Loạt doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động: Hỗ trợ sao cho hiệu quả?
Trước làn sóng doanh nghiệp phá sản và tạm ngừng hoạt động không ngừng tăng, các chuyên gia cho rằng các chính sách hỗ trợ ở thời điểm hiện tại phải nhanh, gọn và đơn giản hơn bao giờ hết.
Theo thông tin từ cục quản lý kinh doanh về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 và 4 tháng đâu năm 2021 đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mới đây, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2021 là 28.349 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ vốn chưa kịp phục hồi "sức khỏe" sau những đợt dịch trước đó.
Theo đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (269 doanh nghiệp, tăng 128%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (89 doanh nghiệp, tăng 56,1%); Giáo dục và đào tạo (606 doanh nghiệp, tăng 49,6%); Khai khoáng (181 doanh nghiệp, tăng 40,3%); Kinh doanh bất động sản (842 doanh nghiệp, tăng 35,2%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.878 doanh nghiệp, tăng 34,5%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.752 doanh nghiệp, tăng 32,6%) và Thông tin và truyền thông (627 doanh nghiệp, tăng 30,1%).
Đáng chú ý, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 25.919 doanh nghiệp (chiếm 91,4%, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2020).
Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.366 doanh nghiệp (chiếm 4,8%, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 664 doanh nghiệp (chiếm 2,3%, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 230 doanh nghiệp (chiếm 0,8%, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 170 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2020).
Trước thực trạng này, việc hỗ trợ doanh nghiệp sao cho hiệu quả đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính (Đại học Kinh Tế TP HCM) đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh và nền kinh tế có nhiều vấn đề phải giải quyết, các gói hỗ trợ đã cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Bảo nhấn mạnh thời gian là yếu tố rất quan trọng.
“Chúng ta đều biết quy trình pháp lý, thủ tục hành chính luôn rất mất thời gian. Vì vậy mà chủ trương, chính sách, truyền dẫn qua hệ thống công quyền, xuống được tới người thụ hưởng luôn có một độ trễ lớn. Nhưng trong những hoàn cảnh bất thường cần có những giải pháp bất thường, vậy nên cần rút ngắn quy trình thực hiện một cách tối đa. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, chính quyền phải có cách làm khác, nhanh chóng hơn, còn cứ theo trình tự trước đây thì lợi bất cập hại”, ông Bảo nói.
Theo quan điểm của không ít chuyên gia kinh tế, các chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai nhanh, gọn, đơn giản và hạn chế tối đa các thủ tục.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch sẽ chỉ được coi là thành công, có hiệu quả khi doanh nghiệp nhận được những chính sách bằng các tác động trực tiếp và cụ thể. Nếu chính sách được xây dựng mà khó thực hiện thì không có tác động tốt đến doanh nghiệp.
"Ngược lại, còn làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp về việc đồng hành của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp trong lúc khó khăn", ông Tuấn nhấn mạnh.
Vì vậy, ông Tuấn đề nghị, các bộ, ngành liên quan cần có thêm những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện nhận hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp. Song song đó, cần cải thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
Về phần mình, ông Bảo cho rằng các gói hỗ trợ của Chính phủ cần phải được triển khai nhanh, gọn, đơn giản và hạn chế tối đa các thủ tục.
"Nếu quá nhiều thủ tục thì thời gian hỗ trợ sẽ bị kéo dài, và khi đó, có thể doanh nghiệp đã không thể trụ được cho đến khi nhận được hỗ trợ. Vì vậy, về phương pháp, chính quyền cần sàng lọc doanh nghiệp, xem ai cần hỗ trợ mức nào. Đây không phải là chuyện của chính quyền trung ương mà là của các địa phương. Chúng ta thấy từng vùng đều có cơ quan quản lý kinh tế, như phòng thuế, phòng kinh tế. Một xu thuế cũng thu được thì không thể nói họ không nắm được tình hình doanh nghiệp.
Do đó, các cơ quan cấp cơ sở này phải thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời và trung thực về tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp trên địa bàn mà mình quản lý để chính quyền các cấp triển khai chương trình hỗ trợ", ông Bảo đề xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận