Lời tiên tri của bà Vanga về cuộc đấu trăm tỷ USD mà Mỹ và Trung Quốc khao khát
Cuộc đua công nghệ máy tính lượng tử giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác đang ngày càng nóng lên.
Vừa qua, trang Expat Guide Turkey đưa tin về 5 lời tiên tri cho năm 2024 của nhà tiên tri mù Vanga. Một trong số lời tiên tri của bà Vanga là sự lên ngôi của máy tính lượng tử trong năm 2024 tới. Theo bà, năm 2024 sẽ là năm thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
Trước khi có lời tiên tri của bà Vanga, công nghệ máy tính lượng tử đã ngày càng phát triển và trở thành cuộc đua giữa các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ hay Nhật Bản.
Máy tính lượng tử (Quantum Computing) tận dụng các hiện tượng cơ học của hạt lượng tử nhằm tạo ra các đối tượng truyền tải dữ liệu, thông tin với tốc độ siêu nhanh.
Để dễ hình dung, máy tính lượng tử có năng lực tính toán nhanh hơn cả tỷ lần so với máy tính mạnh nhất hiện nay. Đơn cử như vào năm 2019, Google đã sử dụng công nghệ lượng tử để giải quyết một vấn đề trong vòng 3 phút 20 giây trong khi một máy tính thông thường phải mất tới 10.000 năm.
Thị trường công nghệ lượng tử, máy tính lượng tử đang chờ ngày bùng nổ.
Máy tính lượng tử, máy điện toán lượng tử hiện đang được các nhà công nghệ dùng để nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác như tài chính, quân sự, năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, dược phẩm…. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng quốc gia nào có máy tính lượng tử hoạt động hiệu quả thì sẽ có lợi thế về kinh tế, quốc phòng và an ninh mạng.
Theo báo cáo Giám sát công nghệ lượng tử 2023 của McKinsey, 4 ngành có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ điện toán điện tử trong thời gian tới là ô tô, hóa chất, dịch vụ tài chính và khoa học đời sống.
Với nhiều tiềm năng, thị trường máy tính lượng tử được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới. Theo một báo cáo nghiên cứu được công bố bởi Spherical Insights & Consulting, quy mô thị trường máy tính lượng tử toàn cầu được định giá 13,67 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt 143,44 tỷ USD vào năm 2032 với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 26,5%.
Quantum Business News cho biết kể từ năm 2009, hơn 20 nước trên thế giới đã đưa ra các sáng kiến lượng tử quốc gia. Hầu hết các quốc gia có thu nhập cao đã bắt đầu đầu tư vào nghiên cứu công nghệ lượng tử một các độc lập hoặc theo hình thức hợp tác với các quốc gia khác. Trong khi đó, có không ít quốc gia có thu nhập trung bình đã khởi xướng các chương trình điện toán lượng tử thí điểm.
Vào năm 2022, các nhà đầu tư trên toàn thế giới đã rót 2,35 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ lượng tử, cho thấy niềm tin của họ vào tiềm năng thương mại trong tương lai của ngành công nghệ này.
Khu vực công cũng đầu tư mạnh tay vào công nghệ lượng tử. Vào năm 2022, Mỹ cam kết tài trợ thêm 1,8 tỷ USD, trong khi Liên minh châu Âu rót thêm 1,2 tỷ USD vào phát triển công nghệ lượng tử, máy tính lượng tử.
Vào tháng 4/2023, chính quyền Ấn Độ cũng đã thông qua gói tài trợ trị giá 730 triệu USD cho Sứ mệnh Lượng tử Quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là quốc gia có tổng số vốn đầu tư vào công nghệ lượng tử đứng đầu thế giới với khoản tiền lên tới 15,3 tỷ USD.
Kể từ năm 2002, Mỹ đã đi đầu trong việc xây dựng kế hoạch phát triển công nghệ và khoa học thông tin lượng tử. Quốc gia này từ lâu đã xem công nghệ lượng tử là một trong những công nghệ cốt lõi trong kế hoạch chiến lược của mình.
Nhờ đó, Mỹ đã xây dựng được một hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển điện toán lượng tử phong phú, bao gồm Google, Microsoft, IBM và 12 công ty khác. Theo Tracxn, Mỹ cũng là “cứ điểm” đặt trụ sở của 78 công ty khởi nghiệp về điện toán lượng tử.
Vào năm 2019, Google là công ty đầu tiên đạt được “ưu thế lượng tử” khi tạo ra một máy tính lượng tử có khả năng giải quyết các vấn đề cụ thể nhanh hơn máy tính cổ điển.
Số tiền đầu tư vào công nghệ lượng tử tăng vọt trong những năm qua.
Tuy nhiên, sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực điện toán lượng tử đang khiến Mỹ lo lắng.
Trong “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” (2016 - 2021), Trung Quốc coi điện toán lượng tử là một lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược. Vào năm 2018, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh "Ứng dụng đột phá của thế hệ công nghệ thông tin mới được thể hiện bởi AI, công nghệ lượng tử, truyền thông di động, IoT và Blockchain”.
Mặc dù “đi sau” nhưng với nguồn vốn đầu tư khủng từ chính phủ, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ ấn tượng về công nghệ lượng tử trong những năm gần đây.
Vào năm 2021, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba, sau Canada và Mỹ, phát triển một máy tính lượng tử hoàn chỉnh được chế tạo trong nước. Máy tính lượng tử này được tạo ra bởi Origin Computing và trở thành động lực mạnh mẽ cho những công trình nghiên cứu tiếp theo của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ lượng tử.
Vào đầu tháng 10/2023, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đạt được cột mốc mới trong lĩnh vực máy tính lượng tử khi tạo ra siêu máy tính mới Jiuzhang 3.0 có tốc độ xử lý phép tính nhanh hơn bất kỳ máy tính lượng tử nào trên thế giới.
Jiuzhang 3.0 thậm chí còn vượt trội hơn siêu máy tính nhanh nhất thế giới Frontier của Mỹ khi chỉ mất 1 micro giây để hoàn thành việc tính toán các mẫu Gaussian boson phức tạp nhất. Trong khi đó, “niềm tự hào của Washington” cần phải mất hơn 20 tỷ năm mới có thể làm được điều này.
Rõ ràng là sau cuộc cách mạng về AI, BigData, 5G, công nghệ lượng tử sẽ là đường đua mới của thế giới. Cuộc đua này không chỉ có Trung Quốc hay Mỹ mà còn có nhiều quốc gia khác cùng tham gia với tham vọng sẽ chiếm “ưu thế lượng tử” trong những năm tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận