24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo Chiến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển “neo” cao

Cước vận tải vẫn leo thang, giúp các doanh nghiệp ngành logistics, trong đó có cảng biển hưởng lợi lớn.

Giá cước tăng, nhu cầu lớn

Ngày 14/10/2021, Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã HAH) đã công bố biểu giá cước mới, áp dụng từ ngày 1/11/2021 với mức giá tăng mạnh. Chẳng hạn, cước vận chuyển container 20 feet từ Cái Mép đi Đà Nẵng là 8 triệu đồng/container, tăng gấp đôi so với giá cước tại thời điểm 1/1/2021.

Với tuyến vận tải Hải Phòng đi TP.HCM, cước container 20 feet tăng 17,6%, còn container 40 feet tăng 20%. Ở chặng ngược lại, từ TP.HCM đi Hải Phòng, giá cước thuê 1 container 40 feet đã tăng từ 5,6 triệu đồng hồi đầu năm lên 10 triệu đồng vào tháng 11/2021.

Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, Công ty đã tiến hành điều chỉnh giá cước tới 2 lần. Trước đó, ngày 28/9/2021, HAH đã công bố biểu giá cước vận tải quý III với mức tăng trung bình 46%, áp dụng từ ngày 13/10/2021. Điều này phản ánh nhu cầu vận tải container mạnh mẽ trong quý IV khi hoạt động sản xuất – kinh doanh dần phục hồi, giao thương được đẩy mạnh. Mức tăng giá cước diễn ra trên diện rộng, trong đó tập trung ở tuyến Nam - Bắc, mỗi tuyến tăng từ 70 - 160% so với đầu năm.

Giá cước tăng do nhu cầu vận tải container tăng mạnh trong quý IV khi hoạt động sản xuất đang được phục hồi sau đợt giãn cách vừa qua.

Nguồn cung container trong nước khan hiếm do thiếu tàu, nhiều tàu container trong nước đã được cho thuê ra thị trường quốc tế trong năm nay.

Việc tăng giá cước vận tải sẽ giúp HAH bù đắp được chi phí nhiên liệu tăng mạnh trong thời gian qua, đồng thời cải thiện biên lợi nhuận của Công ty.

HAH đã bổ sung 2 tàu và đóng mới 2 tàu từ tháng 9/2021. Kể từ quý IV/2021, số lượng tàu cho thuê của HAH sẽ tăng từ 2 lên 3 tàu, trong khi số lượng tàu tự vận hành sẽ giảm từ 6 xuống 5 tàu, giúp Công ty giảm thiểu rủi ro liên quan tới biến động giá xăng dầu.

Sự thay đổi trong cơ cấu đội tàu này cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận do các tàu cho thuê hoạt động hiệu quả hơn.

Tại Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD), sản lượng hàng hóa qua cảng Gemadept sụt giảm trong quý III, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh và các lệnh giãn cách xã hội trong suốt quý tại các tỉnh phía Nam.

Tuy vậy, các cảng của GMD đang chạy hết công suất khi bước vào quý IV. Trong khi đó, khu vực cảng Cái Mép vẫn duy trì tăng trưởng tích cực trong quý III và sản lượng qua cảng Gemalink tăng đúng tiến độ. Cảng Hải Phòng cũng cung cấp dịch vụ mới, giúp bù đắp cho mức giảm một số cảng tại khu vực phía Nam.

Kết quả kinh doanh khởi sắc

Giá cước vận tải biển, cũng như phí dịch vụ tại cảng tăng cao trong thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp cảng biển ghi nhận lợi nhuận rất tích cực trong 9 tháng đầu năm nay.

Tới thời điểm này, HAH chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2021, nhưng theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, ước tính, trong quý này, HAH đạt 80 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 250% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với việc ghi nhận hơn 173 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm, ước tính HAH đạt 253 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm.

SSI dự phóng, năm nay, HAH đạt lợi nhuận 330 tỷ đồng, tăng 139% so với năm ngoái.

Lợi nhuận quý IV của Công ty dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhờ tăng giá cước áp dụng từ tháng 10 và các hợp đồng cho thuê tàu mới với giá thuê tàu cao hơn. SSI dự phóng, năm nay, HAH đạt lợi nhuận 330 tỷ đồng, tăng 139% so với năm ngoái.

Gemadept cũng được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 46% trong năm 2021. GMD có những yếu tố riêng thu hút nhà đầu tư.

Cảng nước sâu Gemalink đã được cấp giấy phép khai thác chính thức với năng lực tiếp nhận đồng thời 2 tàu mẹ có tải trọng lên đến 200.000 DWT. Cảng đáp ứng nhu cầu neo đậu của các hãng tàu lớn và xu thế dịch chuyển nguồn hàng đến khu vực cảng Cái Mép. Đây sẽ là dư địa lớn cho đà tăng trưởng của Công ty trong tương lai.

Gemadept đang tích cực triển khai thu xếp nguồn vốn để có thể đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng giai đoạn 2 của dự án cảng Gemalink trong quý IV/2021, mục tiêu đưa giai đoạn 2 vào khai thác từ năm 2023 với công suất bổ sung thêm 900.000 TEU sản lượng. GMD kỳ vọng cảng Gemalink sẽ tạo nên kỳ tích mới của Công ty từ năm 2022.

Năm 2021, Gemadept đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 37% so với mức thực hiện trong năm 2020.

Chuyên gia phân tích SSI cho rằng, Gemadept sẽ hưởng lợi từ đà phục hồi của nền kinh tế trong quý IV, dự phóng lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 762 tỷ đồng, tương ứng tăng 49% và trong năm 2022 là 1.037 tỷ đồng, tương đương mức tăng 36% so với năm nay.

Gemadept nằm trong nhóm doanh nghiệp vận tải hưởng lợi nhờ thị trường vận tải biển nóng lên. Công ty đang tăng cường cho thuê tàu để hưởng lợi giá cho thuê tăng cao.

Nằm trong vùng tâm dịch, Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai (mã PDN) vừa trải qua một quý kinh doanh suy giảm, với doanh thu đạt 211,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,7% và 22% so với cùng kỳ.

Theo PDN, việc nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp trong vùng dịch phải hoạt động “3 tại chỗ” khiến công suất giảm đã khiến sản lượng container hàng về cảng giảm mạnh.

Tuy vậy, theo PDN, việc thiếu hụt container rỗng một số khách chuyển sang đi tàu rời làm tăng nhu cầu thị trường khai thác hàng tổng hợp, cộng với lượng khách hàng truyền thống được ổn định, ngành hàng tổng hợp tăng 6,48%.

Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt 678,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế 129,7 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Hiện nay, dịch bệnh dần được kiểm soát, các doanh nghiệp đang khôi phục dần sản xuất, PDN kỳ vọng sẽ có một quý IV kinh doanh triển vọng hơn.

Cổ phiếu cảng biển trong tầm ngắm nhà đầu tư

Với những diễn biến tích cực về hoạt động kinh doanh, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp logistics, trong đó có cảng biển, vận tải biển đã tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay.

Dù có nhịp điều chỉnh trong tuần qua sau giai đoạn tăng nóng, song cổ phiếu HAH đóng cửa phiên cuối tuần qua ở mức 69.900 đồng, tăng 8.000 đồng/cổ phiếu so với 1 tháng trước, tương đương mức tăng 11,5%.

Cùng giai đoạn này, giá cổ phiếu GMD tăng từ 47.500 đồng/cổ phiếu lên 49.700 đồng/cổ phiếu, có thời điểm tăng lên 51.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu SGP cũng có đợt tăng khá tốt trong gần 1 tháng qua, từ mức 34.500 đồng/cổ phiếu lên 38.200 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần qua...

Việt Nam đang trở thành công xưởng của thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh qua mỗi năm, do vậy, ngành cảng biển, xếp dỡ, kho vận có dư địa tăng trưởng mạnh.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sau đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, ngành cảng biển, kho vận tiếp tục nổi lên là ngành có triển vọng sáng về tăng trưởng lợi nhuận trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu cảng biển đang trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư trong chiến lược chọn hàng cho quý VI.

“Tuy nhiên, thị giá một số cổ phiếu nhóm này đã được định giá ở mức cao. Bên cạnh đó, lợi nhuận trong nhóm ngành này có phân hóa, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi chọn mã đầu tư”, anh Phạm Hà, nhà đầu tư có kinh nghiệm khuyến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả