Lời giải tối ưu cho những căn bệnh đô thị
Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, là một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Công nghệ thông minh của kỷ nguyên 4.0 có thể mang đến những lời giải tối ưu cho những vấn đề nóng bỏng của đô thị.
Thông điệp rõ ràng về xây dựng đô thị thông minh
Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu, tới năm 2025, kinh tế số chiếm trên 30% GDP; hoàn thành xây dựng chính phủ số; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung…
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Chính trị đưa ra một loạt chủ trương, chính sách, trong đó yêu cầu hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh; triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia…
Như vậy, Việt Nam đã chính thức có thông điệp rõ ràng về đầu tư, xây dựng thành phố thông minh. Trên thực tế, nhu cầu đầu tư, xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam đã xuất hiện trong vòng 5 năm trở lại đây với các kế hoạch được công bố của chính quyền TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… song chưa có nhiều động thái cụ thể.
Gần đây, khi Dự án thành phố thông minh tại phía Bắc Hà Nội được cấp phép chủ trương đầu tư, người ta đã có thể phần nào định hình về diện mạo một thành phố hiện đại trong tương lai.
Ở dự án này, những kinh nghiệm ưu tú nhất về phát triển đô thị tại Nhật Bản sẽ được áp dụng, bởi vậy, tính chất của đô thị thông minh tại Hà Nội là hoàn toàn khác biệt so với các dự án khác. Xuyên suốt toàn thành phố, hệ thống giao thông công cộng thông minh sẽ được xây dựng nhằm đảm bảo cho việc di chuyển của cư dân luôn thuận tiện và nhanh chóng. Cư dân tại thành phố thông minh sẽ giảm bớt việc sử dụng phương tiện cá nhân.
Sự kết hợp liên hoàn giữa các loại hình vận tải đô thị khối lượng lớn như xe bus và tàu điện ngầm sẽ mang đến sự thuận tiện cho người dân. Cư dân sống trong khu đô thị thông minh được bảo đảm an toàn tối đa nhờ hệ thống quản lý an ninh hiện đại. Có hệ thống giám sát, cảnh báo tối tân, kiểm soát ngập úng và tái sử dụng nước mưa. Hệ thống lớp học thông minh kết nối giáo viên từ các nước trên thế giới giảng dạy qua các lớp ảo trên Internet…
Công nghệ 4.0 giúp đô thị phát triển bền vững
Với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự hình thành của những siêu đô thị như Hà Nội, TP.HCM, cùng sự gia tăng nhanh chóng về số lượng đô thị nhưng chất lượng cải thiện không tương xứng, hệ thống đô thị Việt Nam đang phải chịu những áp lực lớn về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, môi trường, năng lực quản lý, kết nối… Trong bối cảnh này, công nghệ thông minh của cách mạng 4.0 được kỳ vọng mang đến những lời giải tối ưu cho việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giảm thiểu chi phí, đẩy mạnh kết nối thông tin, phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng bền vững.
Nghị quyết 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới...
Theo kiến trúc sư Bùi Minh Anh, Vụ Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), phát triển đô thị thông minh giúp mở rộng thị trường, tạo việc làm và các cơ hội sản xuất, kinh doanh mới, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát khí thải nhà kính, tăng cường minh bạch hóa, gia tăng kết nối giữa chính quyền với người dân, thúc đẩy thực hiện đô thị tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Bởi vậy, thành phố thông minh tại phía Bắc Hà Nội là dự án đem đến những giá trị về kinh tế và xã hội lâu dài cho Hà Nội, giải quyết những vấn đề bất cập của thành phố hiện nay như sự quá tải, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm. Khi trở thành một thành phố đáng sống, thành phố thông minh của Hà Nội sẽ góp phần phát triển mạnh khu vực Bắc sông Hồng, kéo giãn dân khu vực nội đô.
Nói về dự án này, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, khi hoàn thành, thành phố thông minh sẽ tạo điểm nhấn cho không gian, kiến trúc khu vực cửa ngõ Thủ đô, tạo ra nhiều công ăn việc làm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Theo kế hoạch, đầu tháng 10/2019, dự án thành phố thông minh tại phía Bắc Hà Nội sẽ được chính thức công bố triển khai. Sự kiện này sẽ đánh dấu sự khởi đầu trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh của Hà Nội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận