menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Lệ Xuân

Lỡ nhịp hội nhập vì thiếu hành lang pháp lý

Nhiều quy định hiện hành áp dụng trong thực tế đang vênh với quy định pháp luật trong hội nhập...

Việc rà soát chính sách cũng như các văn bản hướng dẫn thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được thực hiện rất chậm chạp. Điều này sẽ làm lỡ mất nhiều cơ hội và tốn các chi phí không đáng có đối với DN, NĐT kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Nhìn lại từ cuối năm 2018, Quốc hội phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Để thực thi hiệp định, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 8 luật. Cùng với đó theo Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với kế hoạch thực hiện CPTPP, có ít nhất 10 văn bản pháp luật cần phải tiến hành sửa đổi hoặc ban hành mới để thực thi trong tháng 1/2019, tức là ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Các văn bản này bao gồm các thông tư, nghị định có liên quan tới các vấn đề như Luật Cạnh tranh, quy tắc xuất xứ hàng hoá, hợp tác và giám sát hải quan, biểu thuế xuất khẩu – nhập khẩu, giải quyết tranh chấp…

Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng thực hiện CPTPP, mới có duy nhất 1 văn bản được ban hành là Thông tư của Bộ Công thương quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong CPTPP. Các văn bản pháp luật khác vẫn đang trong quá trình soạn thảo hoặc lấy ý kiến, chưa được thông qua, ban hành, vì vậy đương nhiên là cũng chưa có hiệu lực thực thi. Điều này gây khó khăn cho DN trong việc sớm tận dụng các lợi ích của CPTPP.

Chẳng hạn như đối với các DN nhập khẩu hàng hoá, theo quy định của hiệp định, hàng hoá nhập khẩu từ các thành viên CPTPP đã phê chuẩn hiệp định khi nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 14/1/2019 sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, cho tới đầu tháng 5/2019 Dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện CPTPP vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Do đó, DN vẫn chưa có căn cứ để được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu CPTPP.

Một chuyên gia của Trung tâm WTO phân tích, theo dự thảo nghị định, DN có thể đề nghị hồi tố khoản tiền thuế nộp thừa cho các lô hàng nhập khẩu trong giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến trước ngày nghị định có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều DN có thể đã không nắm được quy định để lấy chứng từ chứng nhận xuất xứ cho các lô hàng đó và cũng không khai hải quan ngay từ đầu về việc nộp chậm chứng từ chứng nhận xuất xứ, và do đó không thể đáp ứng điều kiện hồi tố được khoản tiền thuế thừa này.

Thực tế cho thấy, nhiều quy định hiện hành áp dụng trong thực tế đang vênh với quy định pháp luật trong hội nhập. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Hội nhập kinh tế quốc tế dẫn chứng, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, pháp luật của ta xử lý tranh chấp bằng hành chính nhưng quốc tế lại coi đây là vấn đề vi phạm hình sự.

Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan đàm phán để Việt Nam bảo lưu khá lâu các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ, nhằm kiện toàn các quy định, đồng thời đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ, nhằm thích ứng được yêu cầu về sở hữu trí tuệ của luật pháp quốc tế. Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ cho rằng các cơ quan thẩm tra và soạn thảo cần rà soát thêm cả về pháp luật với các luật hải quan, hình sự, tố tụng hình sự... có liên quan tới sở hữu trí tuệ.

Không phủ nhận rằng các chính sách, pháp luật trong nước hiện chưa kịp thích ứng với đòi hỏi của quá trình hội nhập, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành lý giải, đó là do việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội và các khía cạnh khác của cam kết CPTPP với Việt Nam để có dự kiến chính sách, quy định phù hợp chưa được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Trong khi đó, đây là chìa khoá để sau khi phê chuẩn, Việt Nam có thể thực thi FTA này một cách hiệu quả.

Trong các văn kiện trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP, không ít những tác động quan trọng từ FTA này đã không được đề cập tới hoặc chỉ được nhắc thoáng qua, thiếu những phân tích cụ thể và định lượng, đặc biệt là về các tác động liên quan tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động – dân cư, tác động về thu ngân sách, chi phí tuân thủ của xã hội đối với các cam kết quy tắc về lao động – môi trường…

Các văn kiện này cũng không có bất kỳ dự kiến nào về các chính sách, biện pháp để ứng phó với tác động từ CPTPP. Ví dụ, chúng ta chắc chắn sẽ cắt giảm thuế theo cam kết CPTPP, nhưng lại chưa có dự kiến chính sách để cân đối, bù đắp phần thu ngân sách bị thiết hụt, ví dụ biện pháp cắt giảm chi, tăng cường hợp tác công – tư, cơ chế hành thu hiệu quả, chống gian lận thuế và chuyển giá…

Vì vậy, cần thiết nhất hiện nay là có những kết quả nghiên cứu đánh giá tác động CPTPP với các ngành, các địa phương, để DN thuận lợi hơn khi hoạch định chiến lược kinh doanh của mình. Nếu chính sách, pháp luật thực thi CPTPP được thiết kế một cách khéo léo, DN sẽ được hưởng lợi ích tốt hơn, đồng thời tránh được những bất lợi không đáng có từ CPTPP. Ngoài ra nếu các khâu tổ chức thực thi được thực hiện bởi cơ quan nhà nước như cấp C/O, thủ tục hải quan, thủ tục gia nhập thị trường… tiến hành suôn sẻ, chắc chắn DN sẽ tận dụng CPTPP tốt hơn nữa.

Sau hơn 3 tháng thực hiện CPTPP, mới có duy nhất 1 văn bản được ban hành là Thông tư của Bộ Công thương quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong CPTPP. Các văn bản pháp luật khác vẫn đang trong quá trình soạn thảo hoặc lấy ý kiến, chưa được thông qua, ban hành, vì vậy đương nhiên là cũng chưa có hiệu lực thực thi.

Cho tới đầu tháng 5/2019 Dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện CPTPP vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Do đó, DN vẫn chưa có căn cứ để được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu CPTPP. Thực tế cho thấy, nhiều quy định hiện hành áp dụng trong thực tế đang vênh với quy định pháp luật trong hội nhập.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả