Lợi - hại nếu doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu
Chuyên gia cho rằng doanh nghiệp xăng dầu tự quyết giá bán sẽ tạo cạnh tranh, nhưng cần cơ chế kiểm soát để tránh tăng sốc, ảnh hưởng người tiêu dùng.
Tại dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế các nghị định hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không điều hành giá mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế, phí). Dựa trên dữ liệu trên, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tự tính giá bán tối đa (giá trần). Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức trần này.
Bộ Công Thương cho rằng, để doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán sẽ tạo môi trường cạnh tranh theo cơ chế thị trường, giúp họ linh hoạt và tự chủ trong định giá. Cơ chế giá này cũng nhằm mục tiêu tiến dần hơn với thị trường.
Hiện, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức, thông số tính toán giá xăng dầu cơ sở. Giá bán lẻ là mức tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá cơ sở. Cách này, theo Bộ Công Thương là "can thiệp quá sâu" vào quyết định giá của doanh nghiệp.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), đồng tình việc này sẽ tránh tình trạng giá trong nước không cập nhật theo giá thế giới, không "tính đúng, đủ" khiến doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc chiết khấu thấp, cũng như tạo rủi ro tiềm ẩn cho thị trường như thời gian qua.
Theo ông Bảo, điểm khác cơ bản nhất ở dự thảo là trong công thức tính, giá xăng dầu nhập khẩu, chi phí vận chuyển là giá thế giới, được cập nhật mới nhất, thay vì cách tính từ các chi phí thực tế do Nhà nước tính toán trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp như trước.
Còn lại, theo một số chuyên gia, cơ chế điều hành giá tại dự thảo về bản chất không khác nhiều hiện hành. "Nhà nước vẫn đưa ra mức giá tối đa, doanh nghiệp căn cứ vào đó, tự tính toán và công bố giá bán lẻ", ông Bùi Ngọc Bảo nói với VnExpress.
Chủ tịch VINPA nói thêm, về mặt hình thức các hệ thống kinh doanh sẽ phải tính tỷ lệ chi phí và lợi nhuận dựa trên định mức tối đa Nhà nước quy định. Ông dẫn ví dụ, Nhà nước có thể đưa ra định mức 10%, doanh nghiệp tính toán tỷ lệ phù hợp dưới con số này.
Nhân viên một cây xăng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) chuẩn bị thay bảng giá, ngày 27/4/2020. Ảnh:
Cùng quan điểm, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú phân tích doanh nghiệp đầu mối được trao quyền quyết định giá bán, nhưng chi phí, lợi nhuận định mức vẫn thuộc Nhà nước quản lý. Như vậy, theo ông, cách điều hành giá xăng dầu sẽ theo kiểu "cho bơi, nhưng trói bớt một chân lại".
Để giá xăng dầu thực sự theo cơ chế thị trường, ông Vũ Vinh Phú cho rằng Nghị định mới phải "cởi trói" và có các giải pháp đột phá hơn. Ông đề xuất cơ quan quản lý chỉ nên quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, thuế phí, còn doanh nghiệp sẽ tự đưa ra cách tính và mức giá bán trên thị trường.
"Mỗi doanh nghiệp có cách quản lý, bán hàng riêng để bán được nhiều hàng, bảo đảm duy trì hoạt động", ông nói, đề xuất cho thí điểm triển khai trước khi mở cửa hoàn toàn với mặt hàng này. Ông dẫn ví dụ với mở cửa mặt hàng gạo trước đây. Gạo là mặt hàng thiết yếu, khi cho kinh doanh theo thị trường, doanh nghiệp vẫn sống khỏe, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Xuất khẩu hàng năm tăng nhưng an ninh lương thực vẫn đảm bảo.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), nói tăng tính tự chủ và giảm can thiệp của Nhà nước, để doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tự quyết giá bán sẽ tạo cơ chế cạnh tranh tốt hơn. Việc này cũng giúp gia tăng áp lực buộc các đầu mối tiếp tục giảm chi phí, bảo vệ tốt hơn các doanh nghiệp ở cuối chuỗi giá trị, nhất là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ.
Các chuyên gia cũng lo ngại câu chuyện về đảm bảo kinh doanh lành mạnh, độc quyền nếu trao quyền cho các đầu mối xăng dầu tự quyết giá. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, với một số đơn vị đầu mối chi phối thị trường từ khâu nhập khẩu đến bán lẻ, cơ chế mới như đề xuất chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề thị trường xăng dầu hiện nay.
"Nếu trao quyền quyết định giá bán cho đầu mối, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, kịp thời để bảo đảm giá mặt hàng này không tăng "sốc", ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng", ông nhấn mạnh.
PGS. TS Ngô Trí Long cũng nhìn nhận hiện một số doanh nghiệp giữ vị thế thống lĩnh thị trường sẽ tạo "luật chơi" riêng khi được trao thêm quyền. "Như vậy, mục tiêu tạo ra sự cạnh tranh, tăng công khai, minh bạch trên thị trường khó đạt được", ông nói.
Về phía doanh nghiệp bán lẻ, họ lo ngại bị chèn ép nếu trao quyền cho doanh nghiệp đầu mối quyết định giá, mà không có quy định ràng buộc. Theo quy định hiện hành, chi phí kinh doanh định mức trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu gồm khâu bán buôn và lẻ, nhưng không phân định rõ tỷ lệ phân chia là bao nhiêu. Việc này dẫn tới thực tế doanh nghiệp đầu mối chia không đều, hạ mức chiết khấu của khâu bán lẻ xuống rất thấp, có thời điểm bằng 0 như hồi đầu 2022.
Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiến Thắng (Yên Bái), nói mức thù lao bán hàng của doanh nghiệp bán lẻ như tại dự thảo vẫn dựa vào tính toán của thương nhân đầu mối và phân phối. "Doanh nghiệp bán lẻ dường như bị bỏ quên quyền lợi trong dự thảo nghị định này", bà nói.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ tại TP HCM đề xuất có chiết khấu cố định tối thiểu 5% trong cơ cấu giá bán để họ không bị rơi vào cảnh "lỗ vẫn phải bán". Theo đại diện này, khoản chiết khấu cố định giúp họ trang trải chi phí về mặt bằng, nhân công, lãi vay ngân hàng, điện nước, bảo dưỡng thiết bị và có thêm khoản lợi nhuận tối thiểu duy trì hoạt động.
Hiện một số nước như Singapore, Ấn Độ cho doanh nghiệp tự tính giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Chính phủ Singapore không can thiệp trực tiếp vào giá khi cần họ sẽ sử dụng biện pháp tài khóa để hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng. Tại Ấn Độ, giá dầu diesel, xăng được cập nhật hàng ngày, doanh nghiệp điều chỉnh giá vào 6 giờ sáng trên cơ sở nhiều yếu tố như giá quốc tế, thuế, phí.
Ngược lại, tại Campuchia và Trung Quốc, Nhà nước quản lý giá xăng dầu bằng cách ấn định giá trần và theo công thức tính giá cơ sở.
Khi giá xăng dầu biến động bất thường, Chính phủ Hàn Quốc có thể thực hiện cơ chế giá trần hoặc công bố giá cố định. Tại Campuchia, Bộ trưởng Thương mại có thể ra thông báo ngay lập tức về quy định giá bán lẻ cho các công ty xăng dầu trong 10 hoặc 15 ngày một lần nếu cần thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận