Lộ nhiều bất cập, Bộ Xây dựng làm chế tài mới xử lý vi phạm xây dựng
Trước hàng loạt bất cập trong việc xử lý vi phạm xây dựng, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 9/2021.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng…, Bộ Xây dựng cho biết, trong hơn 3 năm thực hiện, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP đã góp phần chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng trong cả nước từng bước đi vào nề nếp, số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm qua từng năm.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, Nghị định 139 trên cũng bộc lộ một số bất cập, vướng mắc trong quá trình áp dụng cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, Quốc hội đã ban hành Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020. Do đó, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với hệ thống pháp luật nêu trên.
Về việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang khẩn trương triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, dự kiến hoàn thành đúng tiến độ trình Chính phủ trong tháng 9/2021. Đồng thời xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP để giúp các địa phương dễ áp dụng trong quá trình thực hiện Nghị định.
Trước đó, theo kiến nghị của cử tri, quá trình phát triển kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hóa ngày càng phát triển làm xuất hiện nhiều hoạt động, hành vi mới của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động đầu tư xây dựng. Thực trạng này dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và các quy định liên quan khác để điều chỉnh các hành vi vi phạm xảy ra trong thực tiễn, gây lúng túng, bị động cho các cơ quan quản lý trong việc áp dụng và xử lý kịp thời các vi phạm.
Đơn cử như việc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa cụ thể, khó áp dụng đối với việc khấu trừ tài khoản.
Hay việc tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính khi cơ quan ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính không có đủ bộ máy, nhân lực để tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, chưa có quy định cụ thể ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng để các cơ quan thống nhất là chính quyền địa phương áp dụng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận