Lừa đảo vé máy bay ngày càng phổ biến
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, tình trạng lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ rộ lên khoảng vài năm nay. Không ít nạn nhân cay đắng mất tiền triệu vì trót đặt niềm tin nhầm chỗ.
Loạn chiêu lừa bán vé máy bay trên mạng xã hội
Mặc dù thường xuyên đi lại bằng đường hàng không nhưng chị Thu Hồng (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây vẫn “sập bẫy” lừa đảo khi mua vé cho gia đình đi du lịch Phú Quốc. Để tiết kiệm thời gian và chi phí, chị lên nhóm “Voucher - Tặng cho, thanh lý, cùng mua” trên mạng xã hội Facebook để mua voucher (phiếu mua hàng) nghỉ dưỡng và vé máy bay.
Ngay sau khi đăng thông tin cần mua lên nhóm, hàng chục tài khoản facebook vào mời chào với mức giá rất thấp, trong đó mức giá hấp dẫn nhất được đưa ra từ một tài khoản tự xưng là nhân viên một phòng vé.
Sau khi thống nhất hành trình, ngày giờ bay và giá vé khứ hồi 1,650 triệu đồng/người của Hãng hàng không Bamboo Airways, tài khoản nhân viên phòng vé gửi mã đặt chỗ vào hộp thư điện tử của chị. Chị Hồng gọi điện đến tổng đài hãng hàng không để kiểm tra lại thông tin rồi chuyển khoản cho phòng vé tổng số tiền gần 5 triệu đồng.
Chỉ vài phút sau khi có tin nhắn của ngân hàng gửi đến điện thoại thông báo giao dịch thành công cũng là lúc tài khoản của nhân viên phòng vé trên chặn luôn tài khoản facebook cùng số điện thoại của chị Hồng làm chị không cách gì liên lạc được.
Chị Hồng đã nhờ người quen làm việc ở ngân hàng truy tìm danh tính kẻ lừa đảo theo số tài khoản vừa nhận tiền, nhưng phía ngân hàng từ chối cung cấp vì nguyên tắc bảo mật thông tin khách hàng.
Lợi dụng chính sách đặt vé, giữ chỗ trong vòng 24 giờ của các hãng, kẻ lừa đảo lấy mã đặt chỗ gửi chuyển cho khách hàng. Rất nhiều khách hàng lầm tưởng như thế là đã có vé.
Cuối tháng 6/2019, quản trị viên của nhóm “Voucher - Tặng cho, thanh lý, cùng mua” đã phải đăng bài cảnh báo về tình trạng lừa đảo trên nhóm, khuyến cáo 87.200 thành viên cùng cảnh giác.
Đặc điểm của các nhóm lừa đảo được nhận diện như sau: dùng nhiều tài khoản facebook; thường không đăng bài mà chờ khách đăng bài là vào tương tác; tự nhận là nhân viên của rất nhiều công ty du lịch; đưa ra giá rẻ đến mức không tưởng. Quản trị viên cũng nhận định, sau khi nhận diện các nhóm lừa đảo, đã thực hiện chặn nhiều tài khoản facebook nhưng vẫn không xuể.
Ngày 23/7, nạn nhân mới nhất có tài khoản Hoang Thuy Thuy Hoang cũng bức xúc đăng bài trong nhóm “Voucher - Tặng cho, thanh lý, cùng mua” nói rằng vừa bị tài khoản facebook Vy Sale lừa 71,65 triệu đồng mua tour cho hơn 20 người đi du lịch Malaysia.
Nạn nhân này cho biết, trước đó, hai bên đã có một vài giao dịch để có thể tin tưởng lẫn nhau. Sau khi bài viết được đăng lên, nhiều người vào tố cáo Vy Sale từng lập nhiều tài khoản facebook khác nhau để lừa đảo và kêu gọi lập nhóm “nạn nhân” chung để báo cơ quan công an điều tra.
Thực tế, hoạt động vận tải hàng không có hai đợt cao điểm trong năm là kỳ nghỉ Tết âm lịch và mùa hè. Trong các dịp này, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao. Đây cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo tung ra nhiều chiêu trò “giăng bẫy” hành khách để kiếm tiền bất chính.
Theo bà Trần Thị Thu Trang, Phó giám đốc Công ty Du lịch và Tổ chức sự kiện Bầu trời xanh, hình thức lừa đảo vé máy bay cùng voucher nghỉ dưỡng giá rẻ qua Facebook, Zalo rộ lên khoảng hai năm nay.
Điểm chung là các cá nhân rao bán qua Facebook với mức giá chào bán vô cùng rẻ, như combo vé máy bay và khách sạn 4 sao chặng Hà Nội - Đà Nẵng 2 ngày 1 đêm chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/người, còn mức giá trung bình chỉ bằng một nửa so với giá thông thường. Có người mua voucher biệt thự nghỉ dưỡng hơn 20 phòng ở Quảng Ninh đến nơi mới biết đối tác chưa thanh toán tiền cho Vinpearl, phải vạ vật đến hơn 4 giờ chiều mới thuê được chỗ nghỉ.
Mới đây, một khách hàng tên C.N.V ở Vinh phản ánh đến báo chí về việc bỏ ra hơn 100 triệu đồng thanh toán tiền mua 38 vé máy bay khứ hồi Vinh - TP.HCM. Đến gần ngày khởi hành vẫn không nhận được code vé, khách hàng giục thì người bán “lặn” mất, và những thông tin vé gửi đến email được hãng hàng không xác định là không hợp lệ.
Số vé trên mua tại một đại lý vé máy bay có trụ sở tại TP.HCM, nhưng được giao dịch qua một tài khoản Zalo của nhân viên đại lý. Ông C.N.V đã tìm đến tận trụ sở đại lý đòi quyền lợi nhưng không được giải quyết thỏa đáng nên đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Khách hàng phải tự bảo vệ mình
Lý giải về tình trạng lộn xộn trong kinh doanh vé máy bay, đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines và Pacific Airlines cho biết, lợi dụng chính sách đặt vé, giữ chỗ trong vòng 24 giờ của các hãng, kẻ lừa đảo lấy mã đặt chỗ chuyển cho khách hàng.
Rất nhiều khách hàng lầm tưởng như thế là đã có vé nên thực hiện chuyển tiền. Nhận được tiền, đối tượng không thanh toán với hãng hàng không, mã đặt chỗ tự hủy sau khi hết hạn mà khách hàng không được xuất vé.
Hoặc đối tượng vẫn tiến hành thanh toán, xuất vé cho khách, nhưng sau đó làm thủ tục hủy vé để nhận lại tiền. Hành khách chỉ có thể biết vé của mình không có giá trị khởi hành khi trực tiếp kiểm tra với hãng hàng không hoặc làm thủ tục check-in.
Để ngăn chặn các đối tượng xấu, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific thường xuyên kiểm tra hệ thống, xử lý các tài khoản đặt nhiều chỗ mà không xuất vé. Tuy nhiên, các hãng hàng không này cũng khuyến nghị hành khách nên lựa chọn một trong ba phương thức mua vé máy bay, bao gồm mua trực tiếp tại website, phòng vé chính thức, đại lý của hãng và luôn yêu cầu lấy hóa đơn để đảm bảo không mua phải vé giả, vé bị nâng giá.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ cấu vé máy bay gồm hàng nghìn loại giá nên tìm mua ở mỗi kênh phân phối có thể tiếp cận các có loại giá khác nhau. Trong đó, mỗi kênh phân phối có ưu, nhược điểm khác nhau.
Mua vé trực tiếp trên website không được triển khai nhiều giá đặc biệt, nhất là đối với các hãng truyền thống và phải sử dụng nhiều thao tác, còn mua qua đại lý vé máy bay gồm nhiều cấp, nhưng chỉ đại lý cấp 1 là đại lý chính thức, phải ký quỹ cho hãng hàng không (khoảng 2 tỷ đồng, áp doanh số hàng tháng), được cấp mã đại lý và được quyền xuất vé.
Các đại lý cấp 2, cấp 3 không có quan hệ trực tiếp với hãng hàng không mà chỉ làm việc được với đại lý cấp 1. Đối với các hãng hàng không quốc tế không đặt văn phòng, không chỉ định đại lý ở Việt Nam, đại lý vé máy bay trong nước vẫn được cấp quyền xuất vé trung gian cho một chặng bay bất kỳ ở nước ngoài nếu có bảo lãnh ngân hàng để được cấp mã IATA (Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế).
Bà Trang chia sẻ, chính vì quy định chặt chẽ này khiến các đại lý chính thức luôn tuân thủ tốt quy định về chính sách bán vé máy bay, không gây rủi ro cho hành khách. Bất kể giao dịch trực tiếp hay online, trước khi chuyển tiền, khách hàng chỉ cần kiểm tra mã đại lý trên website của hãng hàng không hoặc IATA là có thể yên tâm. Khi xảy ra bất cứ tình huống gì, cơ quan chức năng có thể phong tỏa tài khoản đặt cọc để xử lý quyền lợi cho hành khách theo quy định của pháp luật. Còn đối với các đại lý, phòng vé trôi nổi, họ chỉ cần tuyên bố phá sản là rũ bỏ được trách nhiệm.
Không phủ nhận giao dịch trực tuyến và mạng xã hội mang đến lợi ích to lớn trong hoạt động phân phối vé máy bay, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho khách hàng.
Các hãng hàng không cho biết có thể ngăn ngừa hữu hiệu thủ đoạn lừa đảo với trường hợp khách hàng mua qua các kênh chính thức như đã nói ở trên. Khách hàng mua vé qua tổ chức, cá nhân không rõ nguồn gốc, không chứng minh được tính chính thức (không có mã đại lý) sẽ khó tránh khỏi tiền mất tật mang.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận