menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Gia Bách

Loạt nguy cơ bủa vây nền kinh tế toàn cầu

Mặc dù có thể tránh được “bóng ma” vỡ nợ tại Mỹ, nhưng hàng loạt vấn đề của nền kinh tế toàn cầu như lạm phát cao, lãi suất tăng và tăng trưởng chậm chạp vẫn chưa được giải quyết.

Với mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có tại Mỹ đã được hoá giải khi thoả thuận nâng trần nợ của nước này được lưỡng viện Quốc hội thông qua, nền kinh tế toàn cầu dường như đã tránh được một cú sốc lớn. Nhưng vẫn còn nhiều đám mây u ám bao trùm...

Các nhà lập pháp tại Thượng viện Mỹ ngày 1/6 đã thông qua dự luật trần nợ công, sau động thái tương tự trước đó một ngày của Hạ viện. Dự luật chỉ còn chờ Tổng thống Joe Biden đặt bút ký để chính thức trở thành luật. Với những diễn biến này, nguy cơ vỡ nợ thảm khốc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng thị trường toàn cầu đã biến mất.

Ông Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng Hà Lan ING, cho rằng ngay cả khi không tính đến kịch bản xấu nhất”, “chúng tôi vẫn đang xem xét kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu”.

Đã có bằng chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chững lại ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trong quý đầu tiên và dữ liệu công bố hôm 31/5 cho thấy hoạt động nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm xuống mức yếu nhất kể từ khi nước này chấm dứt chính sách “Zero Covid” cách đây 5 tháng.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang mất đà, bị cản trở bởi nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và sự sụt giảm sâu trong lĩnh vực bất động sản.

Tình trạng đó khiến cho nền kinh tế Đức khó hy vọng về việc có thể dễ dàng thoát khỏi suy thoái vì Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này. Đức rơi vào suy thoái trong quý đầu tiên của năm 2023 do cú sốc giá năng lượng năm ngoái đã ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.

Sự suy giảm kéo dài của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của khu vực, vốn chỉ tránh được suy thoái trong gang tấc vào đầu năm nay.

Hiện tại, động lực ở Pháp, nơi đã có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ kể từ sau đại dịch Covid-19, đang chậm lại. Dữ liệu chính thức cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 4.

Charlotte de Montpellier, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng ING cho biết: “Bây giờ chúng ta có thể nói rằng quý thứ hai đã có một khởi đầu tồi tệ. Rõ ràng là nền kinh tế Pháp đang chậm lại rõ rệt”.

LẠM PHÁT VẪN QUÁ CAO

Trong bối cảnh đó, lạm phát đã giảm bớt ở Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, giống như sự sụt giảm ở Đức, Tây Ban Nha và Italy. Dữ liệu tháng 5 công bố hôm 1/6 cho thấy giá tiêu dùng tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro tăng với tốc độ chậm hơn so với tháng 4, thời điểm lạm phát tăng lên 7%.

Lạm phát cũng đã được kiểm soát ở Vương quốc Anh và Mỹ - lần lượt là 8,7% và 4,9% - nhưng vẫn ở mức cao và là thách thức lớn với mục tiêu của các ngân hàng trung ương là 2%.

Các nhà đầu tư cho rằng, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ tăng lãi suất trong những tuần tới để kiềm chế giá cả tăng. Cả hai vấn đề này đều là lực cản đối với nền kinh tế.

Lạm phát làm tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ hàng ngày, làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời, việc tăng lãi suất khiến các khoản vay và thế chấp trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực lên chi tiêu của các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Ảnh hưởng của chi phí đi vay cao hơn vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Trong một báo cáo hôm 31/5, Ngân hàng Deutsche Bank cảnh báo làn sóng vỡ nợ của các công ty Mỹ và châu Âu “sắp xảy ra” do chính sách tiền tệ thắt chặt nhất trong 15 năm, kết hợp với mức nợ cao và khả năng sinh lời thấp hơn. Các nhà phân tích của Deutsche Bank cho rằng làn sóng này sẽ không đạt đỉnh cho đến cuối năm 2024.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Neil Shearing của Capital Economics nhận định: “Khi các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chúng tôi cho rằng hầu hết các nền kinh tế phát triển lớn sẽ rơi vào suy thoái, áp lực về tiền lương và giá cả sẽ giảm bớt”.

Tuy nhiên, ông Shearing cho biết thêm: “Các cuộc suy thoái mà chúng tôi dự báo là tương đối nhẹ và có lẽ nên được coi là hạ cánh mềm do lạm phát tăng cao trong năm qua”.

CHIẾN TRANH, THỜI TIẾT CỰC ĐOAN

Bất kỳ cuộc suy thoái nào, dù nhẹ, cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu phải hứng chịu cú sốc bất ngờ. Điều đó bây giờ dường như không xuất phát từ nước Mỹ. Nhưng nó vẫn có thể phát sinh từ hai mối đe dọa lâu dài: chiến sự tại Ukraine và khủng hoảng khí hậu, cả hai đều gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và giá lương thực.

Chiến sự đã đẩy giá lương thực quốc tế lên cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái. Mặc dù giá đã giảm kể từ đó, nhưng chúng vẫn tăng cao ở nhiều quốc gia và gây ra nạn đói cùng cực ở các quốc gia nghèo.

Lạm phát lương thực đã dao động quanh mức cao kỷ lục ở châu Âu. Lũ lụt tàn phá ở miền Bắc Italy vào tháng trước đã nhấn chìm hàng ngàn trang trại ở khu vực được gọi là “thung lũng trái cây” của nước này. Thảm họa “trăm năm có một” xảy ra sau nhiều năm hạn hán nghiêm trọng trong khu vực, khiến đất trở nên cứng, làm giảm khả năng hấp thụ lượng mưa.

Một đợt hạn hán nghiêm trọng khác ở Nam Âu có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Công ty nghiên cứu Gro Intelligence, một nhà cung cấp dữ liệu nông nghiệp, cho biết: “Đất khô cằn và hạn hán nghiêm trọng ở Tây Ban Nha đang ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng và đe dọa đẩy giá lương thực tăng cao ở nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)”. Trong khi đó, Tây Ban Nha là nước xuất khẩu cà chua lớn thứ ba thế giới. Đất nước này cũng sản xuất lúa mì, lúa mạch, gạo và dầu ô liu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại