Luật đất đai sửa đổi: Đánh thuế cao với người có nhiều nhà đất, đầu cơ
Chính phủ đã trình Quốc hội Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Trong đó, Dự thảo có nhiều nội dung đổi mới đáng chú ý.
Cụ thể, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư,... Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Cùng với đó là chính sách ưu đãi thông qua việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.
Dự thảo hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Hoàn thiện các chế định về điều tiết của Nhà nước để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững.
Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó là việc hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, đảm bảo nguồn thu ổn định.
Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và HĐND cấp tỉnh trong việc xây dựng bảng giá đất cũng được hoàn thiện. Bổ sung, hoàn thiện các quy định đảm bảo công khai, mịnh bạch như công khai giá đất, bắt buộc phải giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
Dự thảo cũng quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mai, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển,...
Ngoài ra, Chính phủ cho biết trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi còn 5 vấn đề cần xin ý kiến Quốc hội gồm: Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau một thời gian thực thi, Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi. Tính đến nay, dự án luật này có 4 lần được “đưa vào, rút ra” vì luật khó, nhạy cảm, chuẩn bị chưa kỹ lưỡng. Theo dự kiến, Luật Đất đai sửa đổi được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới. Nếu đảm bảo điều kiện, luật này có thể được thông qua trong 3 kỳ họp (thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, diễn ra cuối năm 2023). |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận