Loạt sai phạm tại dự án mở rộng quốc lộ 1, đoạn Bình Định - Phú Yên
Thanh tra Chính phủ khẳng định có trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc quyết định cho phép điều chỉnh một số nội dung liên quan đến dự án cũng như buông lỏng trong tư vấn, giám sát...
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ km1125 – km1265, tỉnh Bình Định và Phú Yên, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm của các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai dự án này.
Theo Thanh tra Chính phủ, Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 (QL1) đoạn từ km1125 – km1265, tỉnh Bình Định và Phú Yên có chiều dài khoảng 118 km, từ khi được thông xe kỹ thuật và nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần tăng cường năng lực giao thông từ Bắc vào Nam và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, sau 3 năm đưa vào khai thác, sử dụng, trong điều kiện mưa lũ lớn bất thường và kéo dài, đặc biệt vào các năm 2016 và 2017, các phương tiện giao thông có tải trọng lớn vẫn lưu thông trên các tuyến ngập lụt; vật liệu đá tại khu vực có độ dính bám kém; các cơ quan liên quan chưa xem xét đầy đủ, toàn diện các yếu tố kỹ thuật, đặc thù khí hậu tại khu vực… nên dự án đã xuất hiện nhiều vấn đề về chất lượng công trình. Nguyên nhân chính là do, trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể, việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh thiết kế cơ sở chưa phù hợp với thực tế, thiếu đồng bộ, dẫn đến mặt đường tại khu vực đó luôn bị ngập khi thời tiết mưa, có nơi ngập sâu từ 30cm đến 60 cm, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Khi phê duyệt thiết kế cơ sở, Bộ Giao thông Vận tải cho phép phá dỡ 9 cầu cũ để xây mới, tuy nhiên khi quyết định điều chỉnh thiết kế cơ sở đã cho phép giữ lại 7 cầu cũ để sửa chữa, sử dụng, trong đó có 6 cầu được xác định lại tải trọng chỉ từ 22 tấn đến 25 tấn.
Hiện tại trên toàn dự án, có 18/33 cầu cũ đang được gắn biển hạn chế tải trọng từ 22 tấn đến 25 tấn, mức tải trọng này không đồng bộ với tải trọng cho phép của đường QL1 sau cải tạo, mở rộng và cầu xây mới ( 30 tấn), gây khó khăn cho quá trình khai thác và không phát huy cao nhất hiệu quả của dự án.
Bộ Giao thông Vận tải ban hành Văn bản 6112/BGTVT-CQLXD ngày 27/5/2014 thiếu cơ sở, đưa ra chủ trương điều chỉnh thiết kế cơ sở chưa đúng với quy định pháp luật về điều chỉnh dự án đầu tư, trong đó có việc cho phép hạ tiêu chuẩn dự án không theo Tiêu chuẩn ngành 22TCN211-06, dẫn đến chất lượng mặt đường dự án thiếu tính đồng bộ nên không phát huy tối đa hiệu quả trong khai thác; cho phép hạ cao độ thiết kế không theo Tiêu chuẩn Việt Nam…
Đối với việc thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải chỉ định đáp ứng được hầu hết các tiêu chí của hồ sơ yêu cầu, tuy nhiên, Ban quản lý dự án 2, có thiếu sót khi lập hồ sơ yêu cầu đã yêu cầu nguồn vốn đầu tư đối với nhà đầu tư tại Dự án BOT Nam Bình Định thấp hơn tổng mức đầu tư của dự án, ảnh hưởng nhất định đến việc đảm bảo vốn để thực hiện dự án.
Tại dự án BOT Bắc Bình Định, Ban quản lý dự án 2 không đăng thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư trên Báo Đầu thầu theo quy định; đến thời điểm tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư để thực hiện dự án, Bộ Giao thông Vận tải không công bố lại danh mục dự án.
Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chỉ định thầu tại dự án Trái phiếu Chính phủ khi dự toán chưa được phê duyệt là thực hiện chưa đúng các quy định về đấu thầu. Nhà thầu Cienco4 đã sử dụng vật liệu đá dăm từ nhiều mỏ có tính chất cơ lý khác nhau nên chất lượng bê tông nhựa thiếu sự đồng nhất và ổn định, do đó khi gặp các yếu tố bất lợi thì bê tông nhựa dễ bị phá vỡ;
Sử dụng vật liệu tưới dính bám của mặt đường chưa đúng quy định; áp dụng chưa đúng tiêu chuẩn để phối trộn thành phần cấp phối hỗn hợp cốt liệu, một số chỉ tiêu về độ rỗng dư, độ dẻo marsahll nằm ngoài quy định; thiết bị thi công thiếu chứng chỉ kiểm định, không có phiếu kiểm tra từng mẻ trộn tại trạm trộn…
.Từ những thiếu sót, khuyết điểm…trên, sau gần 2 năm đưa công trình vào khai thác, sử dụng mặt đường đã hư hỏng cục bộ, nhà thầu tự bỏ kinh phí để sửa chữa hư hỏng này.
Theo Thanh tra Chính phủ, những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trên, nguyên nhân chính là Bộ Giao thông vận tải thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước, nhiệm vụ được giao đối với một số nội dung liên quan. Công tác giám sát, nghiệm thu thực hiện chưa đúng quy định, còn để một số nhà thầu sử dụng vật liệu chưa đúng hồ sơ thiết kế.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan như thời tiết của miền Trung khắc nghiệt, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, Thanh tra Chính phủ khẳng định có trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc quyết định điều chỉnh thiết kế cơ sở như hạ cao độ thiết kế, châm chước độ tin cậy trong tính toán thiết kế kết cấu áo đường, châm chước thủy văn, phá bỏ rãnh dọc… làm cho tình trạng ngập lụt tại một số đoạn tuyến gia tăng.
Bộ cũng cho phép sử dụng phụ gia tăng độ dính bám của đá với nhựa nhưng chưa có quy định cụ thể để quản lý chất lượng, chưa được kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá trong điều kiện ngập lụt, mưa dài ngày, liên tục, lưu lượng giao thông lớn…; công tác tư vấn, giám sát, nghiệm thu có trường hợp chưa đúng quy định; tại một số đoạn tuyến, người dân sống ven đường tự ý san lấp rãnh thoát nước dọc, lấn chiếm hành lang để phục vụ kinh doanh nên việc thoát nước bị ảnh hưởng...
Căn cứ kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, doanh nghiệp dự án: kiểm tra, rà soát, phê duyệt quyết toán dự án theo quy định; trên cơ sở giá trị quyết toán được phê duyệt, thực hiện điều chỉnh phương án tài chính và thời gian thu phí tại hai dự án BOT Bắc và Nam Bình Định theo quy định pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với nhà đầu tư dự án BOT Bắc và Nam Bình Định kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung Hợp đồng BOT những tiêu chí cụ thể về chất lượng công trình BOT trước khi bàn giao cho Nhà nước; xem xét, điều chỉnh kịp thời các nội dung khác, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Về xử lý trách nhiệm, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm nêu trong Kết luận thanh tra.
Yêu cầu các cơ quan tổ chức kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị đã có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm nêu trong Kết luận thanh tra. Đối với UBND tỉnh Bình Định, theo thẩm quyền, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan đến thiếu sót, khuyết điểm được nêu trong Kết luận thanh tra.
Thanh tra Chính phủ cho biết, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng ý nội dung và kiến nghị nêu trên của Thanh tra Chính phủ. Giao Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bình Định thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận