Lúa đầy đồng, giá giảm sâu, vì sao Vinafood I, Vinafood II 'án binh bất động'?
Trong số các doanh nghiệp thu mua lúa lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều doanh nghiệp đang rất tích cực, thậm chí mua quá năng lực của họ để giúp nông dân, song có 2 doanh nghiệp lớn là Vinafood I và Vinafood II vẫn án binh bất động.
Trước tình hình giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL đang giảm sâu và gặp khó trong việc thu hoạch, ngày 7/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các địa phương tổ chức hội nghị trực tuyến tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ.
Theo báo cáo của các tỉnh ĐBSCL, thời gian qua, giá lúa đã giảm khoảng 700 đồng/kg đối với lúa thường, 400-500 đ/kg đối với lúa chất lượng cao và 200 đ/kg đối với lúa thơm.
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng/kg, do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, qua nắm bắt ở các địa phương, việc giá lúa giảm thời gian qua chủ yếu do hoạt động thu mua lúa của các doanh nghiệp, thương lái gặp khó khăn do các địa phương áp dụng việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển do dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, các doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì lực lượng lao động phục vụ công tác thu mua, chế biến
Mặt khác, Tân Cảng Sài Gòn là cảng container chính nhưng đã ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục, lượng container ứ đọng tại Cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ngoài nguyên nhân về việc khó khăn trong thu mua, vận chuyển, có tình trạng doanh nghiệp đang có tâm lý chờ giá lúa xuống đáy mới tiến hành thu mua.
Theo ông Thư, trong số các doanh nghiệp thu mua lúa lớn ở ĐBSCL, rất nhiều doanh nghiệp đang rất tích cực thu mua, thậm chí mua quá năng lực của họ để giúp nông dân, song có 2 doanh nghiệp lớn là Vinafood I và Vinafood II hiện vẫn án binh bất động, không thấy thu mua dù kho đang rỗng, không biết để làm gì.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong bối cảnh này phương án tăng mua dự trữ quốc gia hay doanh nghiệp thu mua dự trữ đều phải nghĩ tới. Tuy nhiên, trước mắt nên ưu tiên phương án cho doanh nghiệp thu mua.
Ông Thắng đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra việc hai doanh nghiệp lớn nhất là Vinafood 1 và Vinafood 2 không tích cực tham gia thu mua tạm trữ.
“Nếu doanh nghiệp Nhà nước mà như vậy còn nói ai được. Đương nhiên, chúng ta chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp nhưng trong lúc này vai trò của Nhà nước phải đưa lên hàng đầu. Nếu không nói được các doanh nghiệp Nhà nước, tôi nghĩ cần phải có những biện pháp mạnh hơn. Còn trường hợp khó khăn hơn nữa chúng ta cũng phải nghĩ tới tạm trữ quốc gia", ông Hải cho hay.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Xuân Quế, Tổng giám đốc Vinafood I cho biết, thời gian qua, do dịch bệnh COVID-19, do các nhà máy của Vinafood I chưa đảm bảo các điều kiện để duy trì sản xuất đảm bảo “3 tại chỗ”, nên các địa phương không cho hoạt động, nhà máy thiếu công nhân nên không thể thu mua tối đa lúa cho bà con, chứ hoàn toàn không có chuyện Vinafood I không tích cực thu mua lúa cho nông dân.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề tiêu thụ lúa gạo không phải cứ “khoán trắng” cho ngành nông nghiệp là được, mà còn liên quan tới bên công an, bên giao thông, bên y tế…
Hiện nay, các thương lái, doanh nghiệp đi thu mua lúa gạo đã phải đội thêm các chi phí tăng thêm do khâu phòng chống dịch bệnh, kiểm tra xét nghiệm, vì thế việc đảm bảo thông thương cho thu mua, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu đòi hỏi các bộ ngành liên quan, các địa phương phải cùng vào cuộc để tháo gỡ.
Các doanh nghiệp cần phối hợp với các địa phương để bàn phương án, thống nhất cách làm nhằm đảm bảo “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, đáp ứng nhu cầu người lao động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận