Lợi nhuận cao "gánh" chi phí dự phòng ngân hàng đối mặt với nợ xấu
Nỗi lo về đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang được các ngân hàng “hóa giải”, khi chưa hết tháng 6 nhưng đã có nhà băng ước tính lợi nhuận quý II cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, các chuyên gia nhận định, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý II/2021 sẽ tốt. Tuy nhiên, với tác động của đợt Covid-19 mới, nợ xấu có thể trở nên đáng quan ngại hơn. Vì thế, nợ xấu năm nay sẽ khó "đẹp" như năm 2020.
Theo một số lãnh đạo ngân hàng, bước chuyển nhóm nợ đã bắt đầu có sự dịch chuyển theo quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN và được giãn lộ trình trích lập trong vòng 3 năm. Cụ thể, các ngân hàng trích lập dự phòng 30% trong năm nay, 60% cho năm sau và đến năm 2023 thì trích lập hết.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết sẽ "phân bổ" nợ xấu theo hướng chuyển nhóm dần trong năm để có tỷ trọng vừa đúng thực tế, vừa khớp quy định phân loại và trích lập cho các nhóm nợ. Bên cạnh đó, việc tăng dự phòng ở thời điểm hiện tại để hạn chế tác động khi nợ xấu gia tăng trong tương lai là một chính sách thận trọng cần thiết mà các nhà băng sẽ thực hiện ngay trong quý II.
Các chuyên gia công ty chứng khoán Yuanta kỳ vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý II/2021 sẽ tốt, nhưng không cao như quý I do dự phòng được dự báo sẽ gia tăng so với quý trước.
GS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang quay lại, các ngân hàng phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận, tăng cường trích lập dự phòng để tăng sức chống chịu trong tương lai”. Đồng thời khẳng định, các nhà băng có lợi nhuận cao nhờ tăng trưởng mạnh là điều kiện thuận lợi để tăng trích lập dự phòng những quý tới.
Thực tế, tính đến hết quý I/2020, các ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (280%) cao hơn khối ngân hàng ngoài quốc doanh (50 - 70% ở nhóm quy mô nhỏ và 100 - 150% ở nhóm quy mô lớn).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận