menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thành Pro

Lợi thế cạnh tranh nhìn từ chuỗi giá trị của doanh nghiệp

Lợi thế cạnh tranh là một yếu tố không thể thiếu khi phân tích một doanh nghiệp và được xem là linh hồn của trường phái đầu tư nắm giữ dài hạn. Chính vì lẽ đó mà chủ đề này nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Về mặt lý thuyết, có rất nhiều loại lợi thế cạnh tranh mà bạn có thể tìm thấy.

Cũng có nhiều cách phân loại, như Micheal Potter – cha đẻ của các lý thuyết lợi thế cạnh tranh phân lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp ra hai loại là lợi thế chi phí và lợi thế khác biệt. Tuy nhiên hôm nay tôi sẽ đem đến một hơi hướng khác về lợi thế cạnh tranh trên góc nhìn chuỗi giá trị của doanh nghiệp

Về bản chất, bất kỳ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoặc ngành nghề nào cũng đều có một chuỗi giá trị riêng, bao gồm nhiều công đoạn khác nhau. Tựu chung lại, chúng ta có thể tóm gọn chuỗi giá trị của doanh nghiệp thành 3 công đoạn chính sau: (1) Đầu vào (2) Sản xuất và (3) Đầu ra. Bài viết sẽ đi xuyên suốt 3 công đoạn này để tìm ra những lợi thế cạnh tranh mà doanh nghiệp có thể sỡ hữu so với đối thủ cùng ngành

1. Đầu vào

Khả năng tự chủ nguyên vật liệu

Xu hướng hoàn thiện chuỗi kinh doanh khép kín và tự chủ nguyên vật liệu đầu vào là xu hướng mà nhiều doanh nghiệp hơn đến, đặc biệt với những doanh nghiệp hoạt động trong nhóm ngành có giá nguyên liệu vật biến động mạnh. Việc tự chủ nguyên vật liệu đầu vào có thể giúp doanh nghiệp tối đa hóa được biên lãi và là lợi thế to lớn so với các doanh nghiệp khác nếu giá nguyên vật liệu ngoài thị trường có xu hướng tăng.

#ANV: Thủy sản Nam Việt hiện là doanh nghiệp có tỷ lệ tự chủ cá tra nguyên liệu cao nhất nhờ vùng nuôi 300 ha tập trung trên địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp, cung ứng hơn 80 nghìn tấn cá nguyên liệu mỗi năm cho các nhà máy của công ty. Quý 4 2018, giá cá tra tăng đột biến lên mức 36000/kg khiến biên lãi của nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản giảm mạnh, tuy nhiên nhờ vào khả năng tự chủ nguyên liệu ANV vẫn có một quý kết quả kinh doanh tích cực.

Lợi thế từ nhà cung cấp

Lợi thế này xuất hiện ở những doanh nghiệp có mối quan hệ đặc biệt với phía nhà cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp. Mối quan hệ này có thể dựa trên vốn góp, công ty liên doanh liên kết hay từ mối quan hệ của công ty mẹ. Theo đó công ty được cung cấp một chi phí đầu vào với giá ưu đãi hoặc đặc quyền chỉ công ty mới được cung cấp loại nguyên vật liệu từ phía nhà cung cấp, tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong ngành.

#MBB: Với mối quan hệ với các doanh nghiệp quân đội như Viettel, Vinacomin, Tân Cảng Sài Gòn, TCT Trực thăng Việt Nam … MBB có thể huy động được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn từ các doanh nghiệp này và trở thành ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất toàn ngành. Nhờ chi phí huy động vốn thấp, MBB có được lợi thế cạnh tranh vô cùng to lớn so với các ngân hàng khác trong cùng hệ thống.

2. Dây truyền sản xuất

Quy mô

Những doanh nghiệp có quy mô lớn có thể sản xuất với chi phí bình quân cho mỗi sản phẩm ở mức thấp hơn so với cac doanh nghiệp nhỏ. Những chi phí này bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành nhà máy, chi phí bán hàng, chi phí nguyên vật liệu, chi phí quảng cáo… Lợi thế về quy mô xuất hiện ở những doanh nghiệp đầu ngành, giúp doanh nghiệp làm chủ cuộc chơi về giá bán và giành thị phần từ những doanh nghiệp nhỏ hơn

#MWG: Một trong những lợi thế cạnh tranh của Thế Giới Di Động là quy mô vượt trội so với các đối thủ trong ngành. MWG có thể nhập trực tiếp từ nhà sản xuất với số lượng lớn nên được hưởng chiết khấu, cộng thêm mạng lưới phân phối rộng khắp giúp MWG tối ưu khâu trung gian vận chuyển. So với các nhà bán lẻ khác như DGW hay FRT, biên lãi của MWG luôn ở mức cao hơn và duy trì trên 15% mỗi năm.

Bí quyết

Bằng sáng chế hay các phát minh được bảo hộ, các bí quyết mà duy nhất doanh nghiệp sở hữu để tạo ra những sản phẩm khác biết giúp tạo lợi thế so với đối thủ cạnh tranh. Lợi thế này dễ thấy ở những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp dược nghiên cứu và sản xuất thuốc phát minh

#DBD: Dược Bình Định là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có khả năng nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc điều trị ung thư ở dạng thuốc tiêm đông khô. Lợi thế cạnh tranh này giúp công ty có lợi thế lớn trong việc đấu thầu vào hệ thống phân phối ETC tại các bệnh viện, đặc biệt là hệ thống các bệnh viện điều trị ung thư.

Công nghệ

Một số doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh bằng việc đầu tư những dây truyền máy móc có công nghệ hiện đại, giúp nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Trong thời buổi 4.0 và xu hướng khác hàng tâm đến chất lượng sản phẩm nhiều hơn, lợi thế về công nghệ đang ngày được các công ty chú trọng đến. Nhược điểm của lợi thế này là yêu cầu chi phí đầu tư ban đầu lớn, khó áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và cần doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ giữa chi phí và lợi ích đạt được.

#HPG: Hòa Phát là doanh nghiệp đầu tiên trong nước vận hành công nghệ lò cao sử dụng quặng sắt làm nguyên liệu thay vì công nghệ lò hồ quang điện luyện quặng từ thép phế như các doanh nghiệp trong ngành khác. Yếu tố này là lợi thế cạnh tranh to lớn của công ty, giúp Hòa Phát sản xuất thép với chi phí thấp hơn ít nhất 15% so với các doanh nghiệp cùng ngành và biên lợi bỏ xa đối thủ.

3. Đầu ra

Thương hiệu

Đây làm một lợi thế cạnh tranh vô cùng quan trọng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng, xa xỉ phẩm. Giữa những sản phẩm có đặc tính giống nhau, khách hàng có xu hướng sản dụng những sản phẩm có thương hiệu quen thuộc. Với các mặt hàng cao cấp xa xỉ phẩm, yếu tố thương hiệu có thể giúp doanh nghiệp bán hàng với mức giá trên trời mà vẫn thu hút được khách hàng.

#PNJ: Lợi thế cạnh tranh lớn của PNJ đến từ thương hiệu, đặc biệt trong một thị trường trang sức có độ phân mảnh cao và người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang trang sức thời trang có thương hiệu. Đây là yếu tố quan trọng giúp PNJ có thể tiếp tục mở rộng mạng lưới của mình và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ vàng trang sức.

Hệ thống phân phối

Sản xuất ra sản phẩm tốt là yêu cầu quan trọng nhất của một doanh nghiệp, nhưng làm chủ được kênh phân phối rộng khắp để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng không kém. Hệ thống phân phối lớn giúp doanh nghiệp tiếp cận được một thị trường rộng lớn hơn và gia tăng thị phần của doanh nghiệp. Nhược điểm của lợi thế cạnh tranh này là có thể khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí hơn để duy trì được mạng lưới của mình.

#DHG: Là doanh nghiệp đầu ngành, Dược Hậu Giang đã xây dựng được một hệ thống phân phối lộng lớn với hơn 36 chi nhánh trải dài khắp cả nước cùng đội ngũ bán hàng hơn 15000 người. Chiến lược phân phối trực tiếp đến từng chi nhánh mà không qua đại lý trung gian giúp công ty tối đa hóa được biên lợi và trở thành một trong những doanh nghiệp có biên lãi lớn nhất ngành dược. Ngoài ra, hệ thống phân phối rộng khắp các vùng miền giúp công ty giảm thiểu được áp lực cạnh tranh từ khu vực phía Nam khi đây là thị trường mà đa phần cấc doanh nghiệp dược đang tập trung

Quan hệ khách hàng

Tương tự với lợi thế từ nhà cung cấp, lợi thế từ khách hàng xuất phát từ những doanh nghiệp có mối quan hệ đặc biệt với khách hàng. Từ đó công ty có thể bán được hàng với giá thành cao hơn các đối thủ khác hoặc được bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp công ty giảm được chi phí bán hàng và áp lực từ phía đầu ra.

#TDM: Với lợi thế từ công ty liên kết BWE và cũng là khách hàng duy nhất, Nước Thủ Dầu Một hầu như không chịu áp lực đầu ra khi toàn bộ lượng nước sạch được BWE bao tiêu. Điều này giúp công ty duy trì được biên lãi gộp trên 60% mỗi năm và không khó để công ty có thể giải quyết bài toán tăng trưởng bằng cách mở rộng công suất.

Vị trí địa lý

Một số doanh nghiệp sở hữu tài sản, nhà máy, bất động sản có vị trí địa lý thuận lợi cho việc bán hàng và cung cấp dịch đến khách hàng sẽ có lợi thế lớn so với các doanh nghiệp khác. Ở thị trường Việt Nam loại lợi thế này thường xuất hiện ở những ngành nghề có chi phí vận tải vận chuyển cao như cảng, bất động sản công nghiệp hay các nhóm ngành vật liệu xây dựng

#DHA: Đá Hóa An hiện đang khai thác 3 mỏ đá bao gồm mỏ Núi Gió (Bình Phước), mỏ Thạnh Phú 2 (Đồng Nai) và Tân Cang 3 (Đồng Nai). Trong đó 2 mỏ Thạnh Phú và Tân Cang có lợi thế cạnh tranh lớn giai đoạn sau 2020 nhờ nằm gần Tp Hồ Chí Minh hơn các mỏ khác trong khu vực Đông Nam Bộ, khi các mỏ đá cụm Tân Đông Hiệp, Núi Nhỏ ngừng hoạt động khai thác theo quy hoạch của UBND tỉnh Bình Dương

Thị trường độc quyền

Tại Việt Nam có một số ngành mang yếu tố độc quyền do sự chi phối của nhà nước, những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này thường xuất phát từ doanh nghiệp nhà nước hoặc thuộc sở hữu hoặc góp vốn của nhà nước. Cũng có một số ngành rào cản gia nhập cao do các rào cản về mặt pháp lý, khiến sự tham gia mới của các doanh nghiệp là rất khó.

#VCW: Ngành nước là một ngành tiện ích cộng đồng, được đầu tư ban đầu bởi các công ty nhà nước và do nhà nước chỉ định cung cấp đến các hộ dân, nhà máy. Vì vậy đây là một ngành mang tính độc quyền và có rào cản gia nhập rất cao. CTCP nước sạch Sông Đà là đơn vị quản lý vận hành nhà máy nước sạch lớn nhất tại Hà Nội với công suất 300.000 m3/ngày đêm, với lợi thế cạnh tranh từ việc độc quyền cung cấp nước sạch cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội

Thị trường ngách

Một số doanh nghiệp tạo không hoạt động trong một ngành có rào cản ra nhập cao nhưng vẫn tạo được lợi thế cạnh tranh cho mình nhờ hoạt động trong thị trường ngách. Thị trường ngách là một miếng bánh nhỏ trong chuỗi giá trị toàn ngành, không đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp khác tham gia và nhờ đó doanh nghịêp ít bị áp lực cạnh tranh hơn. Nhược điểm của những doanh nghiệp này là khi chiếm lĩnh được thị trường ngách buộc doanh nghiệp phải mở rộng quy mô và tham gia vào những thị trường mới, nơi có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn.

#QNS: Đường Quảng Ngãi manh nha lấn sân sang ngành sữa từ năm 1997 với sự thành lập Vinasoy thuộc nhà máy sữa Trường Xuân. Ban đầu mặt hàng chủ lực của nhà máy là sữa tiệt trùng và sữa chua, tuy nhiên việc chen chân cạnh tranh với những ông lớn như Vinamilk hay Dutch Lady không hiệu quả trong khi sữa Fami lại tăng trưởng tốt, QNS nhanh chóng chuyển hướng chiến lược sang kinh doanh sữa đậu nành lúc bấy giờ bị thị trường bỏ ngỏ. Hiện tại công ty đã chiếm tới 86.2% thị phần sữa đậu nành tại Việt Nam.

Kết: việc tìm hiểu lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chỉ là một trong số những ứng dụng dụng trong việc hiểu về chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Như chữ M – Meaning đầu tiên trong tiêu chí 4M của Phil Town, việc hiểu rõ về mô hình kinh doanh, ngành nghề của doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng nhất chúng ta cần phải đi sâu khi phân tích một doanh nghiệp.
Lợi thế cạnh tranh nhìn từ chuỗi giá trị của doanh nghiệp
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
16 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại