Lời cảnh báo từ việc bắn hạ máy bay không người lái ở vùng vịnh
Khi tàu hải quân Mỹ bắn hạ máy bay không người lái ở vịnh Hormuz hôm thứ Năm, một thông điệp quan trọng được gửi tới lãnh đạo Iran: Gây hấn sẽ lĩnh hậu quả, Mỹ sẽ phản đòn nếu bị chọc tức.
Ông Jim Hanson, chủ tịch Nhóm Nghiên cứu An ninh và từng phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm lục quân Mỹ, nêu ý kiến như trên trên trang Fox News ngày 19/7 (dù phía Iran cho rằng, tàu Mỹ đã bắn nhầm chính máy bay không người lái của Mỹ).
Theo ông Hanson, thời chính quyền Barack Obama, các nhà lãnh đạo Iran cho rằng, ông Obama rất muốn lưu danh bằng cách đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Vì thế, Iran lợi dụng khao khát này của ông Obama; họ ủng hộ các chiến binh chống Mỹ, chống Israel; giúp đỡ nhà lãnh đạo Syria; giành được sự phê chuẩn của ông Obama đối với thỏa thuận hạt nhân chưa hoàn thiện…
Nhưng năm ngoái, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Giờ đây, Iran đang có các hành động mạnh mẽ ở vùng vịnh, đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, cắt đứt tuyến đường vận chuyển dầu khí để được giảm nhẹ lệnh trừng phạt. Nhưng khác ông Obama, ông Trump “chơi rắn” hơn nhiều.
Về việc tàu hải quân USS Boxer bắn hạ máy bay không người lái, Tổng thống Trump tuyên bố: “Mỹ có quyền bảo vệ con người, cơ sở vật chất và lợi ích của mình”. Drone đã đến gần tàu Mỹ (trong phạm vi 914 mét) và phớt lờ cảnh báo dừng lại. Ông Trump gọi việc drone bay trong phạm vi phòng thủ của tàu USS Boxer là hành động thù địch của Iran. Giới chức Mỹ nói với Fox News rằng, lính thủy đánh bộ trên tàu chiến đã dùng thiết bị gây nhiễu điện tử để hạ drone.
Ông Hanson nhận định, phản ứng của Mỹ là cần thiết để cho lãnh đạo Iran biết rằng việc tàu thuyền đi lại tự do trong vùng biển này là lợi ích quan trọng của Mỹ. Tổng thống Trump không thể bỏ qua hành động mới nhất của Iran nếu muốn Iran và các nước khác tôn trọng Mỹ, không để họ rút ra kết luận rằng, họ có thể tùy nghi tấn công các lực lượng Mỹ mà không lo bị trả đũa.
Phụ thuộc vào thời gian drone thăm dò hệ thống phòng thủ của tàu Mỹ, chỉ huy Mỹ có thể có đủ thời gian để báo cáo lên cấp trên. Nhưng tàu chiến Mỹ có nguyên tắc về can thiệp, cho phép họ nhanh chóng hành động chống lại nguy cơ trước mắt.
Buôn lậu xăng dầu?
Tuy nhiên, câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi có tin rằng, Iran bắt giữ một tàu chở dầu Ả-rập Xê-út và nói rằng việc này là hoạt động chống buôn lậu.
Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran hôm thứ Năm tuyên bố họ tạm giữ một tàu chở dầu nước ngoài buôn lậu nhiên liệu. Trước đó, một tàu cùng tên của Ả-rập Xê-út biến mất ở vịnh Ba Tư.
Theo ông Hanson, Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran bắt tàu chở dầu Ả-rập Xê-út vì tàu này cạnh tranh buôn bán dầu với họ. Dù là vì lý do gì thì việc bắt giữ tàu chở dầu và thăm dò tàu hải quân Mỹ bằng drone cũng cho thấy Iran có thể gây gián đoạn giao thông đường biển và nguồn cung năng lượng. Điều này có thể khiến giá dầu tăng cao mà giá tăng giúp Iran hưởng lợi.
Có vài chỉ dấu cho thấy Iran đang cân nhắc thương lượng với Mỹ. Iran từ lâu có thói quen hành động mạnh tay trước bất kỳ cuộc thương lượng tiềm năng nào và chiến thuật này hiệu quả với chính quyền Obama, giúp Iran đạt được sự nhượng bộ của Mỹ, ông Hanson nhận định.
Tổng thống Trump có thể nghiên cứu một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran nhưng không giống ông Obama, sự kiên nhẫn của ông Trump với các hành động gây gấn của Iran ở Trung Đông đã cạn kiệt. “Ông Trump chơi bài giỏi hơn (ông Obama) và biết rằng ông giữ lá bài tốt hơn”, chuyên gia Hanson nhận xét.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận