Lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ thiện: Hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Vừa qua, một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm. Đây là thủ đoạn phạm tội rất đáng lên án và người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.
Cảnh báo thủ đoạn lập fanpage kêu gọi từ thiện
Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ đối tượng Trần Văn Lâm (SN 1998, trú tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) về hành vi lập fanpage Facebook kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt… Theo đó, Trần Văn Lâm là người đã thiết lập và sử dụng fanpage “Hỗ trợ trẻ em” để thực hiện hành vi lừa đảo.
Từ tháng 9/2020, đối tượng đã lập ra fanpage “Hỗ trợ trẻ em”, đăng gần 250 bài viết kêu gọi các cá nhân ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Qua điều tra ban đầu, tính đến tháng 3/2021, tổng số tiền của các nhà hảo tâm gửi vào tài khoản của Lâm hơn 6,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trần Văn Lâm khai lập thêm 7 fanpage khác nhằm hỗ trợ hoạt động lừa đảo. Sau khi nhận tiền, Trần Văn Lâm không chuyển tới các địa chỉ cần hỗ trợ mà chơi game, chi tiêu cá nhân. Cuối tháng 4/2021, Trần Văn Lâm đã bị Công an tỉnh Hà Nam khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” về hành vi này.
Theo Bộ Công an, thủ đoạn chung mà các đối tượng sử dụng là tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.
Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng công an trong cả nước đã liên tiếp phát hiện, xử lý các đối tượng quản trị các trang fanpage Facebook hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự như trên.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc lập các trang mạng để thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến tài sản; lợi dụng lòng tin, lòng tốt của người dân để chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định của pháp luật về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị xử phạt tùy vào giá trị tài sản chiếm đoạt và thủ đoạn của các cá nhân. Hình phạt có thể là cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn từ 6 tháng đến 20 năm, thậm chí hình phạt tù cao nhất được áp dụng là chung thân.
Đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị áp dụng thêm nhiều tình tiết tăng nặng như: Phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt… Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Đào Nguyên Thuật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận xét, những hành vi của các đối tượng này không những vi phạm pháp luật mà còn đáng bị lên án. Những sự việc như vậy sẽ tạo lên một làn sóng hoang mang trong dư luận, khiến người dân nghi ngại, không dám quyên góp, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn.
Mới đây, vụ việc danh hài Hoài Linh “quên” gần 14 tỷ đồng trong tài khoản 6 tháng sau khi kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp làm từ thiện trên mạng xã hội đã đặt ra nhiều vấn đề về việc làm từ thiện, cũng như cần thiết phải có quy định, cơ chế, cách thức quản lý chặt chẽ bằng các quy định, văn bản cụ thể, sát với thực tế để công tác này bảo đảm đúng ý nghĩa nhân văn và các quy định của pháp luật. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận