Lời xin lỗi... nhẹ tựa lông hồng
Cách đây vài năm ở TPHCM rộ lên “phong trào” viết lời xin lỗi công chúng. Dường như những lời xin lỗi ban đầu thuộc loại này đến từ các đơn vị thực hiện công trình giao thông khi bảng xin lỗi được treo tại các “lô cốt”. Nhiều người cảm thấy an ủi vì lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chẳng mấy ai đếm xỉa gì đến nỗi khổ của mình, họ bỗng nhiên được xin lỗi với những lời lẽ nhã nhặn, có vẻ tha thiết và thành tâm.
Gần đây hơn, những lời xin lỗi kiểu này lại được thấy... chạy đầy đường. Nó xuất hiện trên phần đuôi của các xe buýt. Từng chiếc, từng chiếc, đều ghi lời xin lỗi người dân vì bất tiện chúng gây ra mỗi khi xe ra vào trạm.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngạc nhiên do cảm thấy được tôn trọng, công chúng lại trở nên thất vọng. Quan trọng nhất sau những lời xin lỗi là sự hối lỗi và sửa sai, những gì công chúng cần không phải là những tấm bảng mà phải là sự tự vấn thực sự đi kèm biện pháp khắc phục hoặc điều cần làm nhằm tránh lỗi tương tự.
Thật không may là phần lớn những người thốt ra lời xin lỗi công chúng như trên chẳng làm gì cho thấy họ hối lỗi. Đọc xong dòng xin lỗi trên các chiếc bảng, công chúng cũng chẳng thấy có gì khác biệt so với trước. Nhiều lô cốt vẫn nằm trơ ra thách thức thời tiết, gió mưa, chẳng hẹn ngày hoàn thành. Còn những chiếc xe buýt mang những lời xin lỗi chạy đầy đường vẫn tiếp tục phóng nhanh vượt ẩu, ngông nghênh ra vào trạm như thể chúng đang... mắng chửi hành khách và người đi đường thay vì xin lỗi họ.
Mới tuần rồi, dù không đưa ra lời xin lỗi, một đại diện Bộ Công Thương cũng đã công nhận đề nghị không được đưa tin trái chiều về giá điện và có biện pháp xử lý cá nhân cố tình xuyên tạc là lỗi diễn đạt. Đáng chú ý, sự công nhận này chỉ xảy ra sau khi các đại biểu Quốc hội cho rằng đó là đề nghị “phản cảm”, “thiếu sự cầu thị”.
Theo các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị này phản cảm, thiếu cầu thị bởi lẽ người dân có quyền lên tiếng khi số tiền điện họ phải trả bỗng nhiên tăng đột biến. Khi bảo rằng không đưa tin trái chiều, Bộ Công Thương cũng đồng thời vô hình trung tước đi quyền phản ảnh của người dân. Điều này thể hiện một nếp nghĩ rất cũ thời bao cấp cấm mọi thông tin phản biện, cấm bất kỳ ai nói ngược. Giá điện không phải là bí mật quân sự, càng không phải là bí mật quốc gia. Thế thì, vì sao người dân không được phép thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”?
May thay, Quốc hội đang họp nên một số đại biểu đã lên tiếng và Bộ Công Thương phải công nhận “lỗi diễn đạt” của họ. Nhưng nếu không phải thời điểm Quốc hội đang nhóm họp thì sao? Liệu bộ này có “luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu góp ý, phản ảnh của người dân, kể cả quan điểm, ý kiến trái chiều...” như họ nói theo sau ý kiến của các đại biểu. Nếu làm một sự so sánh, lời lẽ như trên của Bộ Công Thương dường như trái ngược với đề nghị của chính họ trước đó. Vậy thì, ai chịu trách nhiệm cho việc đưa ra đề nghị “không đưa tin trái chiều”?
Còn nhớ ngày 8-1 năm nay, người đứng đầu Bộ Công Thương đã gửi thư xin lỗi đến các cơ quan truyền thông vì đã để xe công vào tận chân cầu thang máy bay đón người nhà. Ba cán bộ của bộ này nhận kỷ luật. Trước đó, mạng xã hội đã xôn xao với thông tin đại biểu Quốc hội phản ảnh vụ việc này. Lại phải có sự can thiệp của đại biểu Quốc hội! Người ta có thể cho rằng “xe công” và “đề nghị xử lý” là hai việc khác nhau. Có thể đúng, nhưng địa chỉ để quy trách nhiệm cho những lỗi như thế chỉ có một.
Ở nhiều nước trên thế giới, khi một quan chức phải xin lỗi công chúng thường thì sau đó phải từ chức. Việt Nam ta chắc còn lâu lắm mới được như vậy. Nhưng hiện nay, chí ít sau những lời xin lỗi nên là thái độ cầu thị, sửa sai, với những hành động cụ thể tránh lặp lại, chứ không phải chỉ thản nhiên nhìn những lời xin lỗi... nhẹ tựa lông hồng “để gió cuốn đi”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận