24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Quang Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lo vòng xoáy lạm phát ảnh hưởng người nghèo

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, áp lực lạm phát khi giá cả nhiều mặt hàng leo thang có thể "bồi thêm" những khó khăn tới người dân, doanh nghiệp sau Covid-19.

Lo lắng này được nhiều đại biểu Quốc hội nêu, khi thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kinh tế xã hội 2021, những tháng đầu năm 2020, sáng 25/5.

Góp ý kiến tại tổ TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, doanh nghiệp và người dân chưa thoát khỏi khó khăn sau dịch.

Theo Chủ tịch nước, tác động của đại dịch trong thời gian dài đã tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước. Trong khi đó, nền kinh tế đang đứng trước áp lực lạm phát lớn khi giá nhiều nguyên, nhiên liệu, nhất là xăng dầu liên tục tăng cao. Với độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, các yếu tố đầu vào tăng sẽ kéo theo nhiều khó khăn chung của nền kinh tế.

"Các gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo", ông nói.

Ông đề nghị cần nhìn thực chất, vì sao ngân sách Nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn khó khăn sau dịch. Theo ông, đây là điều cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất nhiều thập kỷ do tác động Covid-19. Khó khăn doanh nghiệp là không thể bàn cãi khi nền kinh tế rơi vào phong tỏa, do đại dịch bất khả kháng gây ra.

Phân tích cụ thể hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đề cập tới giá xăng dầu tăng cao, vượt 30.500 đồng một lít, gây áp lực lên lạm phát.

Ông nói, đời sống người dân, lao động đã vô cùng khó khăn trước đợt tăng giá, nên với tình hình giá xăng dầu hiện nay, Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp kiểm soát.

"Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng có công cụ kiểm soát, bình ổn giá mặt hàng này, tránh khi nó tăng quá cao sẽ gây hiệu ứng domino tới giá hàng hoá khác", ông Ngân nhìn nhận.

Công cụ kiểm soát giá xăng dầu lúc này, theo ông Trần Hoàng Ngân, ngoài thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% với xăng, dầu từ 1/4 đến hết năm nay, có thể cân nhắc thêm thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa, mà là rất cần thiết trong sản xuất, tiêu dùng, đời sống người dân, không có lý do gì đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu", ông nhận xét, và cho rằng, nên đưa vấn đề giảm thuế trên tại kỳ họp này để Quốc hội thảo luận.

Ở khía cạnh này, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng đề cập việc có thể nghiên cứu giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để "kìm" đà tăng mặt hàng này.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cũng cho rằng, giá các mặt hàng như xăng dầu, sắt, thép, xi măng, thực phẩm tăng cao... đã tác động trực tiếp đến người dân.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng như CPI, chỉ số giá nguyên nhiên liệu cho sản xuất ở Việt Nam trong khu vực công nghiệp cũng tăng rất rõ, điều này ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí sản xuất hàng hoá, dẫn đến giá bán tăng lên, gây áp lực giá tiêu dùng cho người dân.

"Chính phủ cần kiểm soát tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, để vừa hạ áp lực lạm phát vừa giảm các chi phí trong kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp", ông Bảo nhận xét.

Ngoài áp lực lạm phát từ bên trong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cảnh báo nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Ông dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới về việc giá năng lượng và xăng dầu năm 2022 có thể tăng khoảng 50% so với 2021, giá lương thực thực phẩm tăng khoảng 23%.

Ở thị trường tài chính như Mỹ, trong tháng 4 chỉ số tăng giá là 8,5%, còn chỉ số này của EU trong tháng 3 là 7,5%. Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã điều chỉnh lãi suất từ 0,25% lên 0,75%. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ trong suốt tời gian dài. Ông Hùng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá chi tiết tác động từ các yếu tố bên ngoài tới kinh tế Việt Nam.

Góp ý thêm, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên kiểm soát lạm phát bằng các biện pháp đồng nộ, trong đó kéo giảm thuế, kiểm soát giá, đầu cơ và nắn dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh.

Còn Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi góp ý cần siết tín dụng vào bất động sản cho đúng, tránh ảnh hưởng dự án cần triển khai bởi khi dòng vốn vào sẽ tạo công ăn việc làm, tác động lớn đến kinh tế xã hội.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả