Loạt các thông tin tài chính, kinh tế quan trọng trong tuần này
Tuần 12-16/6 sẽ là một tuần căng thẳng của các ngân hàng trung ương với các cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ).
1. Lạm phát hạ nhiệt, Fed tạm dừng tăng lãi suất?
Cụ thể, tại Mỹ, dữ liệu lạm phát tháng 5 của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ được công bố vào thứ Ba (13/6), khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày. Các dấu hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 5, điều mà thị trường đang nóng lòng chờ đợi, sau khi dữ liệu việc làm khả quan củng cố khả năng các đợt tăng lãi suất sẽ làm giảm bớt áp lực giá cả mà không ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Fed được cho là sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại khi kết thúc kỳ họp vào thứ Tư tới (14/6) và các nhà đầu tư sẽ cố gắng đánh giá mức độ nhiệt huyết của các quan chức Fed đối với các đợt tăng lãi suất sắp tới. Hiện tại, thị trường nhận định Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, một triển vọng mà các nhà đầu tư có vẻ hài lòng, dựa trên diễn biến mạnh mẽ gần đây của chứng khoán Mỹ.
2. ECB được kỳ vọng tăng lãi suất thêm 0,25%
Ngay sau cuộc họp của Fed, vào thứ Năm (15/6), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nữa.
Lạm phát khu vực đồng Euro đã giảm nhanh hơn dự kiến trong tháng Năm, và lạm phát cơ bản (loại bỏ biến động giá cả) đã chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp. Nền kinh tế của khối EU đã rơi vào suy thoái và hoạt động cho vay của ngân hàng đang chậm lại nhanh chóng.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, ECB sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản một lần nữa, sau đó sẽ kết thúc hoàn toàn chu kỳ thắt chặt này.
3. Tân Thống đốc BOJ báo hiệu chính sách nới lỏng
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mới được bổ nhiệm gần đây, Kazuo Ueda, cho biết tư duy tập thể của Nhật Bản đang dần thay đổi khỏi niềm tin đã kéo dài hàng thập kỷ rằng giá tiêu dùng và tiền lương sẽ duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản đang giảm mạnh, thậm chí vượt quá dự báo của các nhà kinh tế bi quan nhất. Điều đó hợp lý khi xem xét các dữ liệu khác cho thấy tiền lương thực tế giảm 13 tháng liên tiếp, ngay cả khi các liên đoàn lao động thương lượng mức tăng lương lớn nhất trong ba thập kỷ tại các cuộc đàm phán về lương hồi mùa xuân.
Tất cả đều củng cố quan điểm của thị trường rằng còn quá sớm để BOJ điều chỉnh gói kích thích tại cuộc họp sẽ diễn ra vào thứ Sáu (16/6). Ông Ueda đã báo hiệu chính sách cực kỳ nới lỏng của Nhật sẽ được duy trì cho đến khi tăng lương và lạm phát ổn định và bền vững. Nhưng BOJ có xu hướng tạo ra những bất ngờ về chính sách, có nghĩa là có thể có những quyết định ảnh hưởng tới thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận