“Lối đi riêng” của ngành thời trang giữa các tâm bão thương mại
Căng thẳng thương mại ngày một gia tăng giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác dường như đã tạo gánh nặng về chi phí cho một số công ty, đồng thời làm tăng nguy cơ gián đoạn thị trường.
"Lối đi riêng" của ngành thời trang giữa các tâm bão thương mại. Ảnh: Reuters
Kết quả cuộc khảo sát mới đây về lĩnh vực thời trang do Hiệp hội Thời trang Mỹ thực hiện cho thấy, trong năm thứ hai liên tiếp, cụm từ “các chính sách bảo hộ thương mại Mỹ” tiếp tục được giới chuyên gia đánh giá là thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực thời trang và may mặc.
Với những tính chất đặc trưng như vòng đời sản phẩm ngắn, nhu cầu tiêu dùng thất thường, cùng chuỗi cung ứng phức tạp và trải dài trên nhiều quốc gia, thời trang luôn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các nền tảng chính sách và chính trị.
Thậm chí, căng thẳng thương mại mới đây giữa Mỹ và một số đối tác quan trọng đã làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, giữa bối cảnh các trục thương mại toàn cầu đang dịch chuyển khi hoạt động giao thương tại các nền kinh tế mới nổi tăng vọt, dẫn đến sự ra đời của một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, xu hướng chuyển dịch vốn nhằm hướng tới những nơi có nguồn cung ứng và giá cả hợp lý hơn trong lĩnh vực phục vụ sắc đẹp toàn cầu đã xuất hiện.
* “Khó thở” trước các đòn tấn công thương mại
Khép lại năm 2018, nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đã bị cuốn vào vòng xoáy của các cuộc chiến thương mại. Căng thẳng thương mại ngày một gia tăng giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác dường như đã tạo gánh nặng về chi phí cho một số công ty, đồng thời làm tăng nguy cơ gián đoạn thị trường.
Tại Mỹ, vấn đề thuế quan là cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghiệp thời trang bởi ngành này dù chỉ chiếm 6% tổng kim ngạch nhập khẩu nhưng lại chi trả đến 51% các hóa đơn thuế quan. Do đó, các mức thuế của Washington nhắm vào hàng hóa Trung Quốc (bao gồm cả quần áo da, vải dệt và sợi len) sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề, giữa lúc hàng loạt hãng lớn như Samsonite và Gap, có hoạt động sản xuất lớn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã tính đến phương án tăng giá tiêu dùng để bù lỗ.
Tâm lý tiêu dùng đang trở nên ảm đạm hơn. Điều này thể hiện qua việc số lượt tìm kiếm các từ khóa như “chiến tranh thương mại”, “căng thẳng thương mại” hoặc “thuế quan” trên Google tăng lên mức cao nhất trong ít nhất 5 năm qua, sau khi ghi nhận mức tăng 10% năm 2018.
Cuộc khảo sát do Hiệp hội Thời trang Mỹ thực hiện trong năm 2018 cho thấy, các chính sách bảo hộ thương mại được coi là thách thức kinh doanh số một đối với các công ty thời trang Mỹ, trong khi trước năm 2017, chỉ số này chưa bao giờ đứng cao hơn bậc số tám.
Mỹ đã tuyên bố tăng thuế nhiều lần đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bao gồm cả các sản phẩm may mặc. Hậu quả là Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) hồi tháng 5/2018 đã ban hành một tài liệu có chữ ký của đại diện 60 nhãn hiệu Mỹ (bao gồm những nhãn hiệu nổi tiếng như Abercrombie & Fitch, Kate Spade, Levi Strauss, Macy, Nike và Under Armor), trong đó phản đối việc Wasinhton nâng thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may Trung Quốc.
Cùng với đó, một số công ty thời trang đã bắt đầu xem xét lại sự hiện diện ở những quốc gia nơi hàng rào thuế quan có thể làm tăng thêm chi phí kinh doanh của họ. Cụ thể, Wolverine World Wide, Puma và Steve Madden nằm trong số những công ty tuyên bố sẽ chuyển các dây chuyền sản xuất ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Cuộc khảo sát do hãng tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey thực hiện năm 2017 với 63 giám đốc phụ trách mảng mua sắm quốc tế của các doanh nghiệp cho thấy, thị phần xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, mặc dù căng thẳng thương mại chỉ là một trong một số yếu tố thúc đẩy xu hướng giảm này.
Khoảng 62% số người được hỏi nói rằng các công ty của họ dự kiến sẽ giảm tỷ trọng nguyên liệu nguồn từ Trung Quốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Số liệu thương mại cho thấy các kế hoạch này đang trở thành hiện thực.
Ngoài các vấn đề về thương mại, Brexit - chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu EU) - cũng đang là một trong những yếu tố đè nặng lên ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Do nhu cầu xuất khẩu cao, trong khi hoạt động sản xuất lại phụ thuộc vào thị trường quốc tế và nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, ngành dệt may, giày dép của Anh sẽ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi nước này rời EU.
Khoảng 63% số nhà thiết kế quần áo và 55% số nhà sản xuất hàng xa xỉ có trụ sở tại Anh tham gia vào hoạt động xuất khẩu của nước này, trong khi khoảng 10.000 công dân EU đang làm việc trong ngành thời trang của “xứ sở sương mù”. Điều này giải thích tại sao khoảng 80% số người được hỏi từ Fashion Roundtable, một cơ quan vận động hành lang được thành lập để tư vấn cho Chính phủ Anh về các vấn đề liên quan đến Brexit, nói rằng họ cảm thấy kịch bản này là không tốt cho ngành thời trang ở Anh và cả ở EU.
Trong khi đó, vấn đề Brexit cũng đã bắt đầu tác động đến các công ty thời trang ở các quốc gia khác, đặc biệt là những nơi có thu nhập được trả bằng đồng bảng Anh bởi đồng tiền này đã giảm khoảng 12% so với đồng euro và 10% so với đồng USD kể từ khi cuộc trưng cầu dân ý về Brexit được tiến hành năm 2016.
* Hy vọng được “gỡ rối” bởi các trục thương mại mới
Trong khi mối quan tâm về căng thẳng thương mại toàn cầu đang gia tăng, những động lực tích cực đã bắt đầu xuất hiện khi các thỏa thuận mới được đưa vào đàm phán và các tuyến thương mại mới được thúc đẩy. EU gần đây đã tham gia vào FTA mới với Canada, Mexico, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam và một số quốc gia từ Đông Âu.
Vào tháng 9/2018, Canada đã đồng ý tham gia hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), trong khi hợp tác Nam-Nam (một thuật ngữ được các học giả và các nhà hoạch định chính sách sử dụng để mô tả hoạt động trao đổi tài nguyên, kỹ thuật và tri thức giữa các nước đang phát triển, được biết đến là những nước ở Nam bán cầu) cũng đang phát triển mạnh.
Cùng với đó là sự xuất hiện của những mối quan hệ mới. Trung Quốc đã và đang mở rộng các dự án thuộc khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường", bao gồm các khoản đầu tư lớn để thúc đẩy hoạt động giao thương trong khu vực có vai trò lớn giúp phát triển các trục thương mại mới.
Trong khi đó, các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều nền tảng giao dịch tự do hơn giữa các khu vực châu Á và Nam Mỹ. Các nước thành viên của RCEP xuất khẩu khoảng 405 tỷ USD (chiếm hơn 50% tổng số toàn cầu) và nhập khẩu khoảng 115 tỷ USD hàng dệt may mỗi năm, vì vậy những thỏa thuận này sẽ có tác động kinh tế đáng kể.
Theo giới phân tích, trong thời gian tới ngành công nghiệp thời trang sẽ được vận hành với động lực chính là định hướng lại các nguồn cung ứng, có thể theo hướng có lợi cho những nước tham gia các FTA mới. Sự trỗi dậy của hợp tác Nam-Nam, đặc biệt là giữa các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là điều rất có thể sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, các công ty thời trang lớn vẫn buộc phải đưa ra những quyết định thương mại khó khăn khi đối mặt với rào cản thuế quan trong các thị trường tiêu dùng quan trọng. Những cái tên xa xỉ, đặc biệt là những thương hiệu có phần lớn thu nhập từ Trung Quốc hoặc Mỹ, có thể buộc phải lựa chọn giữa tăng giá hoặc chấp nhận lợi nhuận giảm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận