Loạt công trình kiến trúc để đời của vua Khải Định ở Huế
Dấu ấn kiến trúc mà vua Khải Định để lại cho Cố đô Huế là rất độc đáo và rõ nét. Loạt công trình ông cho xây dựng được xem là hình mẫu của kiến trúc tân - cổ điển (Néo - Classique) Việt Nam.
1. Nằm trên triền núi Châu Chữ bên ngoài kinh thành Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng, là nơi an nghỉ của vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn.
So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn nhiều, với kích thước 117 × 48,5 mét nhưng lại được xây cực kỳ công phu và tốn kém. Công trình thường được đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi phong cách kiến trúc có phần kỳ lạ.
Giới kiến trúc sư đánh giá, lăng Khải Định chịu ảnh hưởng của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… Điều này là kết quả của sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cả cá tính của Khải Định.
Cho đến nay kiến trúc lăng Khải Định vẫn còn gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giới nghiên cứu. Dù vậy, chính điều này lại làm nên vị thế đặc biệt của công trình trong hệ thống các lăng tẩm của nhà Nguyễn nói riêng và các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung.
2. Tọa lạc bên bờ sông An Cựu, địa chỉ số 97 đường Phan Đình Phùng, TP Huế, cung An Định là cung điện điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua. Công trình có từ năm 1902, được vua cho cải tạo toàn diện vào năm 1917-1919.
Về tổng thể, cung trên một khu đất có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463 m2, có khoảng 10 công trình khi còn nguyên vẹn. Lầu Khải Tường là công trình chính, có ba tầng, xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu, có diện tích mặt bằng tới 745 m2.
Toàn bộ mặt trước của lầu Khải Tường được trang trí công phu, tỉ mỉ các mô típ kiến trúc Roman cận đại (bắc đẩu bội tinh, thiên thần…) xen lẫn các đề tài trang trí phương Đông truyền thống (rồng, phượng, bát bửu, hoa văn cách điệu…).
Các nhà nghiên cứu đánh giá, cung An Định đánh dấu thời kỳ mỹ thuật Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng phương Tây. Các công trình trong cung An Định đều có sự kết hợp giữa đề tài trang trí truyền thống của Việt Nam với các đề tài trang trí của châu Âu, tạo nên bức tranh kiến trúc độc đáo.
3. Ở Hoàng thành Huế, nếu cổng Ngọ Môn gây choáng ngợp bởi quy mô bề thế thì hai cổng Hiển Nhơn và Chương Đức lại lôi cuốn du khách bởi vẻ đẹp tinh xảo. Diện mạo của các cổng này có từ đầu thập niên 1920, khi vua Khải Định cho hạ giải các cổng cũ bằng gỗ để xây cổng mới bằng gạch.
Cổng Chương Đức có từ năm 1921, còn cổng Hiển Nhơn được xây năm 1923 theo nguyên mẫu của cổng Chương Đức. Vì vậy mà hai cổng có kiến trúc rất giống nhau. Khác biệt lớn nhất là trước cổng Hiển Nhơn có cầu thông ra bên ngoài Hoàng Thành, cổng Chương Đức thì không.
Hai cánh cổng này được giới nghiên cứu đánh giá cao về giá trị mỹ thuật, đặc biệt là nghệ thuật trang trí đắp mảnh sành sứ vô cùng cầu kỳ. Hầu hết các diện tích mặt tường ngoài của cả hai cổng đều có các họa tiết trang trí gắn sành sứ dưới nhiều hình thức, chi tiết khác nhau.
Đó là các mô típ mỹ thuật cung đình điển hình như rồng, hổ phù, cuốn thư, cây lá... Các chi tiết trang trí này được phân bố với một mật độ khá dày đặc, nhưng hài hoà cả về màu sắc, bố cục mang đến cho mỗi cánh cửa một nét kiến trúc vừa tráng lệ, vừa độc đáo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận