Lộ nhân tố giúp nâng khống giá trị lô đất 274 Nam Kỳ Khởi Nghĩa lên 12 lần trong vụ Vạn Thịnh Phát
Viện KSND Tối cao đã công bố cáo trạng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan. Cáo trạng cũng ghi rõ hành vi phạm tội của từng người, liên quan đến từng sự việc.
Trong số 85 bị can bị khởi tố cùng với Trương Mỹ Lan, Lê Anh Phương là một trong những nhân vật quan trọng, gắn bó với SCB nhiều năm.
Lê Anh Phương trước đó làm việc tại SCB (cũ), ngân hàng TMCP Đệ Nhất, và làm việc tại SCB mới sau sáp nhập đến ngày 14/12/2020. Lê Anh Phương đã trải qua nhiều cương vị khác nhau tại SCB và chi nhánh.
Từ 24/8/2017 đến 9/10/2020 Lê Anh Phương đã ký đồng ý cho 91 khách hàng, vay 119 khoản vay có dư nợ tại SCB đến 17/10/2022 là 77.934 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay mà Lê Anh Phương ký các thủ tục hợp thức là 8.899 tỷ đồng.
Ngoài việc tham gia lập hồ sơ vay vốn khống, thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng - Phó Tổng Giám đốc SCB - Lê Anh Phương đã liên hệ, trao đổi với Đỗ Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn - dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC.
Đỗ Xuân Nam đã cấp chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá trị tài sản số 274 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP. HCM và lùi ngày phát hành chứng thư.
Ngân hàng SCB sử dụng chứng thư này để hợp thức hóa cho 4 khoản vay của 4 công ty “ma” thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Các khoản vay này có dư nợ đến 17/102/2022 là 4.938 tỷ đồng (trong đó có 3.416 tỷ đồng dư nợ gốc và 1.521 tỷ đồng dư nợ lãi).
Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá tài sản đảm bảo này gần 276 tỷ đồng. Tương ứng tổng dư nợ gốc của các khoản vay này đang gấp 12 lần giá trị tài sản của lô đất 274 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Hành vi của Lê Anh Phương đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền, gây thiệt hại cho SCB số tiền 72.374 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận