Lợi nhuận ngân hàng được dự báo giảm trong nửa cuối năm 2020
Tín dụng tăng chậm trước tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai, trong khi nguồn thu ngoài lãi không thể bù đắp sự sụt giảm từ cho vay. Đồng thời, nợ xấu có xu hướng tăng, kéo theo dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng.
NIM giảm, tín dụng chậm
Theo báo cáo vừa công bố của FiinGroup dựa trên báo cáo tài chính quý 2/2020 của 19 ngân hàng niêm yết, cho vay khách hàng của nhóm ngân hàng này tính đến cuối quý 2/2020 chỉ tăng trưởng 3,4%, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ hai năm trước (9,2% năm 2018, 8,2% năm 2019).
Nhưng điều được FiinGroup lưu ý là tín dụng cá nhân (phân khúc tín dụng có biên lãi ròng - NIM cao) đang có chiều hướng giảm dần kể từ cuối năm 2019 đến nay.
Nguyên nhân, do tác động của dịch Covid-19, cầu vốn vay của cá nhân sụt giảm, vì dịch bệnh khiến thu nhập của khách hàng ảnh hưởng nên nhiều cá nhân không đủ khả năng trả nợ vay nên không dám nghĩ đến việc vay vốn để chi tiêu như trước.
Mặt khác, trước bối cảnh dịch bệnh khiến nợ xấu ngân hàng tăng, nhất là ở phân khúc khách hàng cá nhân buộc nhà băng “siết” chặt hơn đối với tín dụng tiêu dùng.
Kết quả cuộc khảo sát điều tra xu hướng tín dụng các tổ chức tín dụng của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng “thắt chặt” hơn các yêu cầu về tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm của khách hàng nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng do rủi ro tín dụng.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt hơn hơn điều kiện và điều khoản vay vốn đối với các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán và vay tiêu dùng.
Vì vậy, các chuyên gia phân tích của Fiingroup nhận định, xu hướng giảm tốc tín dụng cá nhân ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần và biên độ lãi thuần (NIM) của các ngân hàng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao và biên lãi ròng lớn.
NIM của 19 ngân hàng niêm yết giảm 8,8 điểm cơ bản (bps) so với quý 1/2020.
Đồng thời, NIM quý 2/2020 của các ngân hàng sút giảm không chỉ do tín dụng cá nhân giảm mà còn là sự phản ánh rõ ảnh hưởng từ việc miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Vả lại, tín dụng tăng trưởng chậm cũng được cho là sẽ tác động lên tăng trưởng lãi thuần của ngành ngân hàng trong mùa cao điểm 2 quý tới và cả năm 2020.
Tính đến ngày 28/7, huy động vốn toàn ngành ngân hàng tăng 5,31%, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%) theo số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị Hội nghị với các địa phương về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 ngày 02/07/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, nhu cầu tín dụng thời gian qua rất yếu, đặc biệt là trong tháng 4 – 5/2020, tuy nhiên đã phục hồi tốt hơn trong tháng 6/2020.
Cụ thể, vào tháng 3 tín dụng tăng khoảng 1.13%, tháng 4 tăng 0.12%, tháng 5 tăng 0.53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1.28%.
Tính đến ngày 30/06/2020, tín dụng tăng trưởng 3,26% so với đầu năm, đây cũng là mức tăng thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây và đến gần cuối tháng 7 vẫn thấp.
Trung tâm Chứng khoán SSI - SSI Research vừa có báo cáo đánh giá triển vọng về ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2020 với nhận định, tăng trưởng tín dụng chậm lại trong nửa cuối năm nay.
SSI Research ước tính đến cuối tháng 7/2020, tổng tín dụng tăng nhẹ 3,7% so với đầu năm, bằng một nửa mức tăng trưởng 7,5% của 7 tháng đầu năm 2019.
Do đó, SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 7,5% - 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của NHNN là 11%-14% so với cùng kỳ năm trước.
Theo SSI Research, nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu do cả nước hiện đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai trong khi các ngân hàng có thể sẽ không hạ tiêu chí cấp tín dụng.
Không chỉ tín dụng tăng chậm, NIM giảm mà nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng cũng sụt giảm trong nửa đầu năm nay thời dự báo chưa mấy sáng sủa nửa cuối năm.
Nguồn thu từ dịch vụ của SeABank giảm 10%; ACB giảm 18%; TPBank giảm 41%, Saigonbank giảm 20%... Nguyên nhân, các ngân hàng phải giảm phí dịch vụ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động lên kinh tế, đời sống, xã hội.
Nợ xấu tăng, lợi nhuận sụt giảm
Trong khi tín dụng tăng chậm, nợ xấu của ngành ngân hàng có xu hướng tăng, đó là chưa kể các khoản nợ xấu “chưa được che dấu” bởi Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm 31/5, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 16,3% so với cuối năm 2019.
Trong kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm nay sẽ lên mức 2,41%.
Chính các yếu tố trên sẽ tác động lên lợi nhuận ngân hàng do phải tăng dự phòng rủi ro và thực tế dự phòng rủi ro đã “ăn” mòn lợi nhuận nhà băng trong nửa đầu năm nay.
Vì vậy, SSI Research nghiêng về kịch bản ngành ngân hàng trong những tháng còn lại của năm 2020 không mấy khả quan bởi nhiều yếu tố tác động.
SSI Research ước tính nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm 2020.
Dựa trên ước tính của Ngân hàng Nhà nước vào quý 1/2020, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay, chiếm 23% tổng tín dụng, chịu ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch.
Khi đại dịch kéo dài, số lượng khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ tiếp tục tăng lên. Các ngân hàng sẽ phải đưa các khoản vay này vào danh sách tái cơ cấu, hoặc phân loại lại thành nợ xấu.
Do đó, theo SSI Research, thu nhập lãi mất đi liên quan đến nợ tái cơ cấu và nợ xấu có thể ở mức đáng kể hơn.
Hơn nữa, một phần thu nhập lãi được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm có thể sẽ được thoái thu do khoản nợ này bị hạ xếp loại nhóm nợ.
Những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi sẽ kéo dài trong suốt nửa cuối năm 2020, lâu hơn giai đoạn trong nửa đầu năm.
Vì thế, SSI Research ước tính NIM sẽ giảm thêm 60 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2020 nếu lo ngại của SSI Research thành hiện thực.
Trong khi đó, trích lập dự phòng sẽ làm giảm thêm lợi nhuận. SSI Research cho rằng, các ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu, mặc dù thời hạn của Thông tư 01 có thể được kéo dài để trì hoãn thời gian ghi nhận nợ xấu.
Lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm 2020 của ngành ngân hàng được SSI Research ước tính giảm 22.1% so với cùng kỳ năm trước, do thu nhập hoạt động (TOI) giảm 4% so với cùng kỳ năm trước và chi phí dự phòng tăng 47.8% so với cùng kỳ năm trước.
Vải lại, tổng lợi nhuận trước thuế của toàn ngành giảm là do lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng quốc doanh (VCB, BID và CTG) ước tính giảm 35.7% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu do chi phí dự phòng tăng 58.8% so với cùng kỳ năm trước trong nửa cuối năm 2020).
FiinGroup cũng cho hay, tính riêng trong quý 2/2020, lợi nhuận sau thuế của 19 ngân hàng niêm yết tăng 22,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng niêm yết chỉ tăng 12,8% so với cùng kỳ, giảm nhiều so với hai năm trước đó.
Một điểm đáng lưu ý nữa là tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý 2/2020 có sự đóng góp đáng kể từ cắt giảm chi phí hoạt động.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động giảm 4,5% trong khi chi phí hoạt động giảm 12%, tiếp diễn xu hướng từ quý 1/2020 với tổng thu nhập hoạt động giảm 5,9% trong khi chi phí hoạt động giảm 14,2%. Điều này khác với các năm trước khi chi phí hoạt động có xu hướng giảm trong quý 1 rồi tăng trở lại trong quý 2.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 19 ngân hàng niêm yết cũng giảm 19,4% so với quý 1/2020, góp phần vào việc tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, do Thông tư 01, mức tăng này chưa phản ánh đầy đủ tác động của Covid-19 lên lợi nhuận của các ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 8/6/2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 249 nghìn khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng, và chỉ phải trích lập dự phòng theo nhóm nợ đã cơ cấu lại.
Nhưng trong quý 2/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 17 ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng tăng lên 1,71% từ mức 1,44% cuối quý 4/2019. Nếu không thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn.
FiinGroup dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của 18/19 ngân hàng (riêng CTG không đưa ra kế hoạch cụ thể) dự kiến chỉ tăng 4,9% so với năm 2019. Kế hoạch này khá thận trọng nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết nửa đầu năm nay (tăng 12,95).
Thực tế, lợi nhuận của ngân hàng bắt đầu giảm mạnh trong quý 2/2020 như tại Eximbank, Kienlongbank... do tăng trích dự phòng và tín dụng khó tăng trưởng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận