menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Thế Kiên

Lợi ích kép khi đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

Cùng với việc thúc đẩy kinh tế hộ phát huy tốt những tiềm năng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ khuyến khích hộ kinh doanh phát triển tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp.

Sáng nay 20/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội 14 sẽ thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hộ kinh doanh là không phải bàn cãi, nhưng vẫn đang có những băn khoăn việc đưa hay không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.

Lợi ích kép khi đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

- Vậy theo ông, vì sao đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều?

Trước khi bàn về việc đưa quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp hay ra một Luật riêng, tôi khẳng định đó chỉ là vấn đề mang tính chất kỹ thuật. Kể cả như một Luật riêng hay một Nghị định cũng chỉ mang tính chất kỹ thuật. Vấn đề quan trọng nhất, mang tính cốt lõi là những quy định về hộ kinh doanh cụ thể như thế nào và có ý nghĩa gì? Đó mới là điểm cần thiết để bàn.

Lần sửa đổi Luật này, tất cả các ý kiến Đại biểu Quốc hội đều đồng thuận rằng cần thiết phải hoàn thiện các quy định về hộ kinh doanh. Bởi hộ kinh doanh cũng là một hình thức tổ chức kinh doanh, bản thân chữ “doanh nghiệp” trong Luật Doanh nghiệp là danh từ chung để chỉ các hình thức tổ chức kinh doanh ví dụ như công ty, doanh nghiệp tư nhân... Vì thế, nếu như chúng ta nhìn vào hình thức tổ chức kinh doanh thì hộ kinh doanh hay công ty cũng đều là một hình thức kinh doanh, hộ kinh doanh cũng tương tự như các hình thức tổ chức kinh doanh khác.

Cùng với đó, khu vực này đang đóng góp tới 30% GDP, tuy nhiên lại phải chịu những quy định “kìm kẹp” như chỉ được kinh doanh trong một quận huyện, chỉ được phép có tối đa 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, không có quy định về thủ tục giải thể, phá sản và không được hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Do đó, yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hộ kinh doanh là không phải bàn cãi, nhưng vẫn đang có những băn khoăn việc đưa hay không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.

- Nếu nói vậy thì quan điểm của ông là đồng tình hay không, thưa ông?

Xét trong bối cảnh này thì việc đưa vào chung Luật Doanh nghiệp hay tách ra thành Luật riêng không phải là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là trong giai đoạn trước mắt, để xây dựng một Luật riêng có lẽ phải mất đến 3-5 năm. Trong khi đó, tại thời điểm này chúng ta sửa đổi Luật Doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có cơ hội, không bị hạn chế khi đưa hộ kinh doanh vào quy định trong một chương của Luật Doanh nghiệp về một hình thức tổ chức kinh doanh.

Trước đây, chúng ta đã từng có Luật công ty riêng và Luật Doanh nghiệp tư nhân riêng năm 1990, sau đó thì ta lại nhập hai Luật này thành Luật Doanh nghiệp. Chúng ta cũng từng có Luật Đầu tư nước ngoài riêng và Luật Doanh nghiệp Nhà nước riêng, cũng là hình thức tổ chức kinh doanh, sau đó chúng ta lại nhập vào chung một Luật Doanh nghiệp vào năm 2005 để thống nhất với hình thức “một luật quy định về các hình thức tổ chức kinh doanh”. Như vậy, nếu như xét về hình thức tổ chức kinh doanh thì tôi thấy rằng việc đưa vào Luật Doanh nghiệp rất hợp lý.

Điều này không trái với Hiến pháp mà thực sự lại rất phù hợp với Hiến pháp vì mọi quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư dưới bất kể hình thức tổ chức kinh doanh thì cần phải được bảo hộ ở mức độ cao nhất là Luật. Điều này vừa tạo sự bình đẳng vừa tạo với mức độ bảo hộ cao nhất để nhà đầu tư yên tâm.

-Còn các quy định mà ông cho rằng minh bạch, mở đường cho hộ kinh doanh được quy định thế nào trong chương về hộ kinh doanh trong lần sửa đổi này?

Lần này, nếu như nhìn vào bản chất các quy định về hộ kinh doanh, chúng ta phải thấy rằng, thứ nhất là không làm chủ hộ kinh doanh bất lợi thêm. Mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để có thể phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích của nó. Vậy có hai cách để thực hiện điều này, một là làm cho địa vị pháp lý của hộ kinh doanh rõ ràng hơn về mặt trách nhiệm với bên thứ ba. Điều này có nghĩa rằng hộ kinh doanh khi hoạt động kinh doanh cũng yên tâm và bên thứ ba khi giao dịch với hộ kinh doanh cũng yên tâm.

Thứ hai, là xóa bỏ những hạn chế về quyền kinh doanh. Trước đây chúng ta hạn chế về quyền kinh doanh khi đối xử với hoạt động kinh doanh theo hình thức tổ chức kinh doanh, như vậy là không phù hợp. Gây ra một số nguồn lực đầu tư hình thức hộ bị hạn chế về quyền kinh doanh, về số lao động…hộ kinh doanh không phát huy được tối đa, mình gỡ bỏ hết có nghĩa rằng đảm bảo nguyên tắc mọi nguồn lực đầu tư dưới bất kể một hình thức tổ chức kinh doanh đó là gì là công ty doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh… đều phải có cơ hội tối đa để phát huy lợi ích hợp pháp của mình.

-Bên cạnh minh bạch khu vực kinh tế hộ, quy định trên sẽ thúc đẩy khu vực đóng góp 30% GDP như thế nào, thưa ông?

Khi mở ra như vậy thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hộ. Như vậy thì chúng ta nhìn thấy tác động tác động kép, một là hộ kinh doanh nó sẽ phát huy tốt hơn cái mà bộ đang làm như vậy thì ngay cả những hộ mà họ vẫn duy trì hộ, họ sẽ có thể có được cơ hội phát triển hơn.

Nhưng ngược lại, thì tác động kép thứ hai là đối với một hộ mà khi họ phát triển lên một quy mô mà tính chất phức tạp hoạt động kinh doanh nó gia tăng tỷ lệ là động lực để thúc đẩy thành lập các hình thức tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp hơn, phù hợp với xu thế quốc tế.

Còn nếu như chúng ta cứ đặt ra và duy trì khung pháp lý hạn chế nó, duy trì nó nhỏ bé thì chúng ta không đạt được mục tiêu của Chính phủ là vừa tạo môi trường kinh doanh để phát huy tối đa các nguồn lực mà lại vừa không tạo ra khuyến khích để các hộ có thể phát triển mức độ cao hơn mức độ quản trị chuyên nghiệp hơn với mức độ kinh doanh đa dạng ngành nghề.

- Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại