Lõi Âm - Dương trong phong thủy: Sợi dây định hình cảm xúc của con người
Theo quan niệm phương Đông cân bằng chính là Âm - Dương, cốt lõi của phong thủy cũng dựa trên quy luật vận hành và chuyển đổi của Âm - Dương.
Không thể phủ nhận những tiện ích mà công nghệ hiện đại đem đến cho cuộc sống của con người, theo đó mà con người ngày càng nhiều lựa chọn, làm được nhiều việc hơn, đi được nhiều nơi hơn, vội vã hơn nhưng dường như cũng trở nên mất cân bằng hơn, thêm nhiều bồn chồn, hoang mang và lo lắng thậm chí mất phương hướng. Bó buộc trong tầng tầng lớp lớp vội vã là sự gồng mình đến cực đoan như thay vì thong thả đi dạo giữa vườn hoa ta chạy qua rất nhiều vườn hoa. Vì khi mọi người xung quanh đều vậy ta dừng lại ngắm nghía là hành vi kỳ lạ. Thế là con người dùng thời gian hữu hạn của cuộc đời lướt qua trăm ngàn vườn hoa mà chẳng biết hay nhớ nổi tên, hương, màu sắc của một bông. Sự cân bằng có ý nghĩa rất quan trọng tới cảm xúc của con người.
Theo quan niệm phương Đông, cân bằng chính là Âm - Dương, cốt lõi của phong thủy cũng dựa trên quy luật vận hành và chuyển đổi của Âm - Dương. Ví dụ, ngày được ví như Dương đến tận cùng của ngày (Dương) sẽ chuyển sang đêm (Âm), cái quy luật này áp dụng lên con người về mặt thể xác và tinh thần như một ngày làm việc cật lực (Dương) cần có một đêm (Âm) nghỉ ngơi cân bằng. Tại sao nền tảng của phong thủy là thuyết Âm - Dương? Tại sao phong thủy dù là môn khoa học môi trường lại tồn tại gần như song hành với sự xuất hiện, tồn vong của loài người dù Đông sang Tây, dù tên gọi và cách áp dụng có khác, dù cho đôi lúc bị xiên lệch, ngộ nhận về bản chất, bị một số tầng lớp coi mê tín nó vẫn tồn tại mãnh liệt? Phải chăng nó có giá trị cốt lõi cơ bản mà dù ở thế hệ nào, tầng lớp nào cũng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của nó tới đời sống con người?
Nếu xét về mặt ngôn từ, phong thủy đơn giản là từ ghép Hán - Việt chuyển sang thuần Việt là gió và nước. Nhưng liệu hai trạng thái của vật chất đó đủ chuyển tải những gì mà gió và nước đem đến cho con người; hay gió và nước là hai thể vật chất có thể len lỏi vào đất, lửa, cây, tất cả đều tác động đến các giác quan của con người cũng như ngược lại? Sự tương tác đó tạo nên những điều mà khoa học chứng minh được là có lợi và hại với con người về mặt thể xác; còn về tinh thần, cảm xúc con người chưa hoàn toàn có thể cân đo đong đếm được. Vì thế, khoa học phong thủy đã và sẽ là một môn nghiên cứu bí ẩn với loài người dù trải qua bất kỳ thời đại nào.
Được coi là một trong những môn được sáng tạo sớm nhất của loài người mà biểu hiện sớm nhất ra bên ngoài từ bản năng sinh tồn và khát khao vươn lên của loài người, như tìm nơi an toàn để sống thời nguyên thủy ở hang động trên cao, tránh thú dữ, tránh khắc nghiệt thời tiết cho đến kiến tạo những công trình kiến trúc vĩ đại trải suốt chiều dài lịch sử hình thành của các nền văn minh. Sự ảnh hưởng của của hướng gió, mạch nước đến môi trường sống của con người qua nhà cửa, nơi cư ngụ, sông ngòi, đồi núi… hoặc trực tiếp tới con người. Phong thủy ở đây không chỉ giúp con người bài trí, sắp đặt không gian sống để cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không thể cải tạo vận mệnh hay thay đổi hoàn toàn một con người. Vậy cân bằng là gì của phong thủy? Cân bằng chính là sự đủ về mọi mặt trong việc kết hợp của gió và nước tới các thể vật chất khác xung quanh con người nhằm đưa con người ở trạng thái hài hòa và chuyển động có quy luật.
Người phương Tây và phương Đông do ảnh hưởng giáo dục từ nhỏ nên có sự khác biệt rất lớn trong tính cách và cách nhìn nhận một vấn đề. Trong khi phương Tây không cầu kỳ lễ tiết rào đón trước sau họ thường đi thẳng vào trung tâm của một việc; người phương Đông thì ngược lại. Vì vậy, nếu người phương Đông sử dụng la kinh để xem ảnh hưởng của từ trường trái đất tới con người, thì người phương Tây cũng sớm sử dụng la bàn. Phong thủy của người phương Đông thường được khoác thêm chút mơ hồ không rõ nét về tác động vạn vật với con người và giải thích nó qua những điều thần bí, đôi chút tâm linh. Âm - Dương được phân định phần nhiều dựa trên Dương (người còn sống) và Âm (người đã khuất), nên lựa chọn đất đai chôn cất cho người khuất theo phong thủy phương Đông có thời kỳ là điều tiên quyết cho sự thịnh suy, tồn vong của gia đình, triều đại, thể chế, thậm chí đất nước.
Phong thủy với người phương Tây chính là sự hài hòa của con người với xung quanh và kiến tạo, trang chỉnh thiên nhiên lựa thiên nhiên để khiến con người sống thoải mái, được lý giải rất cụ thể dưới góc nhìn khoa học. Ví dụ, như ảnh hưởng từ chu kỳ của mặt trăng, mặt trời tới trái đất và trực tiếp đến cảm xúc làm thay đổi về mặt tâm lý của con người, dẫn dắt hành động con người trong một thời gian nhất định, hay đơn giản như xây nhà nơi đất trống trải quá nhiều ánh nắng mặt trời, con người tự nhiên sẽ trồng thêm cây cối để tăng bóng mát và ngược lại. Sự cân bằng của họ chính là tạo ra hài hòa tốt nhất có thể để cảm thấy thoải mái nhất. Đem so sánh và thử gọi tên Âm là xấu và dương là tốt thì có một số ví dụ rất rõ rệt, Phát xít Đức - Âm cực đoan, khi cái cực đoan lên đến cực điểm và không biến đổi thành một trạng thái khác để cân bằng sẽ dẫn đến diệt vong.
Ông bà ta có câu: “Biết đủ là hạnh phúc”. Đủ thôi nhé vì nhiều hơn sẽ phá vỡ quy luật cân bằng Âm - Dương của vạn vật. Hay George Bernard Shaw nói: “Chừng nào tôi còn mong muốn, tôi còn lý do để sống. Sự thỏa mãn là cái chết” (As long as I have a want, I have reason for living. Satisfaction is death). Sự thỏa mãn George nói ở đây là cực đỉnh của Âm (Dương) mà sau nó nếu không chuyển sang trạng thái khác phù hợp sẽ không thể tạo thành quy luật khép kín của cân bằng.
Nhìn vào những khía cạnh đơn giản hơn của cuộc sống, ta có thể bắt gặp rất nhiều ví dụ giản đơn của quy luật Âm - Dương. Sở hữu càng nhiều càng trả giá thứ quý giá hữu hạn - thời gian. Một người nhiều đồ thường than thở tốn nhiều thời gian lựa mà chẳng có cái váy nào phù hợp mỗi sự kiện, trong khi có một phòng chứa đồ rộng hơn một căn chung cư nho nhỏ. Chúng ta dành phần lớn thời gian của đời người để lao động, lại dành thêm một phần thời gian nữa để tiêu thành quả lao động, tốn thêm thời gian để chăm sóc phân vân khi có quá nhiều đồ đạc. Ngược lại, một trường phái quá khích đối ngược của hiện tượng này là hướng tới cuộc sống siêu tối giản từ đồ dùng đến màu sắc đến quần áo, thậm chí thức ăn, vậy là một tối thức dậy, muốn hâm nóng một ly sữa thay vì có thể thả vào lò vi sóng, người ta phải dành nhiều thời gian hơn để đun nóng nước và ngâm sữa. Thừa thãi đồ đạc hay quá tối giản đồ đạc đều là hai mặt cực đoan đỉnh điểm của mất cân bằng Âm - Dương và sự cân bằng điều chỉnh luôn là chìa khóa để duy trì sự chuyển động luân phiên gắn kết giữa Âm và Dương, nhiều đồ quá có thể tiết chế giảm bớt, thiếu quá thì bù thêm vào để đạt tới sự cân bằng sẽ đem đến một sự vận động đúng quy luật.
Sống trong đô thị, nhịp sống hối hả, con người tựa như những chiếc lá trên dòng sông, đôi lúc không có đủ thời gian để cân bằng lại, đáng lẽ Âm phát triển cực Âm sẽ phải chuyển sang Dương và ngược lại, chuyển trạng thái dạng khép kín này tạo ra một chu kỳ đem lại sự cân bằng, chuyển động này đem năng lượng cho thể xác lẫn tinh thần.
Sự cận quá cực Âm hay Dương không chuyển thể đều dẫn đến bất động và trầm cảm, là một trong những hệ quả của quá Âm hoặc quá Dương khi con người không còn đủ tinh thần và thể xác hoặc hiểu thấu đáo quy luật để cân bằng chúng.
Sự hài hòa của Âm - Dương tạo nên một bố cục chặt chẽ sống còn. Cực Âm sẽ chuyển sang dương, cực Dương sẽ chuyển sang Âm, kìm tỏa lẫn nhau về mọi khía cạnh tạo tính động cho mọi vạn vật nằm trong nó, hợp nhất nượng tựa và chỉ khi hiểu rõ quy luật vận hành thịnh suy, xấu tốt, mâu thuẫn nhưng không thể tách rời. Chính cái động được tạo ra giữa hai mặt mâu thuẫn là sự vận chuyển đấu tranh không ngừng lại tạo ra một trang thái cân bằng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận