24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Văn Thái
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lời cam kết của Thủ tướng và cơ hội 'ăn nên làm ra' của doanh nghiệp nước ngoài

'Doanh nghiệp Nhật Bản có thể yên tâm đầu tư lâu tại Việt Nam; 'có vướng mắc gì không giải quyết được thì các ngài trực tiếp gửi thư đích danh cho Thủ tướng Chính phủ'.

Đó là lời kêu gọi nhưng cũng chính là cam kết của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản tại các cuộc gặp gỡ tiếp xúc trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ 22 - 25/11.

Tại hội nghị Hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ở tỉnh Tochigi, Nhật Bản vào chiều 23/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn nhủ đến các doanh nghiệp Nhật Bản có thể yên tâm đầu tư lâu dài và có tính chiến lược vào Việt Nam.

Lý do để thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài được Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam có nền chính trị ổn định, đang tích cực thực hiện các đột phá chiến lược, từng bước hoàn thiện và ổn định thể chế, thủ tục hành chính đang được đơn giản hóa để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Quan điểm nhất quán của Việt Nam là điều hành kinh tế, tạo môi trường vĩ mô ổn định để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư và đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Khi tiếp các doanh nghiệp hàng đầu tại Nhật Bản, Thủ tướng cũng nhắn nhủ, nếu các nhà đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc có thể trực tiếp liên hệ với các Bộ trưởng để xem xét giải quyết. Vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, nếu không giải quyết được thì các ngài trực tiếp gửi thư đích danh cho Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp.

Không chỉ đưa ra lời cam kết suông, Thủ tướng còn chỉ rõ cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam “ăn nên làm ra”.

Như lời Thủ tướng khẳng định, khó khăn và thách thức đan xen nhưng thời cơ luôn lớn hơn, và thực tế các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam dù có khó khăn vẫn phát triển, hiệu quả. Thậm chí, Thủ tướng không ngại ngần mời các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đến Việt Nam để chứng kiến những gì ông nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, Việt Nam kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nguồn vốn tài chính, vốn đầu tư, vốn ODA với gói đủ lớn, ưu đãi, linh hoạt, thủ tục đơn giản nhất có thể, phù hợp trong điều kiện bối cảnh cần nhanh chóng phục hồi kinh tế xã hội do đại dịch Covid-19.

Đây cũng là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là với Nhật Bản đang là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc coi trọng mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản, trong đó, quan trọng nhất là có niềm tin, sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn với nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Lời cam kết của Thủ tướng và cơ hội 'ăn nên làm ra' của doanh nghiệp nước ngoài
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng một số Bộ trưởng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Đáp lại sự cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản không ngần ngại mà thông báo rõ về chiến lược tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà đầu tư khẳng định khi nghe Thủ tướng trao đổi, họ có thêm niềm tin và yên tâm hơn nữa trong quá trình đầu tư vào Việt Nam.

Cụ thể như Tập đoàn ENEOS quan tâm định hướng phát triển năng lượng tại Việt Nam và mong muốn tham gia quá trình giảm thải khí carbon. Tập đoàn Sojitz cũng quan tâm tới các dự án liên quan đến giải pháp giảm thiểu carbon tại Việt Nam.

Còn Tập đoàn AEON đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật, dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới.

Không những vậy, AEON dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc… sang Nhật Bản và quan tâm tới các hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam.

Tập đoàn Fast Retailing (sở hữu nhãn hiệu thời trang Uniqlo) cũng thông tin trong thời gian tới tiếp tục có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử…

Đây quả là những tín hiệu vui không chỉ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới mà như Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng: “Sau chuyến thăm này, độ tin cậy chính trị giữa hai bên sẽ được nâng lên, mở ra chương mới của sự phát triển, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả