Loay hoay trả lại 600 container phế liệu độc hại vì chủ hàng đã bỏ chạy
Hàng ngàn container phế liệu tồn tại các cảng biển đang khiến cơ quan hải quan lẫn doanh nghiệp đau đầu. Tái xuất, bán đấu giá hoặc tiêu hủy là những phương án được cơ quan hải quan đưa ra dựa trên kết quả giám định, phân loại.
Tuy nhiên, mỗi phương án xử lý đều có những cái khó riêng và chưa có giải pháp xử lý triệt để. Trong đó, phương án được trông chờ nhất là tái xuất, trả rác về nơi xuất phát lại... vô cùng khó.
Tại văn bản gửi cục hải quan các địa phương mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ có hướng dẫn để hãng tàu, đại lý hãng tàu thực hiện tái xuất phế liệu tồn đọng.
Chủ hàng bỏ trốn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, địa phương đang tồn 1.099 container phế liệu không đủ chuẩn, trong đó nhiều container chứa phế thải lẫn nhiều tạp chất, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường buộc phải tái xuất, cho biết vẫn đang kêu gọi sự hợp tác của doanh nghiệp để xử lý các lô hàng.
Tuy nhiên, sau một tháng phát hành 30 thông báo gửi cho các hãng tàu và đại lý hãng tàu tại VN về việc vận chuyển hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển, đến nay cơ quan hải quan chỉ nhận được phản hồi của một số hãng tàu/đại lý hãng tàu tại VN.
Trong đó, 15 hãng tàu đã có phương án xử lý 484 container phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng tại cảng Cát Lái, 15 hãng tàu còn lại tương đương 615/1.099 container chưa có phương án tái xuất nào.
"Các hãng tàu cho biết không liên lạc được với người nhận hàng tại VN cũng như người gửi hàng ở nước ngoài, hàng không đủ điều kiện nên không thể xuất cho các nước khác..." - ông Nguyễn Thanh Long, phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan Cát Lái), cho biết.
Cũng theo ông Long, với phương án xử lý hàng tồn đọng là phế liệu, chỉ có 5 hãng tàu đề xuất tiêu hủy hoặc đề nghị cơ quan hải quan hướng dẫn phương án xử lý tương ứng 67 container, 10 hãng tàu có phương án tái xuất tương ứng 417 container.
Trong đó số container được các hãng tàu và đại lý tự tái xuất là 279, số container hãng tàu sang container đổi vỏ cho hãng tàu khác để tái xuất là 116, còn lại xin tiêu hủy 22 container.
Trong thực tế, để xử lý 1.099 container không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thời gian qua cơ quan hải quan cùng công ty cảng cũng "làm hết cách" từ thông báo, kêu gọi, giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu để doanh nghiệp đến nhận nhưng tỉ lệ container phế liệu được xử lý rất nhỏ giọt.
Nhiều chủ hàng đã bỏ trốn, vì hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, phí lưu container quá nhiều so với giá trị hàng hóa...
Đến nay cơ quan hải quan TP.HCM chỉ mới "trả về nơi xuất hàng" 39 container, gồm 37 container của Hãng tàu Yangming đã được làm thủ tục tái xuất đến Malaysia và 2 container của một hãng tàu khác tại Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV4 (cảng Phước Long).
Số container phế thải còn lại vẫn đang tập kết về cảng Hiệp Phước. "Chúng tôi cũng đã báo các phương án này về phòng giám sát quản lý về hải quan để tổng hợp báo cáo Tổng cục Hải quan theo quy định" - đại diện Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 nói.
Cơ quan chức năng kiểm tra 20 container hàng của một công ty ở quận 2 (TP.HCM) và phát hiện toàn bộ là rác thải công nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tiêu hủy khả thi hơn tái xuất?
Với các container tồn đọng đủ điều kiện nhập khẩu, theo quy định, sẽ được xử lý theo quy trình đấu giá. Với lô hàng không đủ điều kiện, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các hãng tàu chịu trách nhiệm tái xuất.
Do đó, theo Cục Hải quan TP.HCM, nếu quá 30 ngày kể từ ngày thông báo mà hãng tàu không tái xuất các lô hàng dưới chuẩn, cơ quan này sẽ lập danh sách các hãng tàu, báo cáo tổ liên ngành để lập phương án buộc tiêu hủy hoặc kiến nghị Bộ GTVT dừng cấp phép ra/vào cảng đối với các tàu biển này.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp vận tải, việc chế tài là đẩy khó cho doanh nghiệp bởi chính họ cũng muốn xử lý các container phế liệu này. Đại diện một hãng tàu có gần 100 container đang vướng trong các container hàng phế liệu cho biết bản thân hãng tàu cũng muốn xử lý để lấy lại container.
Là đơn vị vận chuyển, doanh nghiệp chỉ biết chở mặt hàng gì, còn chất lượng thế nào chỉ có cơ quan chức năng kết luận.
"Ngay cả khi hãng muốn trả cũng không dễ. Bởi để vận chuyển hàng hóa trở lại, phải có hóa đơn mua bán giữa người bán hàng và người nhận hàng. Một khi hình thành hợp đồng mua bán, hãng tàu mới đủ điều kiện làm thủ tục và nhận chở hàng. Nếu yêu cầu hãng tàu xuất ngược cũng không được vì không có người nhận sẽ không thể dỡ hàng", vị này cho biết.
Trong thực tế, một số nước đã trả được container phế liệu tái xuất qua con đường ngoại giao, doanh nghiệp nhận hàng do Chính phủ chỉ định. Nhưng ngay cả việc tái xuất cũng phải có cách xử lý cần quản lý, theo sát số seal, số container trên hệ thống, không cho nhập lại container có số như vậy nhằm tránh trường hợp hãng tàu chở lòng vòng rồi quay lại VN.
Trong văn bản gần đây, Tổng cục Hải quan cũng đề cập phương án thực hiện bán đấu giá đối với các lô hàng đã hoàn thành việc phân loại và xác định được chính xác hàng hóa là phế liệu đủ tiêu chuẩn sử dụng.
Tổng cục Hải quan chuyển danh sách doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để tham gia tổ chức đấu giá của Tổng cục Môi trường.
"Với các container đạt chuẩn, chúng ta có thể đem đấu giá nhưng những container dưới chuẩn, kinh nghiệm cho thấy chỉ còn cách tiêu hủy và hãng tàu phải chia sẻ một phần kinh phí xem như đây là rủi ro trong quá trình kinh doanh. Chi phí tiêu hủy cũng có thể trích từ tiền thu được sau khi bán đấu giá", giám đốc một doanh nghiệp đề xuất.
Đừng để VN trở thành "bãi rác" của thế giới
Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong số container tồn đọng tại cảng có 1.167 container là phế liệu không đạt chất lượng nhập khẩu, phần lớn tại cảng Cát Lái. Sau khi cơ quan chức năng phân loại, trong 1.509 container có 410 container đủ điều kiện nhập khẩu.
Số còn lại gồm 1.099 container thuộc phế liệu không đạt chất lượng, buộc phải tái xuất. Theo thông báo gửi 30 hãng tàu buộc tái xuất 1.099 container phế liệu nhập khẩu, có nhiều hãng tàu phải tái xuất hàng trăm container phế liệu. Chẳng hạn, Công ty TNHH C. Việt Nam tái xuất 340 container; Công ty CP C.M tái xuất trên 200 container...
Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, xử lý container phế liệu cần có sự quyết liệt, biện pháp chế tài mạnh tay từ cơ quan quản lý. Chẳng hạn, với những hãng tàu chưa có phương án tái xuất, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm.
"Ở đây chính là câu chuyện phát triển bền vững. Nếu không, VN sẽ trở thành bãi rác của thế giới và phải trả giá rất đắt bằng chính chất lượng sống của thế hệ sau", ông Tuấn nói.
Khuyến nghị nhiều biện pháp giám sát chặt
Các tổ chức môi trường tại Indonesia đã khuyến nghị Chính phủ Indonesia thực hiện một loạt biện pháp để đất nước mình không trở thành bãi đổ rác cho nước ngoài.
Chẳng hạn, rà soát các quy định liên quan đến nhập khẩu phế liệu và giấy, đặc biệt là nhựa và phế liệu giấy, nhằm giới hạn chất gây ô nhiễm hoặc ô nhiễm; cấm các nhà sản xuất rác nhập khẩu chuyển hoặc sang nhượng phế liệu nhập khẩu cho bất kỳ ai; các nhà nhập khẩu rác phải có trách nhiệm làm sạch ô nhiễm nhựa do sang tay, bán và "tặng" cho các bên khác...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận