Loạt chính sách ‘đổ bộ’, doanh nghiệp trong nước sẽ 'tăng tốc' trong 2 quý giữa năm?
Theo TS Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, quý II và quý III dự báo là thời điểm vô cùng quan trọng khi hàng loạt các chính sách, cơ chế, nghị định, thông tư của Chính phủ, Quốc hội, bộ, ban, ngành đã được ban hành và sẽ đi vào thực thi một cách hiệu quả hơn.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Tại Talkshow Phố Tài chính, đánh giá về kết quả kinh doanh quý I của hơn 1.000 tổ chức niêm yết, bao gồm cả doanh nghiệp và ngân hàng trên ba sàn chứng khoán, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết lợi nhuận trong quý I nhìn chung đã giảm hơn 16% so với cùng kỳ.
Trong đó, chỉ một vài ngành đơn lẻ với một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao, ví dụ như nhóm khu công nghiệp và văn phòng cho thuê, du lịch, giải trí và nhóm hàng không. Đây là những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nên sự phục hồi về kết quả kinh doanh trong quý I theo bà Phương Lam là điều dễ hiểu.
Biên lợi nhuận tổng thể quý I/2023 vẫn đang trong xu hướng giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022, giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Theo đại diện VDSC, điều này cho thấy sức ép về giá vốn còn cao, hoặc do sức mua yếu và doanh nghiệp gặp hạn chế trong khả năng tăng giá bán để bù đắp cho chi phí đầu vào cao.
Bà Phương Lam cho biết, khi khảo sát các hiệp hội và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, 2 khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là nhu cầu trong và ngoài nước giảm và khó tiếp cận vốn vay, chi phí lãi vay cao.
Ngoài ra, khó khăn trong lĩnh vực bất động sản cũng đang lan sang các ngành khác như xây dựng, nguyên vật liệu xây dựng và tiêu dùng. Số liệu cho thấy số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đã giảm khoảng 61% so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ tạm ngưng kinh doanh và giải thể tăng đến 57%.
Còn theo TS Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là bài toán về mặt thị trường.
“Cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa của chúng ta đang khó khăn trong việc đưa các nguồn cung sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, làm nguồn cầu sụt giảm”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Khó khăn thứ hai theo ông là về nguồn tài chính. Trong bối cảnh khó khăn chung, ông Mạc Quốc Anh cho rằng phương án kinh doanh của doanh nghiệp nếu không khả thi thì ngân hàng rất khó giải ngân. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, cổ phiếu cũng đang có những điểm nghẽn nhất định, nên việc cung cấp thêm các nguồn vốn mới cho doanh nghiệp là rất khó.
Khó khăn tiếp theo là về mặt chính sách. TS Mạc Quốc Anh cho rằng vẫn còn những thủ tục hành chính đang ngăn trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khi cấp độ xử lý các văn bản và chính sách còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, một số khó khăn khác là nguồn lực lao động bị dịch chuyển, khả năng tiếp cận các trình độ khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
2 quý giữa năm là thời điểm tăng trưởng của doanh nghiệp trong nước
TS Mạc Quốc Anh dự đoán quý II và quý III/2023 sẽ là thời điểm vô cùng quan trọng khi hàng loạt các chính sách, cơ chế, nghị định, thông tư của Chính phủ, Quốc hội, bộ, ban, ngành đã được ban hành và sẽ đi vào thực thi một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là vấn đề về tài chính, tài khoá, vấn đề về giảm chi phí, giảm lãi vay của hệ thống ngân hàng.
“Về mặt thị trường, chúng ta đang cố gắng tập trung vào thị trường nội địa. Với dân số gần một trăm triệu người, sức mua nội địa chắc chắn sẽ tương đối lớn. Hiện các địa phương đang tăng cường nhiều chương trình hội chợ, chương trình mua sắm tập trung, giảm giá, khuyến mãi… Tôi cho rằng đây là những yếu tố quan trọng để thị trường nội địa bùng nổ trong quý II và quý III/2023”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư FDI đã quay lại, tăng số vốn đầu tư vào Việt Nam. Làn sóng du lịch, nhất là khi Trung Quốc mở cửa lại sau dịch Covid-19 cũng sẽ là yếu tố quan trọng vì ngành du lịch có hơn 200 sản phẩm.
Đối với ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ông Mạc Quốc Anh cho biết các sản phẩm hữu cơ của doanh nghiệp Việt Nam đều được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đơn cử như cà phê Việt Nam đã được Đức và Ý đầu tư cách đây 6 năm, sẽ đưa các sản phẩm này xuất khẩu vào các nước ở khu vực Trung Đông, Mỹ hay châu Âu.
“Với những yếu tố trên, tôi nghĩ quý II, quý III/2023 sẽ là thời điểm tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Mạc Quốc Anh nhận định.
Về phía đại diện VDSC, bà Nguyễn Thị Phương Lam cho biết các động lực tăng trưởng hiện giờ đều suy giảm từ xuất khẩu đến tiêu dùng. Theo bà, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm, kỳ vọng lớn nhất hiện giờ vẫn là đầu tư công và sự khởi sắc trở lại của đơn hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, lãi suất hạ nhiệt cũng là điểm then chốt, cùng với triển vọng chính sách đối với thị trường bất động sản trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là vấn đề pháp lý sẽ giúp thị trường bất động sản ấm dần lên và lan toả sang nhiều ngành kinh doanh khác.
Thêm vào đó, một điểm sáng khác là số liệu về kế hoạch kinh doanh năm 2023 của các tổ chức niêm yết. Theo đó, các doanh nghiệp vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng dương.
“Nếu tin vào khả năng phán đoán và lên kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, tôi cho rằng có thể kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất đang dần đi qua, các quý tới sẽ có sự phục hồi nhất định”, bà Phương Lam cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận