menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lý Bằng

Lo sợ khách quay lưng với bảo hiểm, ngân hàng 'tung chiêu'

Liên tiếp những vụ việc ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm nhân thọ bị phanh phui gần đây khiến các ngân hàng phải tung ra các “chiêu” mới để thu hút người mua bảo hiểm

Ngân hàng tung chiêu mời gọi khách

Sacombank là ngân hàng liên kết phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với Công ty bảo hiểm Dai-ichi Life. Nhà băng này đang mời gọi khách hàng mua bảo hiểm bằng cách đưa ra các chương trình khuyến mãi như: khách hàng có cơ hội trúng thưởng xe ô tô Mercedes C200, xe máy Honda SH 125i, hoặc tiền mặt 15 triệu đồng sau khi mua gói bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng trị giá từ 20 triệu đồng trở lên.

Ngân hàng này còn mời gọi khách mua bảo hiểm thông qua việc phát hành thẻ tín dụng. Hoàn 100% phí chuyển đổi trả góp kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng với thẻ tín dụng, áp dụng cho hợp đồng tái tục bảo hiểm năm thứ hai và thứ ba,...

Không chịu thua kém, Vietcombank cũng vừa tung ra chương trình khuyến mại ưu đãi tặng 6% giá trị hợp đồng bảo hiểm (tối đa 50 triệu đồng) dành cho khách mua bảo hiểm nhân thọ FWD với giá trị hợp đồng từ 25 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, khách hàng sẽ không được nhận tiền mặt mà được phân bổ vào tài khoản đầu tư thêm của hợp đồng.

Có ngân hàng còn yêu cầu nhân viên chăm sóc khách hàng gọi điện mời tham gia bảo hiểm từ hạn mức của chiếc thẻ mà họ đang sử dụng. Theo đó, chỉ cần bỏ ra tối thiểu 1,5 triệu đồng sẽ được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện quốc tế, được chi trả ít nhất 1 ngày nằm viện như một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Nếu tham gia ở mức cao hơn, quyền lợi sẽ được nhiều hơn. Số tiền tham gia bảo hiểm sẽ được trừ trực tiếp vào thẻ tín dụng.

Lo sợ khách quay lưng với bảo hiểm, ngân hàng 'tung chiêu'
Ngân hàng tung chiêu tặng xe cho khách may mắn trúng thưởng khi mua bảo hiểm. (Ảnh: Sacombank).

Bancassurance phát triển nhanh chóng vài năm trở lại đây, đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Tuy vậy, tình trạng ngân hàng chèo kéo khách mua bảo hiểm diễn ra ngày một phổ biến. Chị Đoàn Thu Hằng (khu tập thể Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội), cho biết, mỗi lần ra giao dịch gửi hoặc rút tiết kiệm tại ngân hàng TPBank gần nhà, chị luôn phải nghe nhân viên ngân hàng mời tham gia gói bảo hiểm nhân thọ. Điều này khiến chị cảm thấy phiền toái và liên tục phải từ chối.

“Nhân viên giao dịch còn hay có kiểu tư vấn đóng tiền hàng tháng, đến bao nhiêu năm thì lãi suất tăng, tiền nhận về gấp mấy lần lúc nộp. Họ tư vấn tôi trích một số tiền nhỏ làm gói riêng, mỗi năm nộp từng này, sau bao năm thì được từng này tiền... Nhận ra đây chính là mô hình bảo hiểm nên tôi từ chối luôn, dù bảng lãi suất họ đưa ra cao hơn nhiều so với lãi suất thông thường”, chị Thu Hằng nói.

Những mối lợi nghìn tỷ

Năm 2022 thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Sacombank đạt xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Trong đó, động lực chính nhờ nhu cầu từ dịch vụ thanh toán và bancassurance.

Bên cạnh hoa hồng nhận được từ các hợp đồng bảo hiểm, việc ghi nhận 1.500 tỷ đồng phí bảo hiểm trả trước từ Dai-ichi Life là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ này.

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, có 460.000 khách hàng trong tổng số hơn 10 triệu khách hàng cá nhân của Sacombank mua hợp đồng bảo hiểm. Hoạt động bancassurance của Sacombank cũng giữ vị trí đáng kể với thị phần được cho là nằm trong top 4.

Vietcombank không công bố chi tiết thu nhập từ bancassurance trong năm qua, nhưng cho biết tốc độ tăng trưởng doanh số từ mảng dịch vụ này lên tới 135%, gấp đôi so với mức tăng bình quân chung của toàn thị trường. BCTC của ngân hàng này cho thấy, phần “thu khác” trong mục “thu từ hoạt động dịch vụ” lên tới 5.852 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.

Tại VietinBank, năm 2022, doanh số bancassurance đạt hơn 1.000 tỷ đồng, giúp ngân hàng hoàn thành mục tiêu đề ra trong việc bắt tay với Manulife.

Ngoài ra, Techcombank cho biết năm 2022 thu về số tiền 1.750 tỷ đồng từ phí hoa hồng bán bảo hiểm do Manulife chi trả, tăng 12,34% so với năm 2021.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) không công bố cụ thể thu nhập từ bancassurance của năm 2022, nhưng báo cáo mới đây của SSI Research về ACB cho thấy, chỉ riêng quý IV/2022, thu nhập từ bancassurance chiếm 55% trong tổng thu nhập phí thuần 2.000 tỷ đồng của ACB, tăng 30,7% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng là một trong những đơn vị chú trọng đến bancassurance thông qua liên kết với công ty con MB Ageas Life. Chỉ trong nửa đầu năm 2022 thu nhập từ hoạt động bảo hiểm của MB đạt 5.061 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Tại VPBank, thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm năm 2022 đạt 1.372 tỷ đồng, tăng mạnh 140% so với năm 2021 và chiếm tới 30% tổng thu nhập dịch vụ của ngân hàng.

BCTC quý IV/2022 của các ngân hàng TPBank, VIB, HDBank không công bố chi tiết thu nhập từ bancassurance, nhưng ước tính khoản thu nhập này đem lại cho mỗi ngân hàng không dưới 1.000 tỷ đồng trong năm qua.

Thị trường đã có rất nhiều cái "bắt tay nghìn tỷ" giữa các ngân hàng với công ty bảo hiểm, có thể kể đến VPBank - AIA, Vietcombank - FWD, ACB - Sunlife, MSB - Prudential, VIB - Prudential, Sacombank - Daiichi Life, hay VietinBank, Techcombank và SCB hợp tác với Manulife.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại