Lọc dầu Nghi Sơn sắp nhận hơn 8.200 tỷ đồng tiền bù giá
Chính phủ đồng ý chi hơn 8.240 tỷ đồng để thanh toán tiền bù giá bao tiêu sản phẩm cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Theo quyết định dự toán ngân sách do Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký hôm 29/12, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao 8.247 tỷ đồng để xử lý tài chính, thanh toán tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn 2018 - 2023. Khoản tiền này được Quốc hội quyết định tháng 11 năm ngoái, lấy từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương 2023.
Bộ Tài chính và PVN chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kết quả bao tiêu sản phẩm và số tiền bù giá.
Cuối năm ngoái, Quốc hội xem xét khoản tiền bù giá cho Lọc dầu Nghi Sơn, gồm số còn nợ của giai đoạn 2018-2023 là 8.247 tỷ đồng và số phát sinh năm 2024 khoảng 9.653 tỷ đồng. Nhưng sau đó, cơ quan này chỉ quyết nghị chi 9.650 tỷ đồng và yêu cầu Chính phủ soát xét lại số liệu.
Theo thỏa thuận cam kết bảo lãnh Chính phủ (GGU) năm 2013, PVN bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương giá nhập khẩu cùng thời điểm cộng ưu đãi 3% thuế với các sản phẩm hóa dầu, 5% với LNG và 7% với các sản phẩm xăng dầu. Trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.
Nhận được nhiều ưu đãi nhưng nhà máy này liên tục báo lỗ. Tới cuối 2020, Lọc dầu Nghi Sơn lỗ lũy kế 61.200 tỷ đồng. Khảo sát nhà máy này tháng 11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần có thêm người Việt trong ban điều hành Lọc dầu Nghi Sơn để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tại đây.
Ông cũng đề nghị Idemitsu - một trong 4 liên doanh tham gia nhà máy này - tiếp tục tái cấu trúc, nâng cao quản trị nhà máy để "dự án cắt lỗ càng sớm càng tốt".
Với vốn đầu tư 9 tỷ USD, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). Bốn liên doanh góp vốn vào nhà máy này gồm PVN (25,1%), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu mỗi bên nắm 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản) giữ 4,7%. Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận