Lợi nhuận ngân hàng có bị 'thổi phồng'?
Mặc dù số liệu tăng trưởng tín dụng (TTTD) quý I không mấy khả quan, nhưng các nhà băng vẫn đang cố chạy TTTD để tạo ra lợi nhuận. Từ đó gây nên lo ngại lợi nhuận đang bị các nhà băng "thổi phồng".
Nói về kế hoạch lợi nhuận NH, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH chia sẻ, thông thường lợi nhuận của NH đi theo TTTD. Năm nay, NHNN đưa ra mức TTTD cao hơn năm ngoái, 14-15%, bởi nhiều dự báo cho thấy năm nay tình hình kinh tế của Việt Nam có thể sẽ ổn định hơn vào nửa năm sau.
Vì thế, các NH cũng thấy lạc quan hơn trong vấn đề hoạt động tín dụng của họ. Song diễn biến các tháng qua cho thấy, các NH đang có cả lạc quan và chủ quan. Lạc quan với TTTD khi có thể tốt hơn từ nửa sau năm 2024. Chủ quan vì nền kinh tế còn tiếp nối khó khăn năm vừa rồi, minh chứng nhiều NH cũng thận trọng trong việc cấp tín dụng. Và suy cho cùng những kế hoạch đặt ra với mong muốn tạo sự tin tưởng với các cổ đông, đặc biệt đối với cơ quan chủ quản là NHNN.
Ở một góc độ khác, có vẻ như các NH đặt kế hoạch và đạt kế hoạch không còn gắn bó mật thiết. Vài năm gần đây, các NH thổi phồng kế hoạch nhưng kết quả đi lùi về lợi nhuận, thậm chí ghi nhận thua lỗ, không đạt kế hoạch đề ra cũng không còn là chuyện lạ.
Đơn cử, năm 2023, lợi nhuận trước thuế của TPBank giảm 29% (đạt khoảng 5.590 tỷ đồng), và chỉ hoàn thành 64% kế hoạch năm. Hay PGBank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 355 tỷ đồng, suy giảm 30% so năm trước và chỉ đạt 67% kế hoạch đề ra. ABBank đạt 513 tỷ đồng, giảm 69,6% so với năm 2022, cũng không hoàn thành mục tiêu đề ra. Lợi nhuận trước thuế của BVBank đạt 72 tỷ đồng, giảm 84% so với năm trước và chỉ thực hiện được 55% kế hoạch đề ra…
Mùa công bố BCTC kiểm toán 2023 vừa qua, khiến thị trường cảm thấy bất ngờ khi có đến 10 NH bị giảm lợi nhuận trên BCTC kiểm toán so với báo cáo tự lập. Mức lợi nhuận của nhóm này bị giảm tổng cộng khoảng 1.325 tỷ đồng so với trước khi kiểm toán.
Trong số đó, OCB là nhà băng có mức chêch lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán đáng chú ý trong đợt công bố BCTC kiểm toán 2023 này. So với báo cáo quản trị, lợi nhuận trước thuế của OCB giảm 1.088 tỷ đồng, xuống 4.139 tỷ đồng. Với kết quả này, OCB có năm thứ 2 liên tiếp sụt giảm lợi nhuận khi chỉ hoàn thành 69% kế hoạch năm 2023. Những vấn đề về lợi nhuận nói trên chỉ được giải quyết bằng các văn bản giải trình thô sơ từ ban lãnh đạo NH và được cho qua.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, bởi lẽ nhà đầu tư và cổ đông tại Việt Nam thường không đặt nặng vấn đề phán xét các dự báo với con số đạt được, không xem đó là thước đo về sức khỏe nhà băng, và dễ dàng chấp nhận các giải trình của nhà băng về sai lệch đó.
Trong khi đó ở Mỹ, các dự báo này sẽ được theo dõi chặt chẽ, nếu tổ chức tín dụng không đạt kế hoạch là một cảnh báo “có vấn đề”. Thêm nữa, đối với các NH Việt Nam, hệ thống bút toán trên sổ kế toán có thể điều chỉnh dễ dàng.
Riêng với lợi nhuận, dự phòng rủi ro như là cái van để họ có thể điều chỉnh. Cụ thể nếu muốn tăng lợi nhuận, NH sẽ giảm dự phòng, và ngược lại tăng dự phòng để giảm lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận