời sau dịch bệnh nhưng đồng thời luật pháp quốc tế cũng phải chấp nhận một thực tế là có những tình huống trên thế giới mà chỉ có luật pháp quốc gia mới xử lý ổn thoả lâu bền nổi.
Con người và các quốc gia trên thế giới hiện đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể làm được để đẩy lùi và vượt qua dịch bệnh. Dịch bệnh này rồi cũng sẽ đi qua. Thế giới sẽ lại bình thường nhưng tình trạng bình thường này không phải là sự phục hồi tình trạng bình thường như trước dịch bệnh bởi tất cả đều phải rút ra cho chính mình những bài học cần thiết từ những tháng ngày chiến đấu chống dịch bệnh để tạo dựng thời sau dịch bệnh.
Con người và thế giới không thể loại trừ hoàn toàn khả năng vào thời điểm sớm muộn nào đấy trong tương lai lại có một loài virus hay vi trùng gây dịch lây truyền trên thế giới. Trong trạng thái bình thường mới sau dịch bệnh này, con người và thế giới phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và mọi tiền đề cần thiết để chấp nhận khả năng ấy và không phải trả giá đắt như hiện tại để vượt qua thách thức mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận