Lợi nhuận bank "khủng" vì chênh lệch lãi
Theo thống kê chưa đầy đủ của VnBusiness dựa trên báo cáo tài chính 6 tháng năm 2021, tổng lợi nhuận trước thuế của 14 ngân hàng đạt trên 41.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất, đặc biệt là lãi suất tiền gửi xuống rất thấp, nhưng lãi suất cho vay thì giảm chưa nhiều, nên chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn khá cao. Đây cũng chính là một trong những yếu tố giúp lợi nhuận ngân hàng tăng “phi mã”.
Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm lại thuộc về các ngân hàng có quy mô nhỏ. Trong đó, KienLongBank là nhà băng gây bất ngờ nhất khi ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 682%, báo lãi trước thuế 806 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của Kienlongbank thậm chí tăng tới 1.323% so với lũy kế 6 tháng năm 2020.
Tiếp theo là NCB ghi nhận mức tăng lợi nhuận đạt 447,8%; VietCapital Bank tăng 443,5%...
Trong số các ngân hàng được thống kê, chỉ duy nhất Saigonbank đạt mức tăng trưởng chưa đến 10%, đạt 137 tỷ đồng trước thuế, trong khi nửa đầu năm ngoái lãi 125 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, 3 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong số 14 ngân hàng được thống kê là Techcombank với 11.536 tỷ đồng. Tiếp theo là VPBank và MB với lãi trước thuế lần lượt là hơn 9.000 tỷ và gần 8.000 tỷ đồng.
Trong khi các ngân hàng báo lãi lớn, mỗi ngày vẫn có tới gần 400 doanh nghiệp rời khỏi thị trường vì khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ đầu năm đến nay.
Cũng cần nói thêm rằng, trong một tháng gần đây, các ngân hàng đã có nhiều gói cho vay với lãi suất giảm, là tín hiệu tích cực với khách hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất cần thêm "máy trợ thở", đó là các chính sách được thực hiện hiệu quả và cụ thể hơn, đến đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Đề cập tới việc liệu ngân hàng lãi lớn có phản cảm trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay hay không, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulight Việt Nam cho rằng, nên nhìn nhận ngân hàng hoạt động tốt là điểm tích cực.
Bởi lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế mà khủng hoảng xảy ra nhưng ổn định vĩ mô và sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững. Các tổ chức tài chính cũng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Theo chuyên gia này, lợi nhuận và lãi suất là câu chuyện thị trường, không thể ép được các ngân hàng phải hỗ trợ, chia sẻ. Điều quan trọng là các ngân hàng vẫn huy động và phân bổ được vốn cho nền kinh tế. “Nếu ngân hàng đứng vững mạnh, đảm bảo thanh khoản, doanh nghiệp có được dòng tiền, ngân hàng khỏe mạnh sẽ tiếp tục cung ứng được vốn cho doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận