Loại bỏ môi giới chụp giật, chủ đầu tư làm ăn bất minh để ổn định thị trường BĐS
Ngăn chặn, loại bỏ những chủ đầu tư làm ăn bất minh, một trong những nguyên nhân quan trọng để thị trường duy trì được sự ổn định
Giao dịch giảm đột ngột sau "sốt"
Cách đây chỉ vài tháng, vào thời điểm đầu năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) ở Đà Nẵng lại chứng kiến “cơn sốt” ở nhiều khu vực. Chỉ qua một đêm, có lô đất đã tăng giá đến cả hàng trăm triệu đồng. Nhiều người kiếm tiền dễ như trở bàn tay. Nhưng cũng có không ít người sau đó bỗng dưng lâm cảnh tay trắng.
Ở vào khoảng thời điểm tháng 1, tháng 2, khu vực “nóng” nhất của thị trường BĐS ở Đà Nẵng phải kể đến Tây Bắc, với tâm điểm là khu đô thị Golden Hills. Chỉ trong một thời gian ngắn giá đất ở đây đã tăng phi mã. Có những lô đất chênh lệch lên đến hàng tỷ đồng.
Tương tự, ở khu đô thị Hòa Xuân, nằm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, giá đất cũng tăng chóng mặt trong thời gian ngắn. Đơn cử, một lô đất 100m2 ở đường 7,5 mét, nếu như ở thời điểm năm 2016 chỉ khoảng 750 triệu đồng/lô. Cũng lô đất này, đến đầu năm 2019, tăng lên đến hơn 4 tỷ đồng...
Thị trường lên “cơn sốt”, nhiều người dân ở địa phương cũng lao theo. Người vốn nhỏ, đầu tư lô nhỏ. Kẻ nhiều tiền tung tiền mua lô lớn. Ai không có tiền cũng lao theo tập tễnh làm “cò”. May rủi cũng có người kiếm đến hàng chục triệu đồng/ngày, nhờ làm dịch vụ. Say tiền, nhiều đối tượng còn tung tin ảo, dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý cũng được rao bán công khai, để lại những hệ lụy cho xã hội...
Cần nhiều giải pháp để duy trì sự ổn định thị trường bất động sản |
Trước những bất cập của thị trường, chính quyền thành phố đã có những biện pháp để chấn chỉnh, lập lại trật tự. Đối tượng đầu tiên được các cơ quan chức năng nhắm tới, chính là đội ngũ “cò”. Hàng loạt kiot giao dịch BĐS trái phép được dẹp bỏ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng của quận Liên Chiểu đã dẹp bỏ khoảng 300 kiot. Tương tự, ở các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn... nhiều kiot, sàn giao dịch trái phép đã bị cưỡng chế tháo dỡ.
Những động thái quyết liệt này, đã giúp thị trường BĐS ở địa phương nhanh chóng giảm nhiệt. Giao dịch giảm, thị trường ổn định hơn rất nhiều so với thời điểm trước.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, những động thái quyết liệt vừa qua của Đà Nẵng là rất đáng hoan nghênh. Các cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc trước những hành vi gây nhiễu loạn, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt khiến thị trường không phát triển lành mạnh.
Trên thực tế, theo ghi nhận của phóng viên Thời báo Ngân hàng, giá đất tại một số “điểm nóng” trước đây hiện đã hạ nhiệt rất nhiều. Trong đó, có thể kể đến các khu vực trên địa bàn quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu...
Số lượng người hỏi mua đất hiện rất ít. Không còn cảnh đông vui, tấp nập mua bán như trước đây. Số lượng người đến công chứng mua bán đất đai ở các phòng công chứng cũng giảm nhiều. Không còn cảnh chen lấn, tranh nhau làm thủ tục như thời điểm thị trường BĐS lên “cơn sốt”. Tình trạng lộn xộn trong giao dịch cũng không còn, bóng dáng các “cò” cũng vì thế mà ít đi.
Cần duy trì sự ổn định
Có thể khẳng định, sự quyết liệt vào cuộc nhằm chấn chỉnh thị trường BĐS của các cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng đến nay đã có những kết quả khả quan. Số lượng giao dịch ảo, giao dịch theo kiểu lướt sóng cũng đã giảm. Mặt bằng giá cũng ở mức hợp lý hơn so với thời điểm trước. Điều này, rất có lợi cho những người có nhu cầu thực tế về nhà ở...
Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người đang quan tâm là sự ổn định này, được duy trì trong bao lâu? Hay đây chỉ là thời điểm tạm dừng, trước khi xuất hiện những “cơn sóng ngầm” dữ dội khác!
Có được một thị trường BĐS lành mạnh, phát triển ổn định là mong muốn không chỉ của riêng những người dân ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều nơi khác trong cả nước. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, để kiểm soát được thị trường BĐS không phải là chuyện dễ dàng đối với bất kỳ chính quyền một địa phương nào. Đà Nẵng không phải là ngoại lệ.
Ở Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, thời gian gần đây thị trường BĐS xảy ra những lộn xộn, phần nhiều bắt nguồn từ việc làm ăn theo kiểu chụp giật của đội ngũ môi giới. Bất cập này có từ những “cò” đất làm ăn nhỏ lẻ, đến cả các công ty môi giới chuyên nghiệp với hàng nghìn nhân viên. Chính những đối tượng này đã tạo ra những “cơn sốt” ảo, khi đẩy giá lên cao, quá cao so với giá trị thực tế.
Thậm chí, còn có những người liều lĩnh làm giả các văn bản của chính quyền, để gây “sốt đất”, như đã từng xảy ra ở Đà Nẵng hay Quảng Nam. Những thông tin thất thiệt, đồn thổi khiến người bán gặp khó, người mua càng khó hơn.
Bởi vậy, để duy trì sự ổn định của thị trường BĐS, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng cần phải có những biện pháp quản lý, hạn chế những tác động lên thị trường của đội ngũ môi giới bất minh.
Theo nhiều người, cơ quan chức năng cần rà soát lại hoạt động tất cả các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn để ổn định lại thị trường. Đồng thời, các sàn giao dịch cần định hướng lại hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh, đội ngũ môi giới thêm một nguyên nhân nữa khiến thị trường BĐS phát triển nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro là việc chủ đầu tư cũng kinh doanh không lành mạnh. Dự án chưa đủ cơ sở pháp lý cũng tung ra trên thị trường, chỉ đến khi bị chính quyền “ách” lại, gánh chịu hậu quả lại là “thượng đế”. Tiền đã trao nhưng chưa biết đến khi nào mới nhận được đất hay nhà.
Đơn cử, như trường hợp tranh chấp của Công ty Bách Đạt và Công ty môi giới Hoàng Nhất Nam, đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Rất nhiều người đã nộp tiền mua đất, có người nộp đến 95%, song dự án lại chưa đầy đủ thủ tục pháp lý. Và rất có thể sẽ không bao giờ đầy đủ pháp lý, nếu dự án không phù hợp với quy hoạch của chính quyền. Đến lúc này, không biết đến bao giờ các “thượng đế”, mới lấy lại được những đồng tiền của mình.
Bởi vậy, ngăn chặn, loại bỏ những chủ đầu tư làm ăn bất minh cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng để thị trường BĐS duy trì được sự ổn định, phát triển lành mạnh.
Được biết, trước những nguy cơ bất ổn của thị trường BĐS, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai một cách bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận