Lo ngại suy thoái gia tăng, giá dầu giảm xuống ngưỡng thấp nhất 4 tuần
Giá dầu Brent và WTI giảm lần lượt 5,6%, 6,8%.
Giá dầu giảm khoảng 6% xuống ngưỡng thấp nhất 4 tuần trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu dầu mỏ đi xuống.
Đồng USD tăng giá lên ngưỡng cao nhất gần 20 năm trong tuần vừa qua cũng là một yếu tố gây gia tăng áp lực cho giá dầu, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng quốc tế.
Giá dầu Brent tương lai giảm 6,69 USD, tương đương, 5,6% xuống 113,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 8,03%, tương đương 6,8%, xuống 109,56 USD/thùng.
Giá dầu Brent rơi xuống ngưỡng thấp nhất từ ngày 20/5 trong khi giá dầu WTI cũng thấp nhất hơn 1 tháng. Phiên giao dịch 16/6 ghi nhận mức giảm (theo tỷ lệ %) lớn nhất từ đầu tháng 5 đối với Brent và cuối tháng 3 đối với dầu WTI.
Chốt tuần, giá dầu Brent tương lai giảm lần đầu tiên trong 5 tuần gần nhất, trong khi giá dầu WTI cũng có tuần giảm đầu tiên sau 2 tháng.
Thị trường Mỹ nghỉ giao dịch vào thứ 2 tới.
“Giá dầu giảm do giá đồng USD tăng cao, bên cạnh đó, Nga dự báo xuất khẩu dầu mỏ tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu đi xuống”, theo Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại OANDA.
Nhiều ngân hàng trung ương hiện đang đẩy mạnh siết chặt chính sách tiền tệ nhằm đẩy lùi lạm phát, làm dấy lên quan ngại nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Cục Dự trữ liên bang Mỹ trong tuần này đã tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994.
Ngoài ra, giá dầu giảm trước áp lực giá nhiên liệu tăng cao, gây lo ngại về triển vọng nhu cầu.
Hiệp hội ô tô Mỹ cho biết giá dầu diesel tại quốc gia này tăng cao kỷ lục lên mốc 5,798 USD/gallon trong ngày 16/6, trong khi giá xăng cũng thiết lập đỉnh mới 5,016 USD/gallon hồi đầu tuần.
Dù muốn Arab Saudi bổ sung thêm dầu vào thị trường thế giới, ông Biden cho biết sẽ không hội đàm trực tiếp với Thái tử Mohammed bin Salman trong chuyến công du tới Trung Đông vào tháng tới.
Nga dự báo xuất khẩu dầu mỏ của họ tăng lên trong năm 2022 dù phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo thứ trưởng bộ Năng lượng nước này.
Thị trường dầu mỏ toàn cầu trở nên hỗn loạn sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine. Lượng khí đốt chảy từ Nga vào châu Âu hiện không đáp ứng đủ nhu cầu vận hành hệ thống làm mát tăng cao khi nhiều quốc gia trong khu vực này phải đối diện với đợt nắng nóng đầu tiên của năm.
Một tàu chở dầu điều hành bởi hãng Eni Spa sẽ sớm rời Venezuela để tới châu Âu, điều chưa từng xảy ra trong khoảng 2 năm vừa qua.
Kim loại quý
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch 16/6 trong bối cảnh đồng USD tăng giá trước những động thái siết chính sách tiền tệ của một loạt ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Giá vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.836,26 USD/ounce. Giá vàng tương lai giảm 0,5% xuống 1.840,60 USD/ounce, tổng cộng giảm 1,86% trong tuần vừa qua.
Đồng USD mạnh lên khiến vàng trở nên kém hấp dẫn. Đồng tiền này cùng lợi suất trái phiếu Mỹ đều tăng trong ngày hôm qua.
“Triển vọng xuất hiện nhiều hơn các đợt tăng lãi suất trong tương lai, bên cạnh đó là mức tăng mạnh 0,75% trong tuần vừa qua, chính là những yếu tố kìm hãm giá vàng trong ngắn hạn”, Han Tan, Chuyên gia phân tích tại Exinity.
Bên cạnh dó, nhu cầu vàng tại quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới Trung Quốc tương đối ảm đạm do những quy định phòng dịch khắt khe.
“Tuy nhiên, rủi ro nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái tiếp tục tăng lên sau các đợt tăng lãi suất của Fed nhằm sớm kiểm soát lạm phát. Đó sẽ là thông tin có lợi đối với giá vàng trong dài hạn khi nhà đầu tư tìm kiếm các loại hình tài sản trú ẩn an toàn để né suy thoái”, Han Tan nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận