24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
An Bang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lợi - hại khi để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu

Trao quyền tự quyết giá xăng dầu cho các doanh nghiệp liệu có tạo ra sự cạnh tranh hay chỉ tạo cơ hội để doanh nghiệp tăng giá?

Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế. Đây là một trong những điểm mới được nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Lý do là để đưa giá xăng dầu dần về sát với thị trường, giảm dần sự can thiệp Nhà nước, đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh của từng doanh nghiệp hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.

Ủng hộ đề xuất này, độc giả Linhufo phân tích: "Nên để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu. Có thể sẽ mỗi nơi một giá, cao - thấp khác nhau chút ít, nhưng sẽ có sự cạnh tranh và các doanh nghiệp cũng sẽ có trách nhiệm hơn. Như vùng tôi đang làm việc, tất cả các cây xăng đều đóng cửa sau 21h, chưa kể rất nhiều cây xăng đóng cửa tầm 19h. Sau giờ đó, một số cửa hàng tư nhân bán xăng với giá cao. Người dân vẫn phải cắn răng mà mua vì cách đó 10 km mới có cây xăng khác.

Tôi đọc thấy các bạn sợ doanh nghiệp họ bán giá cao ở vùng ít cây xăng, nhưng trong một nền kinh tế thị trường và nhất cử nhất động của doanh nghiệp đều được phản ánh chỉ bằng một cú nhấp chuột thì đó chỉ là 'lo bò trắng răng'. Và nên nhớ xăng dầu vẫn được điều hành bởi cơ quan quản lý, nên không cần quá lo lắng".

Đồng quan điểm, bạn đọc Trungsubasa đánh giá: "Đề xuất này là một điểm sáng trong kinh doanh xăng dầu ở nước ta, vì đây là một mặt hàng thiết yếu, đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống hằng ngày nói riêng và trong nền kinh tế nước nhà nói chung. Việc các doanh nghiệp được điều chỉnh mức giá xăng dầu sẽ tác động tích cực vào thị trường, giúp giá cả cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng, mà vẫn đảm bảo được nguồn lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp. Mặt khác, đối với các đại lý bán lẻ, đây cũng là một cơ hội để nắm bắt thị trường qua yếu tố bên ngoài và chất lượng dịch vụ như: vị trí địa lý, thái độ phục vụ của nhân viên...".

Đó cũng là nhận định của độc giả Songlong: "Nếu nhà nước trao quyền, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn, giảm tình trạng thua lỗ. Nhà nước đã công bố một số thông tin cơ bản như giá nhập khẩu, các loại thuế phí..., doanh nghiệp cần tính toán các chi phí của riêng họ, cộng thêm vào để đưa ra mức giá bán hợp lý.

Doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài thì cũng không phải muốn bán giá nào cũng được, vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, giá bán được công khai, người dân không quá khó khăn trong việc tìm hiểu và so sánh giá. Cho nên, doanh nghiệp nào làm ẩu là 'cạp đất' ngay". Cây xăng nhan nhản ngoài đường, nếu cây xăng bán giá cao hơn giá của các cây xăng gần đó thì ai vào mua? Rồi cứ như vậy thì cây xăng đó lời hay lỗ?

Ngoài ra, việc cây xăng thay đổi giá bán (lên hoặc xuống) cũng phải báo cáo Liên bộ Công thương để giám sát. Tức là việc họ có thể bán được giá trên trời mà họ mong muốn hay không thì đó lại là vấn đề. Ví dụ trong cùng một xã, một huyện hay một khu vực, một cây xăng tháng tới vẫn bán giá 20.000 đồng một lít, còn một cây xăng khác báo cáo sẽ bán 22.000 đồng. Tôi nghĩ là thanh tra sẽ xuống hỏi thăm họ sớm thôi".

Trong khi đó, với quan điểm đối lập, không ít độc giả lại bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả của đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu. Bạn Quốc Toàn Vũ chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng đề xuất này chưa ổn. Việc để doanh nghiệp tự định giá chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh tốt nếu thị trường có nguồn cung dồi dào, người tiêu dùng có cơ sở và khả năng để lựa chọn. Hiện nay, nguồn cung xăng không đủ, số lượng cây xăng chưa phải là nhiều ở các thành phố lớn, còn ở vùng xa xôi thì có khi cả chục km mới có một cây xăng, nếu để doanh nghiệp tự định giá có nguy cơ giá cả leo thang".

Cùng chung nỗi lo lạm phát giá xăng dầu nếu để doanh nghiệp tự quyết, độc giả Quocvietdesign cho rằng: "Xăng dầu mà để doanh nghiệp tự quyết về giá có vẻ không khả thi. Các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau nâng giá bán cao bằng nhau khiến người dân vẫn phải chấp nhận mua, nên không thể có giá cạnh trạnh được. Như vậy thị trường sẽ ảnh hưởng vì rất nhiều mặt hàng thiết yếu phụ thuộc vào giá xăng dầu".

Đặt dấu hỏi cho sự công bằng, minh bạch khi doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu, bạn đọc Jackendy lấy ví dụ: "Hai người bán rau ngồi cạnh nhau trong chợ (bán cùng loại rau với nhau), hàng nào bán rẻ hàng đó đông khách, đó là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng trong thực tế, tôi chưa thấy hai cây xăng nào cạnh nhau cả. Khoảng cách địa lý càng lớn thì mức độ phụ thuộc của các phương tiện (khi gần hết xăng) vào cây xăng càng cao. Do đó, họ không có lựa chọn cho việc chọn cây xăng nào rẻ hơn để mua. Chưa kể, khu vực vùng sâu ,vùng xa, miền núi, hải đảo sẽ còn chịu sự chênh lệch giá xăng nặng nề hơn nữa".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả