Luật Đầu tư công sửa đổi: Đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy giải ngân
Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi với 90.7% số phiếu tán thành. Bên hành lang Quốc hội, các ĐB cho rằng Luật giúp đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy giải ngân.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Hà Nội: Luật mới khắc phục vấn đề “con gà, quả trứng”
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Hà Nội
Một trong những điểm nổi bật của Luật Đầu tư công sửa đổi chính là khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề "con gà, quả trứng" - nghĩa là vốn có trước hay dự án có trước.
Trước đây, muốn quyết định chủ trương đầu tư của một dự án, cần phải xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, muốn xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải căn cứ vào dự án. Như vậy là đã tạo một vòng lặp luẩn quẩn và không có giải pháp "lối ra" để xử lý. Luật Đầu tư công sửa đổi đã đề xuất phương án phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước, để từ đó, có căn cứ pháp lý về nguồn vốn để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Một điểm đáng lưu ý nữa là Luật đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trình tự, thủ tục, phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ.
Xác định một số nhiệm vụ và loại dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư nhằm gỡ bỏ thủ tục mang tính hình thức, trùng lặp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác chuẩn bị dự án.
Phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, vừa đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau. Điển hình là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của địa phương sử dụng bất kỳ loại nguồn vốn nào, bao gồm cả hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương.
Tuy nhiên, điểm duy nhất khiến tôi chưa hài lòng chính là việc lựa chọn đưa vào danh mục dự án đầu tư 5 năm và kế hoạch hàng năm chưa có tiêu chí rõ ràng. Luật cần phải có tiêu chí đo lường cụ thể như hiệu qủa đâu tư, lan tỏa, phòng tránh rủi ro… để cho điểm và xếp hạng các dự án đầu tư công.
ĐB Phạm Phú Quốc, TPHCM: Đã có sự tương thích giữa Luật sửa đổi với năng lực thực thi
ĐB Phạm Phú Quốc, TPHCM
Khi Luật được thông qua nhiều nội dung đã được chỉnh lý tiếp thu và đạt được trạng thái mong muốn nhất của các ĐBQH cũng như chuyên gia. Theo đó, có sự tương thích giữa Luật sửa đổi với năng lực thực thi dự án đầu tư công. Vấn đề còn lại là năng lực con người thực thi, trước hết đòi hỏi phải theo tinh thần thượng tôn pháp luật thì chắc chắn sẽ hiệu quả. Luật cũng làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành và địa phương từ việc lập kế hoạch tới vận hành quản lý dự án.
Về thẩm quyền quyết định danh mục, Luật trong quá trình điều chỉnh và phân bổ vốn lại QH cũng đã ủy quyền cho Chính phủ quyết định. Cuối cùng, điều khiến tôi tâm đắc nhất, Luật đặt ra danh mục dự án đầu tư công và thứ tự ưu tiên. Theo đó dành nguồn lực có hạn để tập trung làm những dự án ưu tiên trước tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Luật mới đã thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, quy định 2 loại vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách nhà nước; và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đây là một thay đổi rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước. Đồng thời, sự thay đổi này giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công sửa đổi cũng đã xác định rõ một số nhiệm vụ và loại dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư, nhằm gỡ bỏ thủ tục mang tính hình thức, trùng lặp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác chuẩn bị dự án.
Tiếp theo, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, vừa đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, hội đồng nhân dân, vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau.Với sửa đổi này, hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của địa phương sử dụng bất kỳ loại nguồn vốn nào.
Do đó, thực thi Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị dự án, do việc đơn giản hóa thủ tục, phân cấp mạnh mẽ. Bên cạnh đó cũng sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn chậm trễ bao lâu nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận