Lợi nhuận tăng mạnh - giá nhiều cổ phiếu trở nên rẻ
Sau khi vượt mốc 1.200 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn biến động khá mạnh từ giữa tháng 4 đến nay với chỉ số VN-Index nhiều phiên “lộn nhào” khi hết lao dốc rồi phục hồi mạnh ngay sau đó.
Giảm mạnh do đâu?
Thị trường đang chịu áp lực từ diễn biến dịch bệnh phức tạp trở lại tại các nước, đặc biệt là Ấn Độ hay là nước sát bên Việt Nam là Campuchia. Nhà đầu tư đang lo ngại những ca nhập cảnh trái phép từ các nước láng giềng mang theo mầm bệnh có thể khiến Việt Nam đối mặt với rủi ro dịch bệnh bùng phát trở lại.
Có đến 200 doanh nghiệp ghi nhận mức lãi có tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó gần 100 doanh nghiệp có mức tăng trưởng từ 100% trở lên.
Dù vậy, điều này vẫn không đủ sức kéo thị trường nói chung và giá các cổ phiếu này nói riêng tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, khi hiệu ứng “tin ra là bán” dường như đang chi phối toàn thị trường.
Trong khi đó, mùa công bố báo cáo tài chính đang đi vào giai đoạn cuối và phía trước là vùng trũng thông tin, khiến không ít nhà đầu tư tin rằng có thể khiến thị trường ảm đạm trở lại, nhất là ngày càng đến gần tháng 5 với hiệu ứng “Sell in May and Go away” và trước mắt là kỳ nghỉ lễ dài ngày 30-4 sắp tới.
Ngoài ra, những thông tin gần đây về việc dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay chứng khoán có thể tiếp tục bị siết chặt cũng ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư hiện nay.
Chỉ số VN-Index trong đầu tuần này đã rớt về tận vùng 1.215 điểm, lấp khoảng trống (gap) tăng giá được tạo ra trong những phiên giao dịch đầu tháng 4.
Các chỉ báo kỹ thuật của VN-Index cũng đang cho tín hiệu khá xấu sau những phiên giảm mạnh vừa qua. Thông tin Việt Nam được Mỹ gỡ nhãn thao túng tiền tệ mới đây dường như cũng không đủ sức hỗ trợ thị trường vào thời điểm này. Hiện tại vùng hỗ trợ của VN-Index gần nhất nằm tại 1.195-1.200 điểm.
Trong bối cảnh thị trường chung chịu áp lực điều chỉnh, hầu hết các mã cổ phiếu cũng đi xuống theo, bất chấp trong số đó không ít doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh bứt phá mạnh mẽ trong quí đầu năm nay và đặt kế hoạch tăng trưởng đầy lạc quan trong năm 2021.
Đáng lưu ý là đợt thị trường bứt tốc vừa qua chủ yếu nhờ lực kéo giá ở các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng khi thị trường chung điều chỉnh lại đẩy giá của các nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình giảm theo, do đó giúp giá của không ít cổ phiếu trong số này rớt về vùng hấp dẫn và không loại trừ khả năng có thể thu hút dòng tiền luân chuyển sang.
Tin ra là bán?
Tính đến đầu tuần này, đã có khoảng 350 doanh nghiệp, chiếm gần 50% số doanh nghiệp trên sàn HOSE và HNX, công bố báo cáo tài chính quí 1. Trong số gần 300 doanh nghiệp có lợi nhuận, có đến 200 doanh nghiệp ghi nhận mức lãi có tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó gần 100 doanh nghiệp có mức tăng trưởng từ 100% trở lên. Dù vậy, điều này vẫn không đủ sức kéo thị trường nói chung và giá các cổ phiếu này nói riêng tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, khi hiệu ứng “tin ra là bán” dường như đang chi phối toàn thị trường.
Trong số này phải nhắc đến nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán hay thép, vốn đã được dự báo trước lợi nhuận quí 1 sẽ tăng mạnh một cách chắc chắn, và thông tin này đã phản ánh vào chuỗi tăng mạnh suốt thời gian qua của nhóm này, nên khi tin ra giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này đã chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh giảm khá mạnh.
Nhưng ngay cả những cổ phiếu công bố kết quả lợi nhuận đột biến bất ngờ và có kế hoạch tăng trưởng tích cực cũng chịu áp lực suy giảm chung.
Đơn cử như Công ty cổ phần (CTCP) Dịch vụ phân phối tổng hợp Dầu khí (PSD) có lợi nhuận sau thuế quí 1 tăng 59% so cùng kỳ, trong khi kế hoạch lãi năm nay gấp 2,1 lần so với năm 2020, nhưng giá cổ phiếu đã giảm đến 14% tính từ mốc cao 20.000 đồng/cổ phiếu đạt được vào ngày 7-4 cho đến nay. Công ty mẹ của PSD là Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PET) cũng chứng kiến lãi quí 1 tăng 86% so cùng kỳ, nhưng giá cổ phiếu vẫn đang trên đà suy giảm.
Hay như cổ phiếu CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) có lợi nhuận quí 1 đạt kỷ lục từ trước đến nay là 292 tỉ đồng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ, nhưng giá cổ phiếu cũng đã giảm gần 25% từ đỉnh cao đạt được vào ngày 22-3 cho đến nay. CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) báo lãi quí 1 tăng 72% so với cùng kỳ, nhưng giá cổ phiếu vẫn chưa thoát khỏi chuỗi ngày đi xuống. Ông lớn ngành điện là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) lãi quí 1 tăng 42% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ thương vụ thoái vốn tại CTCP Máy - Thiết bị dầu khí (PVM), nhưng giá cổ phiếu lại giảm hơn 15% trong hai tuần qua.
Trên sàn UpCom, cổ phiếu CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã giảm 18% tính từ đầu tháng 4, dù lợi nhuận quí 1 ước đạt gần 1.900 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ quí 1-2020 lỗ hơn 2.300 tỉ đồng. Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang sau khi về tay chủ mới cũng chứng kiến lãi quí 1 năm nay tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ, trong khi kế hoạch đặt ra tăng gấp 2,3 lần so với năm 2020, cùng với kế hoạch chuyển sang niêm yết trên sàn HNX trong năm nay, nhưng giá cổ phiếu vẫn đang đi ngang tích lũy.
Ngoài ra, đợt điều chỉnh vừa qua cùng với lợi nhuận quí 1-2021 tăng mạnh cũng đã đưa nhiều cổ phiếu về mức định giá khá rẻ. Như CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) báo lãi quí 1 tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ, lên mức cao nhất từ trước đến nay là 215 tỉ đồng, theo đó lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) lũy kế bốn quí lên đến hơn 8.000 đồng/cổ phiếu, nhưng giá cổ phiếu đã giảm 15% về chỉ còn loanh quanh 30.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng hệ số giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) ở mức rất thấp là 3,7 lần.
Hay như CTCP Đầu tư - Phát triển - Xây dựng số 2 (DC2) báo lãi quí 1 gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ, EPS lũy kế bốn quí gần nhất lên đến hơn 5.000 đồng/cổ phiếu, nhưng giá cổ phiếu vẫn đang loanh quanh dưới vùng 20.000 đồng/cổ phiếu, với P/E chỉ ở mức 3,2 lần.
CTCP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (VPG) lãi quí 1 tăng đột biến lên 138 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi vỏn vẹn 328 triệu đồng, theo đó EPS bốn quí gần nhất đạt hơn 6.300 đồng/cổ phiếu và P/E chỉ đang quanh 5 lần.
CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX) cũng chứng kiến lãi quí 1 gấp 16 lần lên hơn 55 tỉ đồng, kế hoạch năm 2021 được điều chỉnh tăng lên 200 tỉ đồng từ mức 126 tỉ đồng đã được đại hội đồng cổ đông thông qua trước đó, theo đó giá cổ phiếu dù vọt mạnh gần đây nhưng với EPS lũy kế bốn quí đang ở mức hơn 4.800 đồng/cổ phiếu, thì P/E của doanh nghiệp này cũng đang ở mức dưới 5 lần tính theo giá chốt đến đầu tuần này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận