Logistics, ngành dịch vụ tỷ USD đang thiếu hụt lớn về nhân lực
Với con số lợi nhuận cao lên đến hàng tỷ USD mỗi năm, logistics đang là dịch vụ kinh doanh hấp dẫn của nhiều công ty trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhân lực ngành logistics hiện vẫn đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng so với nhu cầu.
Khan hiếm nhân lực chất lượng cao
Logistics đang là cơ hội đầu tư hấp dẫn của nhiều công ty trong và ngoài nước và là ngành dịch vụ then chốt góp phần xây dựng năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế Việt Nam. Theo tính toán, đến năm 2025, ngành này đang kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ, đóng góp 8-10% GDP, tốc độ tăng trưởng hàng năm 14-20% và sẽ xếp thứ hạng thứ 50 trở lên trong chỉ số cạnh tranh của thế giới.
Quyết định số 200 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển logistics tại Việt Nam. Logistics hiện đang là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên và hỗ trợ phát triển nhằm tăng cường kết nối, xây dựng khả năng cạnh tranh chung. Điều này đặt ra tính cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, nhiều số liệu hiện nay cho thấy, nguồn nhân lực logistics ở nước ta không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Hiện nguồn cung cấp lao động chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Điều này là không hợp lý với ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ đô la Mỹ, chiếm 20,9% GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng từ 20-25% hàng năm.
Với tiềm năng phát triển trên, nhu cầu nhân lực cho ngành logistics có thể sẽ bị thiếu hụt trầm trọng nếu không có một chiến lược phát triển cấp thiết ở cả cấp vĩ mô và vi mô (từ chính các doanh nghiệp). Theo tìm hiểu, riêng Viettel Post, công ty này dự kiến sẽ cần thêm khoảng 5.000 nhân sự logistics chất lượng cao trong vòng 5 năm tới.
5 vấn đề về phát triển nguồn nhân lực ngành logistics
Trước thực tế trên, Bộ công thương đã đẩy mạnh liên kết 3 nhà là cơ quan quản lý, doanh nghiệp và trường đại học thông qua cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam. Cuộc thi được xem là nơi trao đổi kiến thức và kỹ năng thực tế, và đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp logistics trong tương lai.
Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng phòng Chiến lược Viettel Post cho rằng, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics hiện nay của Việt Nam chưa đáp ứng đúng, đủ so với yêu cầu của quốc tế. Do vậy cần những hội đồng liên minh, hiệp hội đào tạo để có thể định hướng cho các bạn sinh viên để rút ngắn được khoảng cách từ những kiến thức học thuật trên trường đại học đến công việc thực tế tại các doanh nghiệp.
Bà Cẩm Linh cũng cho rằng, hướng đào tạo nhân lực logistics chất lượng cao cần chú trọng đến 5 vấn đề, gồm: cơ chế chính sách cho hoạt động thông quan hàng hóa, nhất là cho hàng hóa thương mại điện tử; chất lượng cơ sở hạ tầng cho logistics như cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vận tải cũng như hạ tầng về công nghệ thông tin; tính dễ dàng trong việc sắp xếp, tra cứu hàng hóa bằng việc tối ưu công nghệ; chất lượng dịch vụ toàn ngành logistics; và cuối cùng là khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận