Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt bắt đầu lan tới Việt Nam?
Lợi tức trái phiếu tăng chủ yếu do tác động tâm lý từ diễn biến tăng mạnh của trái phiếu chính phủ Mỹ. Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào nên nhiều khả năng lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam vẫn dao động trong biên độ hẹp.
Tuần qua lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 10, 15 và 30 năm đều tăng 3-4 điểm cơ bản nhưng tỷ lệ trúng thầu vẫn thấp (30-50%) cho thấy thị trường vẫn kỳ vọng mức lãi suất trúng thầu cao hơn.
Trung tâm phân tích chứng khoán của Công ty Chứng khoán SSI vừa có báo cáo về thị trường tiền tệ tuần trước (15/3 – 19/3).
Theo đó, cơ quan này cho biết, tuần trước, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân nhích nhẹ 2-3 điểm cơ bản, chốt tuần ở mức 0.36%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0.5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 3 đến nay, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với khách hàng cá nhân từ 10-40 điểm cơ bản nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi với khách hàng tổ chức.
Vì vậy, SSI cho rằng cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I, đầu quý II và có thể nhích tăng từ cuối quý II khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.
Về diễn biến trên thị trường ngoại hối, trong phiên họp tháng 3 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có kết quả không nhiều bất ngờ khi FED giữ quan điểm duy trì tốc độ nới lỏng hiện tại (lãi suất 0-0,25% và chưa tăng trở lại cho đến hết 2023) nhưng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 4,2% lên 6,5% trong năm 2021, lạm phát có thể chạm 2,4% vào cuối 2021 và hạ nhiệt vào 2022.
Tuy vậy, tâm lý tích cực chỉ duy trì khá ngắn, thị trường tỏ ra hoài nghi đối với quan điểm lạm phát của FED, trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục bị bán tháo mạnh đẩy lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng thêm 4-10 điểm cơ bản trong tuần qua, lên mức 1,72%/năm với kỳ hạn 10 năm. Kỳ vọng phục hồi mạnh của nền kinh tế Mỹ khiến đồng USD tăng giá, DXY chốt tuần ở sát 92, hầu hết các đồng tiền giảm giá so với USD.
Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm tăng 11 VND lên 23.194 VND khiến tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại tăng thêm 20 VND, lên 22.950/23.160 VND. Tỷ giá tự do bật tăng trở lại, tăng tới 150 VND chiều mua vào và 100 VND chiều bán ra, ở mức 23.900/23.930 VND.
Tình hình xuất nhập khẩu trong nửa đầu tháng 3 vẫn tích cực, trong đó xuất khẩu tăng 19,3% so với cùng kỳ và cán cân thương mại tiếp tục hướng xuất siêu, ở mức 1,81 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Hiện cung cầu ngoại tệ trong nước đang khá thuận lợi nên tỷ giá USD/VND về dài hạn vẫn ổn định, tuy nhiên có thể dao động trong ngắn hạn theo diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ, tuần qua, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 6,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở 5 kỳ hạn từ 5 đến 30 năm. Vùng lãi suất đăng ký kỳ hạn 5 năm tăng thêm tới 7 điểm cơ bản, mức thấp nhất vẫn cao hơn lãi suất trúng thầu tuần trước nên không gọi thầu thành công. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 10, 15 và 30 năm đều tăng 3-4 điểm cơ bản nhưng tỷ lệ trúng thầu vẫn thấp (30-50%) cho thấy thị trường vẫn kỳ vọng mức lãi suất trúng thầu cao hơn.
“Lợi tức trái phiếu tăng chủ yếu do tác động tâm lý từ diễn biến tăng mạnh của trái phiếu chính phủ Mỹ, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào nên nhiều khả năng lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam vẫn dao động trong biên độ hẹp”, nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.
Trên thị trường thứ cấp, lợi tức trái phiếu chính phủ tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần ở mức 1 năm 0,26%; 3 năm 0,66%; 5 năm 1,13%; 10 năm 2,45%; 15 năm 2,65%; 20 năm 3,04%; 30 năm 3,8%. Tổng giá trị giao dịch tuần đạt 47 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với tuần trước,
Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài có tuần bán ròng đầu tiên kể từ đầu năm nhưng mức bán ròng chỉ là 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế vẫn mua ròng 5,23 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận