menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'bốc hơi' sau kiểm toán

Theo KTCK, qua mùa báo cáo tài chính bán niên 2022, sau khi kiểm toán vào cuộc, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự thay đổi lớn về lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã “đảo chiều” từ lãi thành lỗ hoặc bốc hơi phần lớn lợi nhuận. Sự biến đổi đáng kinh ngạc này ít nhiều có liên quan đến chất lượng lợi nhuận trên báo cáo tự lập của các doanh nghiệp thời gian qua.

Sau kiểm toán, một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn có dấu hiệu chuyển từ lãi sang lỗ như Công ty CP Louis Capital (HOSE: TGG). Lãi sau thuế tại báo cáo tài chính bán niên tự lập của TGG gần 5,6 tỷ đồng nhưng sau soát xét trở thành lỗ 30,2 tỷ đồng (chênh lệch gần 36 tỷ đồng).

Hay Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HOSE: SHS) cũng lỗ sau thuế nửa đầu năm sau soát xét hơn 68 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, một số doanh nghiệp tăng lỗ sau kiểm toán như Công ty CP VKC Holdings (HNX: VKC), tăng lỗ thêm 166,49 tỷ đồng, lên 191,14 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) tăng lỗ thêm 4,4 tỷ đồng, lên 95,22 tỷ đồng…

Đáng chú ý là nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm cực mạnh hậu kiểm toán. Chẳng hạn Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF), lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng sau soát xét “bốc hơi” 89%, còn 1,4 tỷ đồng. Theo giải trình của TTF, sự chênh lệch này là do Công ty ghi nhận bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi do đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản nợ phải thu từ các công ty con.

Đây không phải lần đầu tiên TFF công bố báo cáo tài chính tự lập thiếu tin cậy với chất lượng lợi nhuận thấp. Năm 2021, TFF cũng rơi vào cảnh từ lãi sau thuế 9 tỷ đồng chuyển thành lỗ sau thuế 9 tỷ đồng sau kiểm toán. Trước đó, năm 2016, nhà đầu tư cũng từng “tháo chạy” khỏi TTF khi Công ty báo lỗ lên tới 1.123 tỷ đồng sau kiểm toán. Việc TTF công bố lỗ khiến giới tài chính khi ấy bất ngờ, cổ phiếu giảm sàn 13 phiên liên tiếp, rơi từ mức 43.600 đồng/cổ phiếu xuống đáy 4.000 đồng/cổ phiếu.

Một trường hợp đáng chú ý khác là Công ty CP Thaiholdinsg (HOSE: THD), lãi sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét giảm hơn 180 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, còn 217,1 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 93,9 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính tự lập.

Song cái tên gây “náo loạn” thị trường nhất phải kể đến Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) khi lợi nhuận bốc hơi gần 92% sau kiểm toán. Sáu tháng đầu năm, KBC đã tự báo lãi sau thuế 2.457 tỷ đồng; tuy nhiên sau kiểm toán, lợi nhuận của KBC sụt giảm mạnh 92%, chỉ còn 200 tỷ đồng, chênh lệch tới 2.256 tỷ đồng.

Tại báo cáo tự lập của KBC, “nhà tài trợ” chính cho khoản lãi 2.457 tỷ đồng là khoản “thu nhập khác”, được thuyết minh là phần chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% của KBC với Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng).

KBC đã bỏ ra 96 tỷ đồng để mua 9,6 triệu cổ phần của Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng, tương đương tỷ lệ sở hữu 48%. Sau đó, KBC đã xác định giá trị của 9,6 triệu cổ phần này là 2.493 tỷ đồng, qua đó ghi nhận lợi nhuận 2.397 tỷ đồng.

Là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho KBC, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) nhận định do số lượng tài sản lớn và tính định giá phức tạp, việc soát xét định giá trên chưa được hoàn tất. E&Y cũng lưu ý rằng bút toán ban đầu của giao dịch chuyển nhượng này đang được xác định tạm thời trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên dựa trên giá trị sổ sách tài sản thuần của công ty tại ngày mua. Việc hoàn tất kế toán ban đầu sẽ được thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày mua.

Có thể vì nhiều lý do khác nhau, các doanh nghiệp đã giải trình biến động mạnh sau kiểm toán, nhưng thực tế biến động này đã diễn ra và ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư, cổ phiếu và thị trường. Bởi báo cáo tài chính là một trong những tài liệu làm căn cứ đánh giá về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp khi nhà đầu tư mua cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu biến động theo các con số mà doanh nghiệp công bố.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực chất vẫn luôn “mạnh tay” xử phạt các doanh nghiệp niêm yết khi lập báo cáo tài chính sai lệch.

Trong quá khứ, hàng loạt các doanh nghiệp do lập báo cáo tài chính sai lệch so với báo cáo kiểm toán cũng đã phải nộp phạt như Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG), Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII), Công ty CP Camimex Group (HOSE: CMX)... Ngoài nộp phạt tiền, các doanh nghiệp này đều phải cải chính thông tin.

Theo một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, để hạn chế rủi ro trong đầu tư, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tiếp cận các báo cáo tài chính thiếu tin cậy, có sai lệch lớn trước và sau kiểm toán và đặc biệt là đối với các DN lặp đi lặp lại tình trạng này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả