Lời khuyên tài chính cho giới trẻ cho năm 2023
Bên cạnh sự nghiệp, đời sống cá nhân, tài chính cũng là khía cạnh cần được lập kế hoạch nghiêm túc. Bạn nên học cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư trong năm 2023.
Bước sang năm mới, mọi người có cần dành thời gian xây dựng kế hoạch cho nhiều khía cạnh cuộc sống. Đặc biệt, tài chính là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Đối với Gen Z, thật không dễ dàng khi nghĩ đến việc lên kế hoạch tài chính. Khi những người trẻ bắt đầu đi làm và xây dựng sự nghiệp cũng là lúc thị trường chứng khoán và trái phiếu biến động mạnh, suy thoái kinh tế rình rập, tiền lương không theo kịp lạm phát, lãi suất và nợ thẻ tín dụng tăng, chi phí nhà ở cũng tăng lên và tiền tiết kiệm hưu trí ngày càng bị xói mòn.
Các cố vấn cho biết, đầu năm mới là thời điểm tốt để kiểm tra sức khoẻ tài chính. Họ khuyên người trẻ phác thảo một lộ trình cân bằng các mục tiêu tiền bạc trước mắt, đồng thời lưu tâm đến việc tiết kiệm tiền nghỉ hưu cho dù là còn hàng chục năm nữa.
Bảng cân đối thu chi cá nhân
Đây là bước đầu tiên để bạn bắt đầu quá trình quản lý túi tiền. Có hai nội dung cần được chú ý, gồm tạo bảng cân đối thu chi cá nhân và tuân theo kế hoạch đã đề ra.
Cố vấn tài chính Dustin Smith của công ty Wealth Enhancement Group cho biết ngày nay, mọi người hiếm khi cùng lúc xem xét tất cả thu nhập, khoản đầu tư và chi tiêu của họ. Ông cho rằng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định tài chính nào, Gen Z cần hiểu biết thấu đáo và toàn diện về tình hình của bản thân. Điều đó liên quan đến việc cẩn thận lập danh sách các giao dịch và đặc biệt chú ý đến những vấn đề như lãi suất và các khoản đăng ký định kỳ.
Phó chủ tịch và giám đốc điều hành Bill McManus tại Hartford Funds cho biết, người trẻ cũng nên tính trước những khoản chi lớn trong tương lai, chẳng hạn như chuyển nhà hoặc đi du lịch, đồng thời xây dựng các kế hoạch tiết kiệm ngắn hạn phù hợp.
Tập trung trả nợ
Nợ cá nhân từ các khoản vay sinh viên hoặc thẻ tín dụng không chỉ là một căng thẳng về tài chính, nó ảnh hưởng đến điểm tín dụng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng đăng ký thẻ tín dụng và thế chấp khác. Vì thế, những người trẻ muốn trả nợ nên tập trung vào những gì có lãi suất cao nhất.
Lãi suất trung bình cho thẻ tín dụng đã tăng trên 19% trong năm nay, do Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh nhằm chống lại lạm phát. Các kế hoạch tài chính ngắn hạn như mua ngay, trả sau (BNPL) có thể khiến khoản vay tích tụ nhanh chóng và gây ảnh hưởng điểm tín dụng.
Tiếp theo, mỗi người nên bắt đầu bằng cách thiết lập kế hoạch thanh toán nợ. Cá nhân cần tự cam kết tuân thủ nhiệm vụ trong suốt cả năm. Bên cạnh đó, hãy cân nhắc nhận thêm vài công việc phụ để tăng thu nhập, nếu khoản vay còn quá cao.
Có thể cảm giác thoải mái sẽ vơi đi vì bạn không được sắm sửa nhiều thứ mình muốn. Song, sự tự do, tự tin sau khi hoàn tất việc trả nợ là kết quả xứng đáng.
Chăm tích lũy và phòng trừ rủi ro
Hãy học cách tiết kiệm thay vì thả trôi mình theo dòng chảy của tiền. Theo nhiều chuyên gia tài chính, bạn cần trích ít nhất 10% thu nhập mỗi tháng cho quỹ này. Bắt đầu càng sớm, bạn càng có thêm nhiều thời gian để làm quen, cũng như hình thành kỷ luật vững vàng trong quản lý chi tiêu.
Ngoài ra, cá nhân có thể áp dụng cách tiết kiệm dựa trên mục tiêu, gồm ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ, mục tiêu ngắn hạn có thể là mua một chiếc ôtô trong hai năm nữa.
Tương tự, định hướng dài hạn là có quỹ hưu trí để dưỡng già, hạn chế lệ thuộc cháu con. Quan trọng nhất, bạn cần xác lập mục tiêu dựa trên nguyện vọng thực tế. Có như vậy, động lực tích cóp mới thực sự rõ ràng và mạnh mẽ.
Đừng quên lập quỹ khẩn cấp cho riêng mình. Phần tiền này sẽ giúp bạn xoay xở trong các trường hợp cấp bách: đau ốm, dịch bệnh hay thất nghiệp đột ngột. Ngoài ra, bạn cũng đỡ phải lạm dụng thẻ tín dụng, tránh được cảnh lao đao vì lãi suất cao, trễ hạn trả nợ.
Kế hoạch nghỉ hưu
Tại Mỹ, nhiều công ty tự động đăng ký cho nhân viên tham gia kế hoạch tiết kiệm hưu trí 401(k) hoặc 403(b). Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lập kế hoạch tài sản Maria Bruno tại Vanguard nói rằng người trẻ nên tận dụng tối đa quyền lợi tại các công ty đó.
Trong điều kiện lý tưởng, mọi người sẽ đặt 10% đến 15% thu nhập hàng tháng vào tài khoản tiết kiệm. Nếu điều đó không khả thi trong hiện tại, 1% đến 2% cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong thời gian dài, các cố vấn cho biết.
Đa dạng hoá kênh đầu tư
Thực tế, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được mục tiêu tài chính nếu chỉ tập trung tiết kiệm. Thay vào đó, hãy bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào đầu tư.
Nên dành thời gian tìm hiểu, lựa chọn kênh đầu tư dựa trên khả năng chịu rủi ro, nguồn vốn, tính thanh khoản và khả năng sinh lợi. Đối với những người muốn đầu tư, quyết định quan trọng nhất cần đưa ra là phân bổ tài sản. Đặc biệt là phân bổ khoản đầu tư trái phiếu có xu hướng ổn định và cổ phiếu có xu hướng rủi ro hơn nhưng mang lại lợi nhuận cao.
Nếu chưa chắc chắn, bạn có thể cân nhắc bắt đầu với chứng chỉ quỹ hoặc mua bảo hiểm. Trong khi đó, bất động sản, quỹ mở, ETF hoặc Fintech thuộc nhóm rủi ro từ trung bình đến cao.
Quan trọng nhất, đừng “bỏ trứng vào một giỏ”. Nghĩa là bạn cần đa dạng hóa kênh đầu tư. Nhờ đó, chúng ta có thể dàn trải rủi ro và tránh bị động khi có biến cố tài chính.
Đồng thời, kiến thức vững chắc là yếu tố không thể bỏ qua. Trước khi nghĩ đến chuyện làm giàu, bạn cần dành thật nhiều thời gian nghiên cứu, nhằm tránh cảnh thất thoát tài chính, bị lừa đảo.
Cuối cùng, một chuyên gia, cố vấn tài chính sẽ phù hợp với người mới bắt đầu hành trình quản lý túi tiền. Họ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về mục tiêu tài chính và cuộc sống của bạn, sau đó đưa ra gợi ý về cách đạt được chúng. Nhờ đó, mức độ rủi ro sẽ được hạn chế phần nhiều và bạn sẽ thuận lợi hơn trong đa số quyết định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận