menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Thành

Lo sợ virus corona, nhóm cổ phiếu hàng không, thủy sản, bia… rớt thảm

Trong bối cảnh virus corona diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt lao dốc với hàng loạt các nhóm cổ phiếu giảm sàn như Hàng không, Thủy sản, Chứng khoán, Bia… Trong khi đó, các mã ngành Dược lại “nổi sóng“ tăng mạnh...

Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng 3/2, chỉ số VN-Index chỉ còn 907,01 điểm, giảm 29,61 điểm so với phiên giao dịch cuối tuần qua (tương ứng giảm 3,16%). Chỉ số HNX-Index cũng chỉ còn 99,94 điểm, giảm 2,43 điểm (tương ứng 2,37%). Tính 3 phiên giao dịch từ Tết nguyên đán tới nay, vốn hóa thị trường đã mất đi 13,5 tỷ USD.

Nhóm ngành nào bị “tác động” bởi virus corona?

Mới nhất, WHO đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp do chủng virus Corona mới gây ra. Theo đó, dịch bệnh đang có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với SARS trước đây (giai đoạn 2002-2003). Tính đến 17h00 ngày ngày 02/02/2020, có 7 trường hợp được xác nhận nhiễm virus Corona tại Việt Nam.

Theo báo cáo từ Công ty CP Chứng khoán SSI, về mặt kinh tế, Việt Nam trong những năm qua đã đẩy mạnh kết nối thương mại quốc tế, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu/GDP chiếm tỷ lệ cao (196,6 %). Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã đóng cửa một số cửa khẩu đến Trung Quốc (Lào Cai, Lạng Sơn,…) cho đến ngày 08/02/2020. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam ở một mức độ nhất định. Thêm vào đó, Việt Nam đã thực hiện hạn chế cấp thị thực đối đối với những khách đến từ các khu vực tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus Corona Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hoạt động du lịch sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ những sự kiện nêu trên, ít nhất là trong ngắn hạn.

“Do vậy GDP quý 1 có thể sẽ găp nhiều thách thức. Chính phủ có thể sẽ cần các yếu tố hỗ trợ để giúp tốc độ tăng trưởng hồi phục trong nửa cuối năm nay, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% so với cùng kỳ cho cả năm 2020”, báo cáo của SSI nêu.

Dù vậy, SSI cũng nhấn mạnh, vẫn còn quá sớm để đưa ra các đánh giá về diễn biến của thị trường và dự phóng lợi nhuận. Tuy nhiên, SSI lại đưa ra các khuyến nghị “tiêu cực” với các nhóm ngành do ảnh hưởng của dịch virus Corona trong ngắn hạn, gồm: Dệt may, Bán lẻ; Thủy sản; Bia, Dầu khí; Chứng khoán; Cảng biển & vận chuyển; Dịch vụ sân bay và Hàng không.

Cụ thể, với ngành Dệt may, dù dịch virus không có tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩm may mặc, vì hầu hết các công ty may mặc trong nước không xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên, GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể gây tác động tiêu cực trong dài hạn lên tiêu dùng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.

Với ngành Bán lẻ, SSI cho rằng, lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm virus Corona, và tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết (dược phẩm) thay vì các mặt hàng như ICT (công nghệ thông tin).

Ở ngành Thủy sản, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm sút. Trong năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm 16,1% xuất khẩu tôm và 33% xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, Nghỉ Tết nguyên đán kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu trong Q1/2020.

Với ngành Bia, SSI đánh giá nhu cầu tiêu dùng bia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ virus Corona, do người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài. Chưa kể, ngành Bia trong năm nay cũng chịu tác động tiêu cực từ Nghị định 100 liên quan đến việc hạn chế tác hại của bia rượu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Ngành dầu khí, giá dầu Brent kết phiên ngày 30/01/2020 đã giảm 16% so với mức đỉnh tạm thời hình thành vào đầu tháng 1/2020. SSI cho rằng giá dầu giảm do nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu dầu mỏ sẽ yếu đi tại Trung Quốc, nơi mà nền kinh tế đang và sẽ chịu ảnh hưởng bởi virus Corona.

Riêng với ngành chứng khoán, SSI cho rằng tâm lý thị trường sẽ bị ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn. Nhưng nếu dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ ngay lập tức phục hồi mạnh mẽ, như đã từng xảy ra trong quá khứ. Vì vậy, dù ngắn hạn ngành chứng khoán là tiêu cực nhưng SSI lại duy trì quan điểm Trung lập đối với ngành Chứng khoán trong năm 2020.

Ngành Cảng biển và vận chuyển cũng bị đánh giá tiêu cực do hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ chịu tác động xấu trong quý 1/2020. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lượng hàng vận chuyển qua cảng biển ở Việt Nam. Tuy nhiên, thương mại điện tử và nhu cầu chuyển phát nhanh dự kiến sẽ tăng mạnh khi mọi người hạn chế ra ngoài trong thời gian sắp tới.

Với ngành dịch vụ sân bay, đây cũng là ngành được dự báo sẽ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Nguyên nhân là do hành khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số lượt khách của Việt Nam trong năm 2019, và con số này sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm do nhu cầu từ tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn và hoạt động sản xuất bị hạn chế.

Cuối cùng, với ngành Hàng không, tất cả các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố Virus, vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc…

Ngành Dược lại “thăng hoa”

Trái ngược với các nhóm ngành trên, cổ phiếu ngành Dược trong bối cảnh virus Corona diễn biến phức tạp lại có những phiên thăng hoa mạnh mẽ, mặc dù thanh khoản của những mã này vốn dĩ không cao.

Chẳng hạn, DHG của Dược Hậu Giang đang tăng trần lên mức giá 106.400 đồng/cổ phiếu. DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam cũng đang tăng trần lên mức giá 14.600 đồng.

IMP của Dược phẩm Imexpharm tăng giá 3.700 đồng tương ứng 6,75% lên 58.500 đồng và đang tiến sát mức giá trần là 58.600 đồng/cổ phiếu. DMC của Xuất nhập khẩu Y tế Domesco tăng 4.000 đồng tương ứng 5,26% lên 80.000 đồng và cũng gần đạt mức trần 80.600 đồng.

TRA của Traphaco tăng trần 4.000 đồng lên 62.000 đồng; DHT của Dược Hà Tây tăng trần 5.300 đồng lên 58.800 đồng và AMV của Sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ tăng 6,36% lên 23.400 đồng và vẫn đang trong xu hướng tăng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của SSI: “Cổ phiếu dược phẩm có diễn biến tích cực nhờ tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi không thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào về mặt cơ bản đối với các công ty dược niêm yết do dịch virus Corona, vì vậy chúng tôi vẫn duy trì quan điểm Trung lập với lĩnh vực này trong năm 2020”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại