Loạt dự án BOT chìm trong thua lỗ
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án BOT giao thông ngày càng rơi vào tình cảnh thua lỗ là lưu lượng phương tiện thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính.
Tháng 3 vừa qua, việc nhà đầu tư dự án BOT Xây dựng cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh) có tổng mức đầu tư lên tới 7.277 tỷ đồng gửi văn bản kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ đã gióng thêm hồi chuông báo động về tình trạng thua lỗ của nhiều dự án BOT giao thông hiện nay.
Theo nhà đầu tư này, kể từ khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép khai thác vào tháng 10/2018 đến nay, tình hình thu phí hoàn vốn tại dự án rất khó khăn, doanh thu, lưu lượng thực tế rất thấp so với phương án tài chính của dự án.
CTCP BOT cầu Bạch Đằng cho biết, doanh thu thu phí không đủ để trả lãi vay ngân hàng nên doanh nghiệp dự án đang phải sử dụng vốn tự có để bù đắp khoản lãi vay là 320 tỷ đồng và dự kiến phải chi thêm cho mỗi tháng tiếp theo khoảng 22 tỷ đồng/tháng.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 9/12/2012. UBND tỉnh Quảng Ninh sau đó đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng BOT ngày 26/12/2015 với liên danh các nhà đầu tư gồm: Trung Nam Group, Phúc Lộc, Cường Thịnh Thi, Cienco1, Cái Mép, Công Thành, Phương Thành, Tập đoàn SE (Nhật Bản) và doanh nghiệp dự án là CTCP BOT cầu Bạch Đằng.
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, trong năm 2019, doanh thu thuần của BOT Bạch Đằng chỉ vỏn vẹn là 188,5 tỷ đồng, lỗ sau thuế lên đến 355,7 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của BOT cầu Bạch Đằng ở mức 5.844 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 365 tỷ đồng.
Trước BOT cầu Bạch Đằng, vào tháng 2/2020, chủ dự án BOT cầu Thái Hà cũng đã phải xin cầu viện các cơ quan chức năng do vỡ phương án tài chính.
Dự án BOT cầu Thái Hà do liên danh Công ty TNHH Tiến Đại Phát - Công ty Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Bình Minh là nhà đầu tư. Dự án được khởi công vào tháng 10/2014 và hoàn thành vào tháng 10/2016 với tổng vốn đầu tư 1.671 tỷ đồng. Dẫu vậy, đến cuối tháng 2/2019, khi hai tuyến đường nối hoàn thành, nhà đầu tư dự án BOT cầu Thái Hà mới có đủ điều kiện để tổ chức thu phí hoàn vốn.
Theo chia sẻ của phía chủ đầu tư, thời điểm dự án cầu Thái Hà chính thức thu phí cũng là lúc cầu Hưng Hà thông xe. Hai dự án đều có ý nghĩa kết nối giống nhau và chỉ cách khoảng 20 km. Tuy nhiên, cầu Hưng Hà là dự án vốn ODA nên không thu phí, do đó, hầu hết các xe tải, container đều tránh tuyến đường thu phí và dẫn đến tính trạng ảm đạm đối với việc làm ăn tại cầu Thái Hà với con số lỗ thuần gần 170 tỷ đồng trong năm 2019. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty này ở mức 1.402 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 315,4 tỷ đồng.
Không chỉ riêng BOT cầu Bạch Đằng hay BOT cầu Thái Hà, vấn đề thu không đủ bù chi phí cũng là bài toán chưa có lời giải của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) - nhà đầu tư của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài 105km, quy mô 6 làn xe được đánh giá là tuyến đường bộ hiện đại nhất Việt Nam. Dự án được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 45.487 tỷ đồng do Vidifi làm nhà đầu tư. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là cổ đông chính của Vidifi đồng thời cũng là nhà tài trợ vốn chủ yếu cho dự án này. Bên cạnh VDB, Vidifi còn có 2 cổ đông thiểu số khác là Vietcombank và Vinaconex.
Dự án thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến đầu tháng 12/2015 và theo phương án tài chính, dự kiến dự án sẽ thu phí hoàn vốn trong khoảng 28 năm 8 tháng.
Tuy nhiên, ngay từ khi đi vào vận hành, vấn đề thu không đủ bù lãi vay đã là bài toán chưa có lời giải của Vidifi. Doanh thu năm 2019 đã có sự khởi sắc đáng kể khi tăng lên gần 2.400 tỷ so với mức 1.900 tỷ của 2 năm trước đó nhưng chi phí tài chính quá lớn vẫn khiến công ty lỗ thêm 1.200 tỷ trong năm vừa qua. Mức lỗ này đã giảm nhiều so với con số 2.200 tỷ của năm 2017 và 1.500 tỷ năm 2018.
Đến cuối năm 2019, tức sau 4 năm vận hành chính thức, tổng lỗ lũy kế của Vidifi đã lên đến hơn 6.300 tỷ đồng, vượt xa so với vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm gần 2.600 tỷ đồng.
Tình trạng khó khăn của 3 dự án BOT kể trên đều bắt nguồn từ việc nguồn thu phí các dự án không như phương án tài chính ban đầu, dẫn đến không đủ tiền trả lãi và một phần gốc cho các ngân hàng, kéo theo thiếu cả kinh phí quản lý, duy tu, bảo trì thường xuyên dự án.
Và gam màu ảm đạm trên không dừng lại với những ví dụ điển hình vừa kể mà còn phủ sóng tới BOT Biên Cương (Hạ Long - Vân Đồn), BOT Đường tránh TP Đồng Hới, BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, BOT Thái Nguyên Chợ Mới, BOT Phú Hà, BOT Cần Thơ Phụng Hiệp, BOT cầu Việt Trì và BOT Quốc lộ 6 Hòa Bình. Điều này thể hiện rõ nét nhất dựa trên kết quả kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp là chủ dự án.
Nổi bật trong danh sách này là CTCP BOT Biên Cương – chủ dự án BOT Hạ Long - Vân Đồn với khoản lỗ thuần lên đến gần 655 tỷ đồng trong năm 2019. Dự án hoàn thành và bắt đầu vận hành thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ vào tháng 2/2018, cùng với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rút ngắn đáng kể thời gian từ Thủ đô đến khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh). Dự án được đầu tư nhằm đón đầu sự hình thành và phát triển của Đặc khu kinh tế Vân Đồn. Tuy nhiên đề án này tới nay vẫn chưa thành hiện thực là một nguyên nhân quan trọng khiến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn vắng khách và dẫn tới thua lỗ lớn, với doanh thu chỉ ở mức 130 tỷ đồng năm 2018 và 232,8 tỷ đồng năm 2019.
Một cái tên cũng đáng nhắc đến là BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình - dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng do liên danh Tổng Công ty 36, CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình.
Dự án chính thức thu phí từ ngày 20/10/2015. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm bắt đầu thu phí đã xảy ra tình trạng người dân địa phương phản đối. Nhà đầu tư sau đó đã tạm thời miễn thu phí đối với các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú xung quanh trạm.
Theo phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong năm 2016, doanh thu thu phí của dự án phải đạt ít nhất hơn 130 tỷ đồng, tuy nhiên, số thu thực tế chỉ hơn 70 tỷ đồng (khoảng 55%). Đến năm 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp dự án đạt 85,7 tỷ đồng, song lỗ thuần đã lên mức 110,8 tỷ đồng.
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang) nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức BOT cũng đang trong tình cảnh tương tự khi thiếu hụt doanh thu khá lớn so với phương án tài chính đề ra. Theo kết quả kinh doanh của Công ty TNHH BOT Phú Hà (doanh nghiệp dự án), trong năm 2019 mức lỗ thuần của công ty này cũng đã lên đến 73,5 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận