Lộ trình phục hồi cho ngành du lịch
Dịch bệnh vẫn phức tạp ở các quốc gia bên ngoài, dẫn tới khả năng kéo dài việc hạn chế các chuyến bay quốc tế cho đến cuối năm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và ngay cả những nơi có nền y tế phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu cũng bị ảnh hưởng nặng nề, Việt Nam lại đang nổi lên như một điểm đến an toàn khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Không chỉ vậy, sự thân thiện, hiếu khách của người dân và các cơ quan nhà nước và đặc biệt là ngành du lịch các địa phương trong thời gian vừa qua cũng làm cho Việt Nam trở nên nổi bật trên các phương tiện thông tin truyền thông. Những hành động tích cực đó trong khủng hoảng hoàn toàn có thể trở thành lợi thế cho các cơ quan quản lý du lịch các địa phương tại Việt Nam trong việc thu hút trở lại du khách sau dịch.
Tuy nhiên, công ty tư vấn Outbox Consulting lưu ý, trông đợi thời điểm dịch bệnh hoàn toàn kết thúc trên toàn thế giới để tiến hành các giải pháp phục hồi ngành du lịch dường như sẽ không khả thi, do phụ thuộc vào tình trạng bệnh dịch cũng như chính sách ứng phó của mỗi quốc gia. Nếu lựa chọn phương án này, các điểm đến và doanh nghiệp tại điểm đến sẽ đối mặt với nguy cơ ngưng trệ hoạt động trong thời gian dài.
'Cứu tinh' cho ngành du lịch
Trong báo cáo "Phương án phục hồi điểm đến du lịch tại Việt Nam", Outbox Consulting cho rằng, các cơ quan quản lý điểm đến cần xem xét chủ động xây dựng cho ngành du lịch của địa phương một lộ trình phục hồi cho từng giai đoạn cụ thể trên cơ sở thiết lập một kế hoạch thị trường chi tiết ứng với khả năng khôi phục của mỗi thị trường mục tiêu để từng bước đưa ngành du lịch quay trở lại hoạt động với ba mức độ ưu tiên chính.
Thứ nhất, tập trung phát triển thị trường nội địa cho giai đoạn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế thành công ở trong nước. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp ở các quốc gia bên ngoài dẫn tới khả năng kéo dài việc hạn chế các chuyến bay quốc tế cho đến cuối năm, thị trường nội địa sẽ “cứu thua” cho ngành du lịch các điểm đến trong giai đoạn mùa hè. Do đó, thay vì kì vọng vào thị trường khách quốc tế, các điểm đến có thể cân nhắc ưu tiên xây dựng sản phẩm hay có các chính sách thu hút đặc biệt cho thị trường du lịch nội địa trong năm 2020.
Tuy nhiên, việc xây dựng phương án sản phẩm hay truyền thông cho thị trường nội địa cũng cần lưu ý đến khả năng kéo dài các yêu cầu về cách ly, hạn chế tụ tập đông người, giảm tần suất chuyến bay trong một thời gian dài. Do đó, nên ưu tiên cho những giải pháp thu hút thị trường các địa phương lân cận, ưu tiên các sản phẩm riêng tư, tránh các chương trình sự kiện lễ hội thu hút đông người.
Thứ hai, chọn Đông Nam Á để bắt đầu phục hồi thị trường khách quốc tế trong những tháng cuối năm 2020. Outbox Consulting cho rằng, các quốc gia trong khu vực này đang phần nào làm chủ được tình hình cũng như mức độ dịch bệnh không quá nghiêm trọng nên có thể kiểm soát dịch bệnh tốt trong mùa hè và hoạt động giao thương, du lịch có thể phục hồi từ quý 3 năm nay, khi các đường bay quốc tế được nối lại một phần.
Kết hợp với các dự báo về xu hướng thay đổi hành vi của du khách giai đoạn sau dịch như ưu tiên các điểm đến gần và giá rẻ, khu vực Đông Nam Á có thể là thị trường tiềm năng để các điểm đến xem xét ưu tiên thu hút.
Thứ ba, tiếp tục ưu tiên thu hút khách thị trường truyền thống của Việt Nam những năm qua như Trung Quốc và Hàn Quốc cho giai đoạn quý 4/2020 - quý 1/2021. Khi những chuẩn bị về đa dạng hoá thị trường của ngành du lịch vẫn chưa thật sự tốt, không có quá nhiều sự lựa chọn ngoài việc tiếp tục với những thị trường truyền thống trước đó để duy trì sự tăng trưởng của ngành du lịch địa phương.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các quốc gia châu Á vốn là những thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ vẫn giữ được sự tăng trưởng kinh tế cơ bản hoặc chỉ sụt giảm nhẹ nên khả năng người dân ở các quốc gia kể trên vẫn tiếp tục chi tiêu cho hoạt động du lịch sau khi tình hình dịch bệnh ổn định là có cơ sở.
Các nhóm thị trường tiềm năng nhưng chưa thật sự tăng trưởng cao trong các năm qua cũng như các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ nên được xác định là ưu tiên dài hạn cho năm 2021 thay vì cố gắng tiếp cận thu hút trong năm nay.
Trong thời gian này, các cơ quan quản lý điểm đến có thể nghiên cứu cụ thể về đặc tính phân khúc để có chính sách, cơ chế phù hợp khuyến khích các hãng hàng không, lữ hành hay du khách quay trở lại địa phương hoặc lựa chọn địa phương như một điểm đến mới. Công tác này nên được xác định như là giải pháp lâu dài, hướng tới mục tiêu đa dạng hoá thị trường của các điểm đến trong nước.
Trên cơ sở lộ trình ưu tiên phục hồi, ngành du lịch các địa phương có thể nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hay giải pháp cụ thể ứng với từng giai đoạn để giải quyết các mục tiêu ưu tiên. Theo đó, giải pháp phục hồi ngành du lịch sau khủng hoảng cần được xác định là một chiến lược dài hạn đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu bài bản và có chiều sâu.
Outbox Consulting cho rằng, cần xem xét việc đề xuất các nhóm giải pháp theo hai mức độ ứng với hai giai đoạn phục hồi.
Giải pháp cấp bách trước mắt
Trước hết là các giải pháp cấp bách cho giai đoạn phục hồi trước mắt mang tính thực thi cao, không đòi hỏi đầu tư lớn, bao gồm nhóm giải pháp cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, nhóm giải pháp thị trường và truyền thông, và nhóm giải pháp phát triển sản phẩm.
Bên cạnh các gói hỗ trợ của chính phủ, mỗi điểm đến tuỳ thuộc vào điều kiện của mình và thực trạng doanh nghiệp có thể lựa chọn ban hành các cơ chế chính sách hay gói hỗ trợ kĩ thuật toàn diện như hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ đào tạo nhân sự và hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá điểm đến.
Về thị trường, nên tập trung vào đối tượng khách du lịch trẻ nội địa đã đi làm, ít bị tác động bởi tâm lý sợ hãi và đang bị kìm nén nhu cầu do thời gian giãn cách xã hội thông qua các chương trình khuyến mãi đặc biệt. Bên cạnh đó, xây dựng các gói kích cầu thị trường truyền thống, thị trường ASEAN đối với phân khúc khách quốc tế. Xây dựng và đẩy mạnh chiến dịch truyền thông giai đoạn phục hồi thông qua chương trình hỗ trợ ưu đãi và cam kết đặc biệt đối với du khách ở thời điểm sau dịch.
Đáng chú ý, thay vì phát triển hàng ngang, các cơ quan quản lý điểm đến cần tập trung đầu tư nguồn lực, tài chính và cơ chế cho phép phát triển hoàn thiện một sản phẩm trọng tâm của địa phương tạo động lực tái thu hút thị trường; ưu tiên cho các sản phẩm bền vững, gắn với tự nhiên và yếu tố phục hồi sức khoẻ để phù hợp với nhu cầu hiện nay của du khách và bảo đảm tạo được sức bật cho ngành du lịch địa phương trong mục tiêu thu hút du khách trong thời gian sớm nhất.
Về dài hạn, các cơ quan quản lý cần đầu tư phát triển một cách bền vững ngành du lịch thông qua nghiên cứu hệ thống hoá chuỗi cung ứng và xây dựng mô hình quản lý phát triển ngành; dự báo các rủi ro và thiết kế các kịch bản ứng phó để giảm tối đa thiệt hại của khủng hoảng đối với chuỗi cung ứng.
Ngành du lịch các địa phương cần xem xét đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng chân dung du khách mục tiêu để kịp thời nắm bắt các thay đổi của xu hướng thị trường cũng như phát hoạ được các đặc tính hành vi của du khách mục tiêu; qua đó phục vụ hiệu quả hơn cho mục tiêu đa dạng hoá thị trường, công tác truyền thông và phát triển sản phẩm của địa phương.
Các điểm đến cũng có thể xem xét xây dựng cơ chế tập trung nguồn lực và nhu cầu của doanh nghiệp để tổ chức thực hiện các công tác nghiên cứu nhằm tối ưu hoá hiệu quả đầu tư thực hiện.
Các địa phương cần xem xét đầu tư nhiều hơn vào giải pháp truyền thông số cho các phương án truyền thông xúc tiến du lịch, thay cho các kênh truyền thông cũ như tổ chức roadshow, hội chợ, xúc tiến vốn khó đo lường hiệu quả và không còn phù hợp với xu hướng thị trường.
Đồng thời, xem xét xây dựng quy định cụ thể và cơ chế thuận lợi ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo tối ưu hoá được lợi thế của địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận