Lợi nhuận VN30 quý II giảm, nhóm ngân hàng bù đắp cho Vinhomes và Hòa Phát
Quý II chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm ngân hàng thành "bệ đỡ" lợi nhuận cho nhóm VN30.
Theo thống kê, tổng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của 29/30 doanh nghiệp trong nhóm VN30 trong quý II đạt 62.871 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm thống kê, Hãng hàng không Vietjet (HoSE: VJC) chưa công bố BCTC quý II, song lợi nhuận chiếm tỷ trọng không đáng kể trong nhóm.
Đơn vị: tỷ đồng |
Quán quân lợi nhuận thuộc về Vietcombank (HoSE: VCB) khi đạt lợi nhuận 5.927 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu chính của ngân hàng đều tăng như thu nhập lãi thuần tăng 18%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 42%, lãi thuần từ hoạt động khác tăng 70% giúp cho tổng thu nhập tăng gần 20% đạt 11.036 tỷ đồng. Trong khi tổng chi phí tăng 26% lên 3.297 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm từ 598 tỷ đồng xuống 417 tỷ đồng.
Đứng vị trí thứ 2 và 3 về lợi nhuận trong nhóm VN30 cũng thuộc về nhóm ngân hàng là Tecombank (HoSE: TCB) với 5.800 tỷ đồng, tăng 23% và BIDV (HoSE: BID) với 5.216 tỷ đồng, tăng 43%.
Có thể nói quý II năm nay chứng kiến sự trỗi dậy của ngóm ngân hàng khi lợi nhuận của 8 trên 10 đơn vị thuộc VN30 tăng trưởng. Tổng lợi nhuận của nhóm đạt 38.286 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và tỷ trọng đóng góp nâng từ 42,3% lên 61% trên tổng lãi nhóm VN30. Hai nhà băng báo cáo lợi nhuận quý II giảm gồm VPBank (HoSE: VPB) và Sacombank (HoSE: STB).
Đơn vị: tỷ đồng |
Xét về tăng trưởng, PV Gas (HoSE: GAS) có mức tăng trưởng cao nhất nhóm khi đạt 5.086 tỷ đồng, gấp 2,2 lần quý II/2021 và ghi nhận kỷ lục mới. Tổng công ty cho biết nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là giá dầu brent bình quân quý II đạt 114 USD/thùng, tăng 45 USD/thùng so với cùng kỳ năm trước, tức tăng 65% đã làm lợi nhuận của khí khô tăng tương ứng. Đồng thời, giá CP bình quân quý II cũng tăng 64%, đạt 852 USD/tấn.
Những cái tên khác có lợi nhuận ròng quý II gấp đôi cùng kỳ năm trước gồm Vingroup (HoSE: VIC), Vietinbank (HoSE: CTG) và Vincom Retail (HoSE: VRE).
Hụt thu ở mảng bất động sản trong khi mảng du lịch giải trí – khách sạn và sản xuất vẫn lỗ lớn, Vingroup bị lỗ gộp 4.567 tỷ đồng quý II. Dù vậy, lợi nhuận ròng đạt 3.191 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước nhờ hoạt động tài chính và hoạt động khác. Cụ thể, doanh thu tài chính đạt 10.666 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Hoạt động khác mang về lợi nhuận 5.156 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ nhẹ 2 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, doanh thu tài chính chủ yếu đến từ lãi thanh ký các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con, thu nhập khác đến từ thanh lý tài sản cố định.
Cùng kỳ năm trước, quán quân lợi nhuận VN30 thuộc về Vinhomes (HoSE: VHM) với 10.521 tỷ đồng. Việc giảm sâu doanh thu từ 28.015 tỷ đồng về 4.530 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản quý II năm nay lùi về 509 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý IV/2017.
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận giảm sâu nhưng Vinhomes có khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tại thời điểm cuối quý II đạt 49.975 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 8.865 tỷ đồng đầu năm và con số 5.810 tỷ đồng cuối quý I. Doanh nghiệp cho biết hoạt động bán hàng gặt hái nhiều thành tựu trong quý II khi ra mắt đại dự án Vinhomes Ocean Park – The Empire (Hưng Yên), doanh số bán lẻ từ dự án này đạt 49.073 tỷ đồng và là nguồn thu tiềm năng dự kiến ghi nhận cho các quý sau.
Sau Vinhomes, nếu tính số tuyệt đối, Hòa Phát (HoSE: HPG) cũng là doanh nghiệp có lợi nhuận giảm thứ nhiều thứ 2, từ 9.843 tỷ đồng xuống 4.032 tỷ đồng. Giá thép thành phẩm giảm trong khi giá nguyên vật liệu tăng cao cùng các tác động của tỷ giá, chi phí logistics đã khiến lợi nhuận “vua thép” Việt giảm sâu.
Cuối cùng, doanh nghiệp duy nhất báo lỗ trong VN30 là Petrolimex với mức lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là âm 196 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận