Lời ông Powell nói có tác động lớn hơn quyết định tăng lãi suất của Fed trong kỳ họp tới
Cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần này.
Diễn biến thị trường trong tuần tới sẽ phụ thuộc nhiều vào điều mà Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu vào 14h30 giờ ET ngày 15/6 (1h30 ngày 16/6 giờ Việt Nam).
Đó là thời điểm ông Powell sẽ chủ trì cuộc họp báo tổng kết phiên họp kéo dài trong 2 ngày của Ủy ban thị trường mở liên bang. Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,5%, tuy nhiên, dữ liệu lạm phát tháng 5 vừa được công bố khiến nhiều người lo ngại Fed sẽ mạnh tay siết chính sách tiền tệ ngay trong cuộc họp này và thời gian tới.
Fed cũng sẽ công bố dự báo kinh tế và lãi suất mới. Nhưng những gì mà ông Powell phát biểu sẽ tác động lớn hơn tới diễn biến các thị trường tài chính. Chứng khoán và trái phiếu biến động mạnh thời gian qua trong bối cảnh nhà đầu tư lo sợ lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh, và những đợt tăng lãi suất của Fed sẽ đẩy nền kinh tế số 1 thế giới vào suy thoái.
“Tôi cho rằng điểm mấu chốt nằm ở những gì mà ông Powell phát biểu trong cuộc họp báo, qua đó ông có thể phát đi những tín hiệu về triển vọng chính sách trong tháng 9 tới”, Michael Schumacher, Giám đốc chiến lược vĩ mô tại Wells Fargo, chia sẻ.
Sau khi dữ liệu lạm phát tháng 5 của Mỹ được công bố, chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ. Chốt tuần, chỉ số S&P 500 giảm 5,1%. Trong ngày thứ 6, chỉ số này giảm 2,9% xuống ngưỡng 3.900 điểm.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong năm 2022. Ảnh: CNBC.
“Thị trường cần những bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng Fed có thể kiểm soát lạm phát mà không châm ngòi cho một cuộc suy thoái”, Lori Calvasina, Giám đốc chiến lược chứng khoán tại RBC Capital Markets, chia sẻ. Nếu không, thị trường sẽ vận động dựa trên dữ liệu kinh tế đã được công bố. “Có thể, chúng ta sẽ bị mắc kẹt giữa vùng lầy trong một khoảng thời gian nữa”, bà nhận định.
Báo cáo lạm phát mới được công bố như "đổ thêm dầu vào lửa” đối với thị trường chứng khoán Mỹ, vốn đang bị “che phủ” bởi quan ngại suy thoái. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6% trong tháng 5, cao hơn dự báo tăng 8,3% của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones.
CPI tăng cao châm ngòi cho làn sóng tranh luận liệu Fed sẽ cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tới và tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới. Barclays và Jefferies đều đã điều chỉnh dự báo của mình trong tuần trước, qua đó tính tới cả trưởng hợp Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong thứ 4 tới, dù phần lớn các chuyên gia kinh tế vẫn giữ vững quan điểm lãi suất tăng thêm 0,5%.
Các chuyên gia của Goldman Sachs cũng đã thay đổi triển vọng lãi suất của mình, bao gồm cả việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong tháng 9, sau khi tăng lãi suất với mức độ tương tự trong tháng 6 và 7.
JPMorgan cho rằng dự báo chính sách lãi suất mới của Fed phản ánh việc cơ quan này sẽ đẩy mạnh thắt chặt chính sách, tuy nhiên mức tăng lãi suất trong kỳ họp tới sẽ vẫn dừng lại ở ngưỡng 0,5%. Họ dự báo lãi suất sẽ tăng lên ngưỡng 2,625% vào cuối năm 2022, cao hơn dự báo 1,875% đưa ra hồi tháng 3.
“Ông Powell từng đánh tiếng muốn định hướng tâm lý nhà đầu tư và thị trường hơn là làm bất ngờ họ. Điều đó giúp củng cố khả năng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất 0,5% trong cuộc họp tới”, các chuyên gia của JPMorgan nhấn mạnh.
Bên cạnh quyết định lãi suất của Fed, một số báo cáo kinh tế quan trọng cũng sẽ được công bố trong tuần này, trong đó bao gồm chỉ số giá sản xuất, doanh số bán lẻ, sản lượng sản xuất công nghiệp.
Một số doanh nghiệp cũng sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022, trong đó nổi bật nhất là Oracle.
Dấu hiệu cảnh báo suy thoái?
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sau khi báo cáo lạm phát được công bố, tuy nhiên, đường cong lợi suất đang có xu hướng nắn thẳng lại. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn, ví dụ như 2 năm, đang bám sát lợi suất trái phiếu dài hạn, ví dụ như 10 năm.
Trong ngày 10/6, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm chạm ngưỡng 3,06% và chênh lệch chỉ 10 điểm cơ bản so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Nếu lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng cao hơn so với 10 năm, đường cong lợi suất sẽ đảo chiều, báo hiệu một cuộc suy thoái đang ập đến.
Calvasina nhận định diễn biến trên thị trường chứng khoán hiện đang phản ánh rủi ro về một cuộc suy thoái nhẹ. S&P 500 giảm trung bình 32% trong các giai đoạn suy thoái trước đây, và tính tới thời điểm hiện tại, chỉ số này giảm gần 20%.
Vị chuyên gia này cho biết xác suất thị trường đã chạm đáy là 60%. “Tôi cho rằng giá trị thị trường đủ hợp lý để nhà đầu tư có thể mua vào những cổ phiếu mà họ mong muốn”, bà chia sẻ.
Đối với nhà đầu tư chứng khoán, Fed sẽ vẫn là một thách thức, nhưng nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ được nhận định có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ sau quãng thời gian hòa chung xu hướng giảm của thị trường.
“Tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư muốn mua vào những mã cổ phiếu có giá trị tốt, và nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ có sức hấp dẫn lớn hơn cả”, bà nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận