menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Nguyễn Pro

Lựa chọn & phân bổ các loại tài sản đầu tư

Thời gian gần đây, có nhiều bạn inbox hỏi mình những topic thú vị như: Nên đầu tư loại hình tài sản nào vào thời điểm đầy biến động như hiện nay? Làm thế nào để tích luỹ nguồn vốn đầu tư tài sản? Nên bắt đầu từ đâu khi muốn theo đuổi ngành tài chính? Làm thế nào để xác định được công việc phù hợp với mình trong ngành này? Cần phát triển những kỹ năng gì để đạt được và làm tốt công việc mong muốn? …

Mọi inbox, mình đều tư vấn rất chi tiết và kỹ càng, nhưng rồi mình chợt nghĩ, tại sao mình không viết ra những bài viết chia sẻ tất cả những topic thú vị trên cho những người bạn của mình? Và thế là mình quyết định bắt tay vào bài viết chia sẻ đầu tiên này, để cùng mọi người thảo luận câu hỏi: “Nên đầu tư loại hình tài sản nào vào thời điểm đầy biến động như hiện nay?”

1/ CÁC LOẠI TÀI SẢN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU

Trước khi lựa chọn và phân bổ nguồn vốn vào các loại tài sản đầu tư, chúng ta cần nắm được có những loại tài sản đầu tư chủ yếu nào. Theo hiểu biểu của mình, thì hiện có một số loại tài sản sau:

- Cổ phiếu

- Trái phiếu

- Vàng

- Ngoại tệ

- Bất động sản

- Coins

- Hàng hoá và phái sinh

Chi tiết về từng loại tài sản sau này mình sẽ làm những bài post chia sẻ và thảo luận chi tiết cùng mọi người ha.

2/ NHỮNG YẾU TỐ CẦN CÂN NHẮC KHI LỰA CHỌN VÀ PHÂN BỔ TÀI SẢN ĐẦU TƯ

Theo quan điểm của mình, có 2 nhóm yếu tố chúng ta nên cân nhắc trước khi ra quyết định lựa chọn và phân bổ danh mục đầu tư: Nhóm yếu tố chủ quan và Nhóm yếu tố khách quan.

2.1/ NHÓM YẾU TỐ CHỦ QUAN

Trong nhóm yếu tố chủ quan này, mình thấy có 6 yếu tố chính cần cân nhắc:

(1) Mục tiêu về lợi suất: Nếu chúng ta muốn phòng vệ sự mất giá của đồng tiền trước tình hình lạm phát, vàng có thể là một kênh đầu tư phù hợp. Nếu chúng ta muốn đạt được mức lợi suất cố định, cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, có thể cân nhắc đầu tư trái phiếu. Nếu chúng ta muốn đạt được mức lợi suất hàng chục %, thậm chí x2, x3 tài khoản, thì cổ phiếu, bất động sản, phái sinh và coins có thể là những lựa chọn để bạn cân nhắc. Cơ mà, muốn high return, thì sẽ phải đánh đổi high risk. Những khoản đầu tư có thể giúp bạn x2 tài khoản, thì cũng có thể khiến bạn chia hai tài sản chỉ trong một nốt nhạc. Do đó, hãy cân nhắc tiếp yếu tố tiếp sau đây.

(2) Khẩu vị rủi ro & Khả năng chịu rủi ro: Mình biết có nhiều bạn còn trẻ, nhưng khẩu vị khá là mặn mòi, sẵn sàng lăn xả vào coin để có thể xN lần tài khoản. Nhưng chúng ta cũng cần cân nhắc về khả năng chịu đựng rủi ro của mình, bằng cách tự hỏi và trả lời câu hỏi sau: Tim chúng ta có đủ to để chịu đựng sự biến động lên xuống liên tục của giá trị tài sản đầu tư không? Chúng ta sẵn sàng mất tối đa bao nhiêu % nguồn vốn đầu tư nếu rủi ro giảm giá tài sản đầu tư xảy ra? Nếu mất đi phần nguồn vốn đầu tư, chúng ta có thể có những nguồn khác để bù đắp cho hoạt động tiêu dùng hằng ngày không, có phải “báo nhà” không, có phải vay nặng lãi để trả nợ đầu tư không? Sau khi tự trả lời được câu hỏi đó, chúng ta sẽ tự xác định lại được khả năng của mình có thể chịu rủi ro đến mức độ nào và lựa chọn những loại tài sản đầu tư phù hợp. Bạn nào sau khi xác định được mình có khẩu vị mặn, lại còn là “cậu cả trong gia phả”, cá mập, tay to các thứ, thì có thể cân nhắc coin, bất động sản, forex, … Còn những bạn nào thấy mình khẩu vị vừa phải, thì có thể cân nhắc cổ phiếu, trái phiếu. Riêng cá nhân mình, thì mình luôn quan niệm một nguyên tắc đầu tư hàng đầu: “KHÔNG ĐỂ MẤT TIỀN”. Đồng tiền không dễ kiếm, nên lãi ít cũng được, còn hơn mất vốn.

(3) Thời gian đầu tư: Đây cũng là yếu tố khá quan trọng, do có một số khoản đầu tư sẽ yêu cầu nắm giữ đến khi đáo hạn như trái phiếu, hoặc một số khoản đầu tư có thanh khoản thấp như bất động sản. Đối với những khoản đầu tư này, chúng ta sẽ phải xác định nắm giữ một khoảng thời gian ít nhất là vài tháng, vài quý trước khi có thể bán đi. Do đó, những bạn nào chỉ muốn đầu tư trong khoảng thời gian ngắn, dưới dạng trading, thì nên cân nhắc các lớp tài sản khác như cổ phiếu, vàng, forex, coin.

(4) Nhu cầu thanh khoản (nhu cầu tiền mặt): Tương ứng với thời gian đầu tư ở trên, nếu chúng ta có nhu cầu tiền mặt gấp trong thời gian sắp tới, thì không nên đầu tư vào trái phiếu hoặc bất động sản. Còn nếu chúng ta có một khoản tiền nhàn rỗi, có thể đầu tư lâu dài, thì 2 loại hình tài sản này lại là lựa chọn phù hợp để cân nhắc.

(5) Hiểu biết, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đầu tư: Yếu tố này mình thấy vô cùng quan trọng, vì nếu không có hiểu biểu, kiến thức, kỹ năng, thì việc chúng ta đầu tư vào bất kỳ loại hình tài sản nào, đều không khác gì đang “bịt mắt đu dây”. Trước khi xuống tiền đầu tư bất kỳ loại tài sản nào, chúng ta nên bỏ thời gian, công sức tìm hiểu kỹ về đặc trưng lợi suất, rủi ro, thanh khoản, … của tài sản cũng như diễn biến của thị trường. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

(6) Nguồn vốn đầu tư khả dụng: Nếu bạn nào có vốn từ hàng tỷ trở lên, thì có thể cân nhắc kênh bất động sản. Vốn từ hàng trăm triệu trở lên, thì có thể cân nhắc vàng, trái phiếu. Còn nếu vốn của chúng ta đang khoản vài chục triệu, thì cổ phiếu có thể là lựa chọn phù hợp. Nhưng để xác định được loại tài sản đầu tư hợp lý đối với mỗi cá nhân, chúng ta vẫn cần cân nhắc đồng thời và tổng thể các yếu tố chủ quan nêu trên.

2.2/ NHÓM YẾU TỐ KHÁCH QUAN

Nếu nhóm 6 yếu tố chủ quan nêu trên là “nhân hoà”, thì nhóm 6 yếu tố khách quan dưới đây sẽ giúp chúng ta xác định được “thiên thời” và “địa lợi”.

(1) Chu kỳ kinh tế: Chu kỳ kinh tế có ảnh hưởng rất rất lớn đến việc lựa chọn và phân bổ các lớp tài sản đầu tư. “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, việc lựa chọn lớp tài sản đầu tư thuận theo con sóng chu kỳ có thể giúp chúng ta đạt được mức lợi suất mục tiêu, đồng thời giảm thiểu đáng kể rủi ro. Hình bên dưới là “Đồng hồ đầu tư”, cho thấy những loại tài sản chúng ta nên cân nhắc xuống tiền, tuỳ theo từng giai đoạn trong một chu kỳ kinh tế. Ví dụ, nhìn vào đồng hồ, chúng ta có thể thấy, trong khoảng từ 6pm đến 9pm, tức nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục từ suy thoái, những loại tài sản có thể cân nhắc đầu tư bao gồm: cổ phiếu những công ty vốn hoá nhỏ (small caps), nhóm ngành chu kỳ hưởng lợi từ giai đoạn hồi phục kinh tế ban đầu (early cycle sectors), cổ phiếu giá trị (value stocks). Tuy nhiên, cái khó ở đây là chúng ta phải xác định được hiện nay nền kinh tế trong nước, cũng như kinh tế thế giới, đang trong giai đoạn nào của chu kỳ. Việc xác định cần dựa trên kỹ năng phân tích vĩ mô mà sau này mình sẽ làm bài viết chia sẻ và thảo luận chi tiết cùng mọi người nha.

(2) Chu kỳ ngành: Việc xác định ngành nào vượng khí đang lên cũng là yếu tố quan trọng để nảy ra ý tưởng đầu tư. Ví dụ đơn giản như này, hiện nay câu chuyện mà cả thị trường Việt Nam đang nói đến là câu chuyện đầu tư công, vậy thì những ngành như xây lắp hạ tầng, nguyên vật liệu xây dựng, bất động sản đều sẽ được hưởng lợi. Từ đó, chúng ta có thể cân nhắc đầu tư những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành trên, hoặc thậm chí là đầu tư bất động sản.

(3) Biến động vĩ mô: Những biến động vĩ mô cũng sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến tính hấp dẫn của các lớp tài sản đầu tư. Ví dụ, sự kiện “Covid-19” đã khiến cho nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như ngành bất động sản bán lẻ (cho thuê mặt bằng), ngành du lịch, khách sạn, hàng không… Tuy nhiên, rất nhiều ngành nghề và lớp tài sản khác lại được hưởng lợi từ sự kiện “thiên nga đen” này, như ngành chứng khoán, công nghệ thông tin, lớp tài sản vàng, cổ phiếu. Hay một sự kiện chính biến như chiến tranh Nga – Ukraine đã khiến hàng loạt các lớp tài sản như dầu mỏ, kim loại quý (vàng, bạc, platinum, …) thăng hoa, trong khi đó, lại khiến nhiều lớp tài sản khác như cổ phiếu, bitcoin biến động chao đảo.

(4) Cung cầu đối với tài sản: “Mua của người chán, bán cho người cần” là một nguyên lý quan trọng trong đầu tư kinh doanh. Việc xác định được tương quan cung cầu của thị trường đối với mỗi loại tài sản đầu tư trong từng thời kỳ sẽ giúp chúng ta xác định được nên lựa chọn xuống tiền loại tài sản nào. Ví dụ đơn cử với lớp tài sản đầu tư là bất động sản, việc lựa chọn xuống tiền đầu tư nên dựa trên việc đánh giá khu vực đó có cầu thực hay không, cầu có vượt cung để đảm bảo việc duy trì và gia tăng giá trị bất động sản trong tương lai hay không? Việc đầu tư chạy theo quy hoạch ảo trong khi cầu thực của khu vực không có, sẽ có thể dẫn đến những hệ luỵ khôn lường.

(5) Sự phát triển và tính minh bạch của thị trường: Đây cũng là yếu tố mình thường cân nhắc trước khi xuống tiền đầu tư. Những lớp tài sản có thị trường đã trải qua lịch sử hình thành và phát triển nhiều năm, có nhiều dư địa và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, sẽ là những lớp tài sản nên được ưu tiên phân bổ. Bên cạnh đó, tính minh bạch của thị trường cũng là yếu tố rất quan trọng. Những tài sản bị thao túng, làm giá, “lùa gà”, “những cây thông noel” đương nhiên nên bị cho vào “black-list” và bị đưa khỏi danh mục lựa chọn đầu tư của chúng ta. Cái gì nhanh đến, thì cũng nhanh đi, cho nên đối với những tài sản thiếu minh bạch như này, mình thường tránh xa 10km.

(6) Pháp lý của tài sản đầu tư: Đây là yếu tố cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng để chúng ta cân nhắc trong quá trình ra quyết định đầu tư. Pháp lý ở đây bao gồm pháp lý chung điều chỉnh thị trường và pháp lý riêng của từng tài sản đầu tư.

- Đối với pháp lý chung, chúng ta nên lựa chọn những loại tài sản đầu tư được Nhà nước công nhận về pháp lý là một loại “tài sản”, hoặc đầu tư vào những thị trường đã được ban hành những quy chế, luật lệ điều tiết và quản lý một cách minh bạch, chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Ví dụ, Bitcoin, không thể phủ nhận là một loại tài sản đầu tư có khả năng sinh lời vượt trội, nhưng đi kèm với đó là rủi ro biến động giá và rủi ro pháp lý rất lớn. Bởi lẽ, hiện tại, Bitcoin chưa hề được công nhận là một loại tài sản trong Bộ Luật Dân sự 2015. Do đó, những nhà đầu tư gặp phải rủi ro bị lừa đảo, chiếm đoạt, trộm cắp liên quan đến đồng tiền ảo này sẽ khó nhận được sự bảo vệ quyền lợi trước pháp luật.

- Đối với pháp lý riêng, ngay cả khi chúng ta đầu tư vào một lớp tài sản được Nhà nước công nhận, chúng ta cũng cần đánh giá kỹ lưỡng pháp lý riêng của tài sản đầu tư trong lớp tài sản đó. Ví dụ, đầu tư bất động sản ở Việt Nam được Nhà nước công nhận, nhưng không phải lô đất hay căn chung cư nào cũng đầy đủ về mặt pháp lý để chúng ta xuống tiền đầu tư. Việc đầu tư vào những lô đất dưới hình thức chung sổ, đầu tư vi bằng, đầu tư khi dự án còn chưa có cả những yếu tố pháp lý cơ bản như phê duyệt 1/500, … đều có thể đem đến những hệ luỵ và rủi ro pháp lý khôn lường trong tương lai.

Tóm lại, 12 yếu tố trên, là những gì mình đúc rút ra trong quá trình phân tích và đầu tư của mình, và mình thấy sẽ có thể hỗ trợ mọi người đưa ra quyết định đầu tư một cách hợp lý. Mình thực sự rất thích việc chia sẻ, vì qua chia sẻ, mình có thể giải đáp phần nào những băn khoăn, thắc mắc của bạn bè, cũng có thể từ đó nhận được những lời góp ý của mọi người để mình hoàn thiện thêm bản thân.

Mình cũng rất mong được thảo luận thêm nhiều đề tài thú zị nữa cùng anh chị em ^^

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mai Nguyễn Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

3 Yêu thích
1 Bình luận 3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại