24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lợi nhuận tự lập và hiện thực trần trụi sau kiểm toán

Chênh lệch BCTC kiểm toán so với tự lập là câu chuyện không mới, nhưng chưa bao giờ mất tính thời sự, bởi nhiều chỉ tiêu tài chính quan trọng như doanh thu, lợi nhuận thay đổi, làm ảnh hưởng đến những kỳ vọng cũng như quyết định của nhà đầu tư.

Theo dữ liệu của VietstockFinance, trên ba sàn HOSE, HNX, UPCoM, tính đến ngày 06/04/2023, có tổng cộng 447 doanh nghiệp (ngoại trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) công bố BCTC kiểm toán có sự chênh lệch so với báo cáo tự lập. Trong đó, có 155 doanh nghiệp sau kiểm toán tăng lãi, 214 doanh nghiệp giảm lãi, 47 doanh nghiệp tăng lỗ, 16 doanh nghiệp giảm lỗ, 11 doanh nghiệp có lãi chuyển thành lỗ và 4 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi.

Lãi ròng sau kiểm toán tăng cả trăm tỷ đồng

Đứng đầu nhóm lãi ròng 2022 sau kiểm toán tăng là Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) với 275 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, từ 14,394 tỷ đồng lên 14,669 tỷ đồng. Biến động này chủ yếu tới từ việc chênh lệch giữa giá dầu thô với giá các sản phẩm chính và sản lượng tiêu thụ.

Với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), dù doanh thu giảm hơn 10 tỷ đồng nhưng tổng chi phí giảm tới hơn 255 tỷ đồng, giúp lãi ròng năm 2022 tăng thêm 230 tỷ đồng sau kiểm toán, đạt 2,553 tỷ đồng.

Theo POW, sự chênh lệch chủ yếu do thay đổi về lợi nhuận của Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2). Hơn nữa , NT2 cũng góp mặt trong danh sách này với lãi sau thuế tăng 160 tỷ đồng sau kiểm toán nhờ giảm 198 tỷ đồng khoản mục trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Ngoài ra, một số cái tên khác cũng có lãi ròng tăng trên trăm tỷ đồng sau kiểm toán như PGV, SJG, VHM…

9 doanh nghiệp lãi hợp nhất sau kiểm toán tăng trên trăm tỷ đồng

(Đvt: Tỷ đồng)

Lợi nhuận tự lập và hiện thực trần trụi sau kiểm toán
Nguồn: VietstockFinance

Xét về giá trị tương đối, Than Cọc Sáu - Vinacomin (TC6) có năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu nhóm lãi ròng sau kiểm toán tăng với mức 275%, lên gần 1.6 tỷ đồng, do Công ty được giảm tiền thuê đất năm 2022 theo quyết định ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trước đó, vào năm 2021, lãi ròng sau kiểm toán của TC6 tăng tới 1,437%, đạt gần 38 tỷ đồng, do Công ty mẹ - Tổng Công ty Khoáng sản TKV (KSV) điều chỉnh đơn giá mua than của Công ty.

Đáng nói, lãi ròng 2022 sau kiểm toán của KSV cũng tăng tới 210%, đạt hơn 202 tỷ đồng, do Công ty mẹ rà soát lại các chi phí phát sinh đã hạch toán vào chi phí sản xuất trong kỳ nhưng có liên quan đến nhiều kỳ kế toán để thực hiện phân bổ lại chi phí. Bên cạnh đó, Công ty kim loại màu Thái Nguyên thực hiện phân bổ lại chi phí sửa chữa lớn, chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho; ngoài ra lợi nhuận các đơn vị khác cũng tăng.

Một loạt doanh nghiệp khác lãi sau kiểm toán tăng mạnh như Tổng Công ty LICOGI (LIG), Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn (PXL), Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu Mỏ (APP)…

Top 20 doanh nghiệp có lãi ròng hợp nhất sau kiểm toán tăng mạnh

(Đvt: Tỷ đồng)

Lợi nhuận tự lập và hiện thực trần trụi sau kiểm toán

Kiểm toán vào thì... co mất lãi

Bên cạnh những doanh nghiệp có lãi tăng vài chục đến vài trăm tỷ đồng, ngược lại cũng có những doanh nghiệp “bốc hơi” gần hết lợi nhuận, lỗ nặng hơn và thậm chí chuyển từ lãi thành lỗ sau kiểm toán.

2 doanh nghiệp lãi ròng sau kiểm toán giảm cả trăm tỷ đồng

(Đvt: Tỷ đồng)

Lợi nhuận tự lập và hiện thực trần trụi sau kiểm toán
Nguồn: VietstockFinance

Đáng chú ý nhất phải kể đến Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) với lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ hợp nhất 2022 sau kiểm toán giảm từ 150 tỷ đồng xuống còn 5 tỷ đồng, tương ứng giảm 97% so với báo cáo tự lập do sự thay đổi quy định của pháp luật liên quan tới thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng. Công ty đã điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bất động sản trên BCTC Công ty mẹ.

Trong phần thuyết minh BCTC kiểm toán 2022, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản và dịch vụ xây lắp của DBC đạt 247 tỷ đồng, giảm 75% so với báo cáo tự lập. Bên cạnh đó, doanh thu bán thành phẩm giảm 267 tỷ đồng, còn 10,853 tỷ đồng.

Tương tự, lãi sau thuế của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) “bốc hơi”118 tỷ đồng, còn 931 tỷ đồng sau kiểm toán. VCG cho biết, nguyên nhân chủ yếu do giảm lợi nhuận từ một số hợp đồng thi công xây lắp của các công ty con tại các dự án đầu tư xây dựng dở dang của Công ty. Tuy nhiên, sự sụt giảm này không quá lớn so với con số lãi có được.

Về tương đối, Tập Đoàn CMH Việt Nam (CMS) là đơn vị có lãi ròng sau kiểm toán giảm mạnh nhất. Cụ thể, lãi của CMS giảm tới hơn 98% so với con số trong báo cáo tự lập, còn vỏn vẹn hơn 300 triệu đồng, do kiểm toán tính lại chi phí TNDN hiện hành là khoản lợi ích khác từ tiền cọc hợp đồng cho Công ty Tuấn Huy Phú Thọ và thuế TNDN hoãn lại từ các khoản giảm trừ giao dịch nội bộ.

Top 20 doanh nghiệp có lãi ròng hợp nhất sau kiểm toán giảm mạnh

(Đvt: Tỷ đồng)

Lợi nhuận tự lập và hiện thực trần trụi sau kiểm toán

Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) cũng ghi nhận lãi sau kiểm toán 2022 giảm 81% so với trong báo cáo tự lập, từ hơn 15 tỷ đồng xuống còn gần 3 tỷ đồng, nguyên nhân do khoản điều chỉnh tăng chi phí lãi vay không được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng đã điều chỉnh tăng khoản chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và tăng chi phí tài chính.

“Nặng gánh” đã lỗ còn lỗ thêm

Bi kịch hơn, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) kết năm 2022 với mức lỗ gần 1.2 ngàn tỷ đồng, chênh hơn 312 tỷ đồng so với BCTC tự lập. Công ty giải thích, khoản lỗ này chủ yếu đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 324 tỷ đồng sau kiểm toán, vì tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi của Công ty mẹ và điều chỉnh chi phí dịch vụ mua ngoài từ chi phí bán hàng.

Khoản lỗ này cũng biến 2022 trở thành năm lỗ kỷ lục của DLG sau 10 năm niêm yết. Trước đó, doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất vào năm 2020, với khoản lỗ sau thuế 930 tỷ đồng.

Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai (LCM) ghi nhận lỗ từ hơn 1 tỷ đồng tại báo cáo tự lập thành lỗ gần 110 tỷ đồng sau kiểm toán, do kiểm toán đã trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính tại công ty con – Công ty TNHH Gia Long Hòa Bình khiến chi phí khác tăng đột biến gần 108 tỷ đồng. Mặt khác, Công ty còn nhận ý kiến ngoại trừ và vấn đề nhấn mạnh của kiểm toán.

Lợi nhuận tự lập và hiện thực trần trụi sau kiểm toán

Cùng cảnh ngộ, Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) lỗ thêm gần 95 tỷ đồng, nâng lỗ sau thuế năm 2022 lên gần 139 tỷ đồng do Ban Điều hành Công ty đánh giá lại đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán, nên trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi với tổng số tiền gần 95 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số điều chỉnh khác sau khi rà soát lại số liệu.

Một trường hợp đặc biệt hơn tới từ Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) khi lỗ sau thuế năm 2022 sau kiểm toán thêm hơn 81 tỷ đồng, vượt 260 tỷ đồng, do Công ty ghi nhận giảm hơn 9 tỷ đồng chi phí thuế TNDN hiện hành, và tăng chi phí TNDN hoãn lại hơn 92 tỷ đồng.

Nhưng đáng nói hơn , kiểm toán viên còn điều chỉnh hồi tố làm lợi nhuận sau thuế năm 2021 từ lãi thành lỗ, “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng, từ dương 265 tỷ đồng xuống âm 404 tỷ đồng.

Chưa hết, kiểm toán viên còn nhấn mạnh nhiều thuyết minh liên quan đến vấn đề các khoản mục như nợ tiềm tàng, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, quyết định của Toà án và thông tin về hoạt động liên tục…

Số phận thăng trầm sau kiểm toán

Trong số 11 doanh nghiệp có lãi chuyển thành lỗ năm 2022, nốt trầm nhất có lẽ tới từ Tập đoàn Danh Khôi (NRC) khi lãi sau thuế tại báo cáo tự lập ghi nhận hơn 6 tỷ đồng đã chuyển sang lỗ gần 73 tỷ đồng sau kiểm toán (tức chênh lệch 79 tỷ đồng). NRC giải thích, Công ty phải ghi nhận trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi 92.5 tỷ đồng dẫn đến chi phí quản lý tăng thêm một khoản tương ứng.

Cũng chuyển từ lãi thành lỗ là CTCP B.C.H (BCA) với kết quả sau kiểm toán lỗ gần 74 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập là lãi gần 2 tỷ đồng, nguyên nhân chính là phải trích lập bổ sung dự phòng phải thu khó đòi, tương tự NRC.

11 doanh nghiệp có lãi chuyển thành lỗ

(Đvt: Tỷ đồng)

Lợi nhuận tự lập và hiện thực trần trụi sau kiểm toán
Nguồn: VietstockFinance

Ở chiều tích cực hơn, 4 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi sau kiểm toán gồm Đầu tư và Xây dựng HUD3 (HU3), CMISTONE Việt Nam (CMI), Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (CTX), và Đầu Tư Và Phát Triển Sao Mai Việt (UNI).

4 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi sau kiểm toán

(Đvt: Tỷ đồng)

Lợi nhuận tự lập và hiện thực trần trụi sau kiểm toán
Nguồn: VietstockFinance

Tại báo cáo tự lập, CMISTONE Việt Nam (CMI) lỗ 7 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán lại chuyển thành lãi hơn 30 tỷ đồng.

Công ty giải thích, biến động là do trong quá trình làm báo cáo tự lập, kế toán đang thực hiện trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi thừa so với gốc nợ các khoản phải thu tại ngày 31/12/2022 số tiền gần 40 tỷ đồng và điều chỉnh một số chi phí khấu hao tài sản cuối năm và tiền phạt, tiền chậm nộp thuế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả