Luật Cạnh tranh 2018: Hạn chế doanh nghiệp lớn lũng đoạn thị trường
Luật Cạnh tranh 2018, với nhiều điều khoản tạo hành lang pháp lý cho phép các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế sẽ có hiệu lực từ 1/7/2019.
Nhằm tăng cường nhận thức về pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế trong lĩnh vực bia - rượu - nước giải khát” tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27/5.
Nếu trước đây, Luật Cạnh tranh 2004 quy định kiểm soát tập trung kinh tế dựa vào ngưỡng thị phần kết hợp giữa các bên tham gia trên thị trường liên quan, thì Luật Cạnh tranh 2018 đã thay đổi quy định về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau; trong đó, có thể kể đến tiêu chí thị phần, giá trị giao dịch tập trung kinh tế và tổng doanh thu của một trong các bên đạt trên mức ngưỡng quy định theo Luật.
Theo ông Lê Quang Lân - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, mục tiêu của việc xác định ngưỡng tập trung kinh tế nhằm ngăn ngừa nguy cơ có thể hình thành các doanh nghiệp (nhóm doanh nghiệp) có vị trí thống lĩnh thị trường và sau đó có thể có những hành vi lạm dụng, cản trở cạnh tranh.
Việc bổ sung các tiêu chí sẽ giúp doanh nghiệp tăng tính chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ thông báo với cơ quan cạnh tranh khi thực hiện một giao dịch tập trung kinh tế.
Qua đó, tạo hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp giảm rủi ro phát sinh từ việc không xác định được chính xác liệu giao dịch tập trung kinh tế có thuộc ngưỡng thông báo hay bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh hay không.
Ngoài ra, Luật Cạnh tranh không đưa ra định nghĩa về tập trung kinh tế mà chỉ liệt kê các loại hình hành vi.
Cụ thể, điều 16, quy định tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp, gồm: sáp nhập doanh nghiệp; hợp nhất doanh nghiệp; mua lại doanh nghiệp; liên doanh giữa các doanh nghiệp; hành vi tập trung khác theo quy định của pháp luật.
Còn điều 17, đưa ra định nghĩa cho từng hành vi như: sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác; đồng thời, chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.
Hay định nghĩa hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị hợp nhất…
Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh không kiểm soát tất cả hoạt động tập trung kinh tế mà chỉ tập trung vào một số trường hợp trên cơ sở đánh giá quy mô của doanh nghiệp hình thành sau hoạt động tập trung kinh tế.
Điển hình, đối với trường hợp trong đó thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia dưới 30% hoặc trường hợp doanh nghiệp hình thành sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp được tiến hành tập trung kinh tế mà không cần phải thực hiện thủ tục thông báo bắt buộc.
Với những trường hợp trong đó thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia từ 30% đến 50% thì doanh nghiệp được tiến hành tập trung kinh tế tuy nhiên đại diện hợp pháp của doanh nghiệp đó phải thực hiện thủ tục thông báo cho Cục Quản lý Cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.
Để tiến hành thủ tục thông báo, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế cần hoàn thiện hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo mẫu ban hành.
Mặt khác, điều 18, có quy định cấm thực hiện tập trung kinh tế đối với trường hợp trong đó thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia chiếm trên 50% trên thị trường liên quan và doanh nghiệp hình thành sau hoạt động tập trung kinh tế không thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
Ở điều 19, việc tập trung kinh tế thuộc diện bị cấm cũng có thể được xem xét và miễn trừ trong hai trường hợp, gồm: một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản; hoặc việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Luật sư Công ty Luật LNT & Partners cho rằng, Luật Cạnh tranh 2018 đã có những quy định tập trung kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế.
Từ đó, giúp doanh nghiệp hạn chế được rủi ro trong tương lai, nhất là liên quan đến xác định thị trường, thị phần.
Với những tiêu chí quy định trong Luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Tập đoàn, công ty đa quốc gia đánh giá về tập trung kinh tế trong hệ thống pháp luật của Việt Nam để thâm nhập vào thị trường tốt hơn.
Đặc biệt, trên thực tế, khi đi sâu vào lĩnh vực, ngành nghề có những sản phẩm, dịch vụ không cạnh trạnh với nhau, nên tỷ lệ thị phần, thị trường chỉ là những con số tham chiếu.
Chính vì vậy, cần có thêm những tiêu chí tiếp cận đa chiều để đạt được tính chính xác và độ tin cậy, nhằm nhận định đúng năng lực của doanh nghiệp, cũng như tác động về cạnh tranh.
Thống kê thực trạng kiểm soát tập trung kinh tế trong thời gian qua có thể kể đến những vụ việc điển hình trong lĩnh vực bia – rượu – nước giải khát như thoái vốn nhà nước tại Công ty Sabeco, mua lại Công ty Pepsico, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước bia Heniken Việt Nam mua lại Công ty cổ phẩn Bia Carlsberg Việt Nam – Vũng Tàu…
Đây là những vụ việc đã được thẩm định tập trung kinh tế và doanh nghiệp phải thực hiện quy định tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Qua thực trạng kiểm soát tập trung kinh tế trên thị trường bia – rượu – nước giải khát tại Việt Nam, bà Trần Phương Nhung – Phó Trưởng phòng Phòng kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, doanh nghiệp khá hiểu rõ thị trường và nắm bắt quy định pháp luật.
Nhưng trong thời gian tới, việc thực thi Luật Cạnh tranh 2018 đã đưa ra hai bước thẩm định tập trung kinh tế là sơ bộ và chính thức dựa trên cơ sở cắt giảm thủ tục hành chính; trong đó, bước thẩm định sơ bộ theo quy định chỉ trong vòng 30 ngày, cơ quan thực thi phải đưa ra kết quả chính thức là tiếp theo có thực hiện thẩm định chính thức hay không.
Nếu sau 30 ngày, cơ quan thực thi không có ý kiến hay phản hồi thì doanh nghiệp không bị thẩm định chính thức đối với kiểm soát tập trung kinh tế.
Còn phân tích cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, Việt Nam không có Luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực rượu – bia – nước giải khát.
Bên cạnh đó, pháp luật của lĩnh vực này chủ yếu là những văn bản quản lý nhà nước và văn bản về quy hoạch ngành bia – rượu – nước giải khát.
Các văn bản này, cũng chủ yếu dùng làm cơ sở đánh giá tác động cạnh tranh của một số vụ việc tập trung kinh tế đối với thị trường.
Chính vì vậy, kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh 2018 cho thấy những triển vọng về sự thay đổi như tiêu chí định lượng đầu vào cho vụ việc tập trung kinh tế.
Các quy định của Luật cũng được phân theo nhiều cấp độ và kết quả kiểm soát tập trung kinh tế khác nhau theo từng cấp độ, sử dụng đa dạng cách thức đánh giá kinh tế để kiểm soát tập trung kinh tế…
Trên cơ sở này, doanh nghiệp dễ dàng xác định trường hợp của họ có thể bị kiểm soát tập trung kinh tế ở cấp độ nào (phần đầu vào của quá trình kiểm soát), đánh giá tập trung kinh tế bám sát vụ việc hơn, hồ sơ đơn giản…
Tuy nhiên, kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh 2018, vẫn còn thách thức vì căn cứ về tác động cạnh tranh sẽ đa diện, đa chiều và phức tạp hơn (có một báo cáo riêng bên cạnh báo cáo thị phần), việc đánh giá sẽ dựa vào đa tiêu chí (thị phần chỉ là một trong các tiêu chí đánh giá)…/.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận